Khám phá

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau

10/11/2024, 15:44

Từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, người dân đổ về những cánh rừng ngập mặn ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân, tỉnh Cà Mau săn bắt chù ụ mưu sinh.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 1.

Chù ụ là một loài giáp xác sống ở các bãi bồi, ven biển, nhiều nhất là ở tỉnh Cà Mau. Chù ụ có thân hình giống ba khía, to nhất cũng chỉ khoảng 100g, có vẻ chậm chạp hơn.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 2.

Hai càng chù ụ đỏ hoe, càng to, nhiều thịt, trên mai có những vết sần sùi.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 3.

Có nhiều cách để bắt chù ụ như: Soi đêm, đào hang, nhưng cách bắt hiệu quả nhất của người dân Cà Mau đối với loài vật này thường là đi đặt rập trước miệng hang.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 4.

Do đặc tính của con chù ụ thường đào hang ăn thông với các gốc mắm, chan đước nên tìm ngay hang có dấu chù ụ mới bò vào mà đặt là hiệu quả nhất, đỡ tốn sức nhất.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 5.

Chị Nguyễn Tuyết Lộc (ngụ xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Cái rập được làm giống như rập chuột nhưng nhỏ hơn, mỗi rập được bỏ các lò xo và gia cố lại bằng các cọng dây thun, làm như vậy để đặt dưới nước mặn được bền hơn, mồi đặt chù ụ là các lá cây, chủ yếu là lá mắm, lá đước".

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 6.

Theo chị Lộc, đi săn chù ụ tốt nhất là lúc trời phải hửng nắng hoặc không mưa. Nếu có mưa nước sẽ ngập các hang chù ụ, khó xác định được miệng hang nào chù ụ hay ra vào để đặt bẫy.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 7.

Một con chù ụ thường đào một hang có 4-5 ngõ ngách để lẩn trốn khi bị đuổi bắt, thông thường chù ụ làm hang hình tròn cao hơn so với mặt đất khoảng 30cm, đây là những ngõ ra cũng là đường thở của chù ụ khi mực nước thủy triều dâng cao.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 8.

Đặt chù ụ phải là người có nhiều kinh nghiệm phát hiện cửa hang nào chù ụ hay ra, lội và luồn rừng để tìm hang. Vào rừng thăm chù ụ phải đi bằng vớ lội rừng để tránh bị hào cắt đứt chân, phải chịu cảnh muỗi cắn, lội sình.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 9.

Ông Châu Văn Mười (ngụ xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho hay, gia đình khó khăn, để có tiền trang trải cuộc sống, ông học những người cùng xóm cách đặt chù ụ, rồi mua rập về đặt mé vuông tôm, bờ sông.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 10.

Chù ụ sau khi được bắt về phải được bỏ ngay vào nước đá để gây tê, không kẹp lẫn nhau gây gãy càng, ngoe. Sau khi rửa sạch chù ụ được vận chuyển bằng cách muối đá đi các tỉnh.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 11.

Thị trường tiêu thụ chù ụ chủ yếu là TP.HCM. Con còn sống được thương lái thu mua tại vựa với giá từ 50.000- 65.000 đồng/kg. Mỗi ngày một người đi đặt từ 100-300 cái rập thu về được hơn 10kg chù ụ, có thu nhập khoảng 500.000 đồng.

Độc đáo nghề săn chù ụ của nông dân Cà Mau- Ảnh 12.

Mùa triều cường dâng cao vào khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, chù ụ có nhiều gạch, thịt chắc, ăn rất ngon ngọt. Loại này thường được chế biến thành nhiều món, như: Luộc sả, rang me là ngon nhất.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.