Xem - ăn - chơi

Độc đáo cỗ xe bò đua cổ nhất Việt Nam

05/02/2017, 10:48
image

Tôi thật sự sung sướng khi được Hòa thượng giới thiệu về Pro-tích-lon.

xe-1

Hòa thượng Chau Sơn Hy bên chiếc xe bò đua cổ nhất Việt Nam.

Do nhiều lý do, môn đua bò bằng xe đã lùi vào dĩ vãng. Vì vậy, khi được tin ở chùa Sà Lôn (Tri Tôn, An Giang) đang lưu giữ chiếc Pro-tích-lon (cỗ xe bò đua) cổ xưa nhất Việt Nam, tôi đã lên đường ngay trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết.

“Độc” trong “chất”

Sáng chớm xuân, mây la đà như vắt những màn xoan mỏng mảnh bên vạt nắng đầu ngày trên đỉnh Ngọa Long Sơn, rồi sà xuống tận chân núi khiến con đường dẫn vào chùa Sà Lôn (xã Lương Phi) mơ màng như bức tranh thủy mặc, một cảnh giới hoàn toàn khác với đại công trình khai thác đá, đầy bụi và tiếng ồn cách đó không xa. Nằm cuối sóc Sà Lôn nhưng chúng tôi dễ dàng tìm ra chùa Sà Lôn ngay câu hỏi đầu tiên. Đang hối hả quảy gánh ống nước thốt - nốt ra chợ bán, nhưng nghe chúng tôi giới thiệu là nhà báo hỏi đường vào chùa, bà Néang Kim Cheng tận tình hướng dẫn kèm lời dặn: “Vô đó nhớ xem chiếc Pro-tích-lon, tôi vô xem mấy lần rồi mà vẫn cứ muốn xem nữa”, chất giọng lơ lớ, với lối bắt chuyện dân dã, chân chất của “sơn nữ” Bảy Núi càng khiến tôi thêm hứng thú về chiếc xe bò đua này.

Pro-tích-lon trong tiếng Khmer là cỗ xe bò đua, loại hình đua trên cạn, cổ xưa hơn và khác biệt hẳn so với “người em” của nó là đua bò trên ruộng nước mà ngày nay được nhiều người biết đến như loại hình văn hóa - thể thao hấp dẫn - độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) được duy trì vào dịp Đôn-ta. 

Nắng bắt đầu xuyên qua tàn lá, con đường vào chùa như rắc đầy những chùm hoa nắng lung linh theo nhịp lá non gọi gió. Do đã liên hệ trước, nên Hòa thượng Chau Sơn Hy, sãi cả (người tu lâu năm nhất trong chùa Phật giáo Nam tông, tương đương trụ trì trong chùa Phật giáo Bắc tông) đón tiếp rất niềm nở. Sau những thủ tục xã giao ngắn gọn, Hòa thượng đưa chúng tôi tham quan “bảo tàng” mà ông là người đưa ra sáng kiến, ý tưởng, tổ chức thực hiện và trực tiếp quản lý. Thật ra “bảo tàng” là do chúng tôi tự gọi, còn với Hòa thượng, đó là nhà kho, với lý do: Còn đơn sơ và bề bộn lắm.

Cửa phòng mở ra, trước mắt tôi như thế giới của “vật thể lạ”. Bởi, đó gần như là những nông cụ xưa, cũ và ít được sử dụng. Đó là giỏ đựng cá khi đi tát đìa, (tiếng Khmer gọi là Chêl - đak- rây), cào cá bằng tay (Sniên), cối xay lúa có cần đẩy tay (Thbal- kel) cho đến cối giã lúa trực tiếp bằng chài tay (Kbal- đươn), rồi cối giã cốm dẹp (Kbal- on- re)... Rất nhiều loại nông cụ của người Khmer hiện ra trước mắt tôi. Tuy nhiên, như mục đích ban đầu tìm đến, tôi thật sự sung sướng khi được Hòa thượng giới thiệu về Pro-tích-lon.

Xem thêm video:

Hòa thượng Chau Sơn Hy cho biết, Pro-tích-lon trong tiếng Khmer là cỗ xe bò đua, loại hình đua trên cạn, cổ xưa hơn và khác biệt hẳn so với đua bò trên ruộng nước của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi ngày nay được duy trì vào dịp Đôn-ta. “Tuy nhiên, do loại hình đua bò kéo xe chỉ thực hiện trên đường bộ nên mức độ nguy hiểm cao, vì thế sau đó đã nhường chỗ cho loại hình đua bò kéo bừa trên mặt ruộng có nước ngập xăm xắp, tính nghệ thuật và độ an toàn cao hơn. Do vậy, ngày nay nhiều thanh niên Khmer chỉ biết được Pro-tích-lon qua lời kể của ông, bà”, Hòa thượng Chau Sơn Hy buồn bã nói.

Thú thật, đây cũng là lần đầu tiên tôi mắt thấy, tay sờ chiếc Pro-tích-lon, nhưng tôi đã bị mê hoặc ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Từ kiểu dáng cho đến cách bài trí... đều đẹp và độc. Thậm chí, ngay phần thùng xe cũng độc, lạ với việc tạo hình theo kiểu nửa hình tròn lở, đủ để ba người ngồi. Đặc biệt, bánh xe được làm bằng gỗ, mặt chạm đất được bao bọc bằng lớp sắt, thép để tránh bị hư hỏng khi vận chuyển trên các địa hình gồ ghề.

Như sợ tôi không nhận ra sự độc đáo của nghệ thuật điêu khắc tinh xảo trên cỗ xe, anh Chau Sóc Khét (Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tri Tôn) chỉ vào hình ảnh đầu rồng được chạm khắc ngay trên đầu phần cong của giàn ách mắc vào cổ bò, rồi nói: “Do vừa là xe đua, vừa là phương tiện đi lại trong các sự kiện trọng đại của những gia đình Khmer khá giả bậc nhất trong các phum, sóc nên tất cả xe bò dạng này được đầu tư rất cao từ chất liệu gỗ cho đến các họa tiết, giống các siêu xe của đại gia ngày nay”.

Ly kỳ lai lịch

xe -5d

Xe bò đua cổ nhất Việt Nam.

Không chỉ độc về chất, chiếc Pro-tích-lon này còn có lai lịch cũng hết sức “độc”. Trong lúc ngắm nhìn, tôi phát hiện con số 1894 và dòng chữ Khmer được khắc chìm lên khung xe. Theo giải thích của Hòa thượng Chau Sơn Hy, chiếc xe do Tà Hiêm ở sóc Sà Lôn tặng, còn hàng số 4 chữ số chính là năm làm ra chiếc xe.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hiêm khẳng định: “Tôi năm nay đã gần 80 tuổi. Theo lời ba tôi kể, năm 1894, ông nội tôi là Chau Chuôl đặt thợ đóng xe bò đua, giàn cày và giàn bừa bằng gỗ căm xe làm của hồi môn khi ba tôi cưới má tôi”. Như vậy, chiếc xe đã có tuổi đời trên 120 năm. Theo đánh giá của giới nguyên cứu văn hóa dân gian, nhiều khả năng đây là hiện vật “xe bò đua” cổ nhất vùng Bảy Núi. Bởi trước đó, chiếc xe duy nhất được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Giang (cũng do Hòa thượng Chau Sơn Hy tặng) chỉ mới có 70 năm tuổi. “Do đây là “siêu xe” nên đương thời đã là của hiếm, số lượng có hạn, vì vậy khả năng đây là chiếc xe cổ nhất vùng Bảy Núi là rất cao”, anh Khét nói và nhấn mạnh: “Nếu thế, nó cũng là chiếc Pro - tích - lo cổ nhất Việt Nam. Vì đây là môn chơi độc quyền của người Khmer vùng Bảy Núi”.

Không chỉ “độc” về “niên đại”, mà đường đến Bảo tàng chùa Sà Lôn của chiếc Pro- tích- lon này cũng hết sức ly kỳ. Do đây là vật gắn liền với sự kiện trọng đại của cuộc đời cha, mẹ nên khi song thân qua đời, gia đình ông Hiêm lên kế hoạch bảo quản như gia bảo cho con cháu mai sau. “Tôi phải cất căn nhà lá cho cả nhà ở, để nhường gian nhà chính lưu giữ ba vật gia bảo”, ông Hiêm nói với giọng trang nghiêm như không gì lay chuyển được. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi sau sự miệt mài của Hòa thượng Chau Sơn Hy.

Sau vài lần viện lý do “vật gia bảo” để quyết giữ ba kỷ vật lại gia đình, cuối cùng ông Hiêm đã “xiêu lòng” trước sự kiên trì và tấm lòng vì mọi người của Hòa thượng. “Khi được Hòa thượng giải thích, nếu giữ lại chỉ có con cháu trong nhà, trong họ mình biết, nếu giao cho chùa tổ chức trưng bày để cả người Kinh, người Hoa xem sẽ hiểu thêm về người Khmer, tôi bỗng “ngộ” ra được vấn đề nên thay đổi ý định ngay”, ông Hiêm nhớ lại. Thế là, chẳng những đồng ý tặng, ông Hiêm còn thuê thợ đến sửa chữa, hoàn chỉnh trước khi “tiễn” chiếc Pro-tích-lon về chùa.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.