Thị trường

Doanh nhân và trách nhiệm xã hội - nhìn từ đại dịch Covid-19

13/10/2021, 14:25

Đó là chủ đề tọa đàm do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam vừa tổ chức ngày 12/10.

Tại buổi toạ đàm, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam khẳng định, cùng với sự chuyển mình của đất nước qua 35 năm Đổi mới, Việt Nam đang hình thành một đội ngũ doanh nhân mang khát vọng cống hiến và tinh thần phụng sự vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hiện nay, khi đất nước đang phải căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, doanh nhân Việt Nam là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế; kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng sẽ là những người tiên phong giải những bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

img

Tọa đàm "Doanh nhân và trách nhiệm xã hội - nhìn từ đại dịch Covid-19" do Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 12/10

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp phải muôn vàn khó khăn, doanh nhân Việt Nam đã chủ động thích ứng, kiên cường trước cơn sóng lớn, tận tâm đóng góp sức lực và vật chất cho cộng đồng và đất nước để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Tinh thần đó của doanh nhân Việt Nam thật đáng trân trọng và tự hào.

Nhận định về vai trò của khu vực doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh bình thường mới, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, sau khoảng 4 tháng “đóng cửa” để cách ly chống dịch, ở khu vực phía Nam, chúng ta nhìn thấy sự “rơi thẳng đứng” của nền kinh tế, GDP từ 6% quý II rơi xuống - 6% vào quý III/2021. Sự “ra đi” của 10.000 doanh nghiệp đã dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy năng lực rất lớn của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch, tự chịu trách nhiệm và quản lý. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để kéo được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành chống dịch với cả nước nhiều hơn nữa.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề xuất Giải pháp “5T” từ Chính phủ và “3 Hóa” từ doanh nghiệp.

Thứ nhất là “trợ thở” bằng cách mở cửa. Từ đầu tháng 10 chúng ta đã mở cửa nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không ngập ngừng nửa đóng nửa mở.

Thứ hai là “tiếp máu” cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất, do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50%, do đó còn rất nhiều dư địa để tiếp tục hỗ trợ.

Thứ ba là “tháo gỡ” khó khăn vướng mắc, cởi trói chính sách cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay, luật pháp còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn ít nhiều phiền hà.

Thứ tư là cần “thúc đẩy nâng cao trình độ” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cần tiền, mà cần Nhà nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp.

Cuối cùng là “tiếp cận thị trường”, chúng ta cần tổ chức xúc tiến qua mạng mạnh mẽ. Trước mắt, phải tính toán phương án “cơm áo gạo tiền”, tuy nhiên 3 tháng cuối năm cũng cần quan tâm xanh hóa, xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa. Đề cao tính xã hội của doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững là cực kỳ cần thiết.

Nhìn từ đại dịch Covid-19, TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: “Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau. Và để làm được điều này, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho doanh nghiệp làm. Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cần dồn sức lo cho doanh nghiệp, khen chê cần rõ ràng thì doanh nghiệp mới phát triển đi lên được”, TS. Lê Doãn Hợp khẳng định.

Chia sẻ về những lực cản, nút thắt cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, vướng mắc lớn nhất là các doanh nghiệp đang “kẹt cứng” ở mô hình “Zero Covid” và cách sống chung an toàn với Covid. Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ rõ ràng, cụ thể về điều này.

“Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch Covid-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19 nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được. Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế”, ông Dũng khẳng định.

Trân trọng và tự hào trước tinh thần của doanh nhân Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã cho ra mắt ấn phẩm: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc. Nhà báo Phạm Nguyễn Toan cho biết: Chân dung 30 Doanh nhân đại diện cho tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới, xuất hiện trong ấn phẩm này cũng chính là 30 câu chuyện truyền cảm hứng, là những bức tranh sinh động chứa đựng những giá trị nhân văn, vì mỗi Doanh nghiệp – Doanh nhân là một số phận, một cuộc đời, là mạch nguồn của cảm xúc, tư duy, sáng tạo và trách nhiệm không thể đo đếm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.