Văn hóa - Giải Trí

Doanh số ngành thời trang sụt giảm trăm tỷ USD vì dịch Covid-19

03/06/2020, 06:41

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến ngành thời trang chịu ảnh hưởng không nhỏ khi doanh số bán hàng sụt giảm 34% trong tháng 3.

img
Covid-19 khiến ngành thời trang thế giới biến động, nhưng cũng tạo cơ hội để các thương hiệu điều chỉnh phương thức sản xuất theo hướng bền vững

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng tất cả các lĩnh vực trên toàn cầu, trong đó, ngành thời trang chịu ảnh hưởng không nhỏ khi doanh số bán hàng sụt giảm 34% trong tháng 3, thậm chí được dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm từ 3 - 4% nữa.

Thời trang vỡ trận

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu, Mỹ từ tháng 3/2019, hàng loạt các “ông lớn” như: Giorgio Armani, Hermes, LVMH... đến những thương hiệu nội địa đã đóng hàng loạt các cửa hàng trên toàn thế giới cũng như hủy bỏ các buổi biểu diễn thời trang để tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Điều này đã nhanh chóng chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu của ngành thời trang toàn cầu. Theo báo cáo của Công ty Tư vấn McKinsey về tác động của Covid-19 đối với ngành bán lẻ Mỹ, doanh số ngành thời trang toàn cầu dự kiến sẽ giảm 27-30%. Sự sụt giảm doanh số nhanh chóng được ghi nhận tại các cửa hàng ở Mỹ và trên khắp châu Âu. Virus Corona đã khiến trung tâm thời trang thế giới New York phải dừng lại đột ngột. Ở Mexico và khu vực Trung Mỹ, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa vì các cửa hàng bán lẻ đột nhiên ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội.

Là một trong những “thủ phủ” của giới thời trang, ngành thời trang và may mặc Italy vẫn không tránh khỏi vòng ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo tính toán gần đây của SMI-Sistema Moda Italia, thời trang nước này đã chịu lỗ 3,5 tỷ euro trong 3 tháng đầu năm. Dự đoán, từ nay đến cuối năm, con số thiệt hại này có thể lên đến 9 tỷ euro.

Tại Anh, quốc gia thu hút đến hàng tỷ lượt khách du lịch mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới, ngành may mặc được ước tính là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, một phần bởi xu hướng tiết kiệm chi tiêu trong khủng hoảng. Cùng với đó, doanh số bán quần áo và giày dép cũng dự kiến sẽ giảm 11,1 tỷ bảng Anh (khoảng 13,06 tỷ USD).

Ngoài ra, doanh số của ngành hàng thời trang xa xỉ nói chung có thể sẽ giảm từ 35-39% trong năm nay, dự kiến sẽ giảm tới 650 tỷ USD so với năm 2019. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng cho biết, kênh hàng trực tuyến giảm tới 30-40% doanh thu. Bain & Company dự đoán, doanh số toàn cầu của ngành thời trang xa xỉ có thể giảm tới 60% trong quý II, tăng trưởng năm 2020 giảm 20-35% so với năm 2019 vì đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với tạp chí Forbes, Sarah Willersdorf - người đứng đầu ngành hàng xa xỉ tại Boston Consulting Group (BCG) thừa nhận, công nghiệp thời trang nói chung và ngành thời trang xa xỉ chịu nhiều tác động xấu nhất trong các mặt hàng tiêu dùng. Nghiên cứu của BCG cho thấy 86% trong số hơn 500 nhà sản xuất được khảo sát đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đơn đặt hàng bị hủy hoặc bị đình chỉ và 40% đang vật lộn để trả lương cho nhân viên và nhà cung cấp của họ.

Cấp tốc “hồi sinh”

img
Nhiều cửa hàng thời trang đã được mở lại sau nhiều tuần đóng cửa vì dịch Covid-19

Theo The Economist, Achim Berg - người đứng đầu mảng tư vấn thời trang ở McKinsey nhận định, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp trong ngành thời trang sẽ vấp phải thách thức lớn.

Để đối phó với tình trạng này, H&M cam kết sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất và người lao động bằng cách thanh toán tất cả các đơn hàng, bao gồm cả những hàng hóa đang sản xuất. “Chúng tôi muốn đảm bảo sự sống còn trong tương lai của ngành một khi khủng hoảng qua đi”, đại diện H&M khẳng định. Những công ty khác như: Inditex, Marks & Spencer và Phillips-Van Heusen cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng của họ.

Ở góc độ kinh tế, tạp chí Forbes cho rằng, một trong những lý do khiến các thương hiệu thời trang bị “mắc kẹt” sau đại dịch đó là số lượng khổng lồ hàng tồn kho từ các bộ sưu tập xuân - hè 2020. Số hàng tồn kho này sẽ mất phần lớn giá trị của nó trong vài tháng tới và sẽ sớm được thanh lý tại các cửa hàng bán lẻ với giá thấp vào cuối mùa hè này.

Hiện, các thương hiệu tại Italy đang tự thiết lập một định hướng kinh doanh mới. Hand Picked, một thương hiệu do Giada sản xuất đang cố gắng hướng đến nhu cầu của một thị trường đang có sự dịch chuyển. Ông Franco Catania, Chủ tịch Giada nói với Sport Wear: “Chắc chắn chúng tôi sẽ tăng các quy trình thân thiện với môi trường”.

Ngoài ra, bên cạnh việc duy trì các cửa hàng truyền thống, các nhãn hiệu sẽ cần xây dựng các trang web mua hàng một cách tối giản và tiện dụng để thúc đẩy nhu cầu mua sắm online trên nhiều độ tuổi khác nhau.

Federico Corneli, chủ sở hữu thương hiệu Haikure, cũng đang xác định một mô hình kinh doanh mới cho thương hiệu của mình. “Chúng tôi hướng đến việc cung cấp các chiến lược kỹ thuật số đa kênh. Chẳng hạn, chúng tôi muốn nâng cấp từ Shopify lên Shopify Plus. Để làm được điều đó, chúng tôi nghiên cứu lộ trình và phản hồi của khách hàng về dịch vụ của mình. Ngoài ra, từ tháng 9, chúng tôi sẽ ra mắt các thiết kế mới hàng tháng, tạm thời chỉ được bán thông qua nền tảng kỹ thuật số”, Federico Corneli cho hay.

Trên tạp chí Fortune Italia, Claudio Marenzi - Chủ tịch Hiệp hội Các công ty dệt may và thời trang Confindustria Moda (Italy) thừa nhận, tất cả các công ty trong hiệp hội đều nhận thức được những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt. “Chúng tôi đang tiếp cận giai đoạn này với cả sự nhiệt tình và lo lắng. Tất cả chúng tôi đều mong muốn mở cửa trở lại và chúng tôi cảm thấy tự tin rằng mình sẽ cố gắng hết sức. Đây là nguồn lạc quan chính của chúng tôi”, lãnh đạo Confindustria Moda khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.