Đàn cá tự tìm đến nhà để "ở nhờ"
Câu chuyện bắt đầu từ khoảng 3 năm trước khi bà Nguyễn Thị Nhàn (sinh năm 1961, ngụ xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trúng đấu thầu đưa đò tại bến đò Bằng Lăng thuộc xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Bà Nhàn cho biết, gia đình làm nghề đưa đò được 25 năm. Riêng việc đưa đò tại bến đò Bằng Lăng này chỉ mới mấy năm gần đây.
Để thuận tiện trong việc đưa khách qua sông, bà Nhàn cùng chồng thuê một căn nhà cặp mé sông để ở.
Được vài tháng, trong một lần xuống sông rửa chén, bà Nhàn phát hiện có đàn cá tra đang "ở nhờ" dưới bến sông sau nhà.
"Đàn cá lúc này con to nhất độ chừng cỡ nửa ký. Số lượng bao nhiêu thì không biết nhưng ước đến hàng trăm con", bà Nhàn nói.
Cứ tưởng đàn cá bơi qua chỗ này kiếm ăn rồi sẽ bơi đi vì đây là cá tự nhiên. Nhưng nhiều ngày sau, bà Nhàn vẫn thấy đàn cá quẩn quanh nơi sàn nước và rất thân thiện. Thấy vậy nên bà bàn với chồng mua thức ăn để nuôi đàn cá này.
Bà Nhàn nói: "Lúc đầu nuôi cũng chỉ để thư giãn vì đàn cá rất dễ thương. Nhưng dần về sau thấy mến vì mình chúng quẫy đuôi mừng dữ lắm".
Hiện tại, mỗi ngày đàn cá ăn hết một bao thức ăn, giá mỗi bao gần 300.000 đồng, tính ra mỗi tháng bà Nhàn cũng tốn gần 9 triệu đồng để nuôi đàn cá tra tự nhiên này. Trong số này có con cá tra bạch tạng quý hiếm, trọng lượng khoảng 5 ký.
"Thấy tôi nuôi như vậy nên nhiều người cũng hay ghé tham quan, chụp ảnh. Có người hỏi mua toàn bộ đàn cá nhưng tôi không bán, để nuôi vì thấy chúng có thể giúp mình thư giãn sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc", bà Nhàn tâm sự.
Canh cánh nỗi lo
Chị Nguyễn Thị Màu (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) có nhà phía bên kia sông, đối diện nhà bà Nhàn cho biết, đàn cá tra bà Nhàn nuôi rất dễ thương và hầu như không còn sợ người nữa. Cầm nắm thức ăn, thò tay xuống mặt nước thì đàn cá bơi lại ăn, rất tự nhiên.
"Đàn cá của bà Nhàn nuôi hoàn toàn không có lưới rào gì ở dưới sông nhưng không hiểu sao chúng không bơi đi. Có bữa đang chạy đò, bà Nhàn bỏ ngang lên bờ cho đàn cá ăn xong mới xuống sông chạy tiếp. Mỗi ngày thấy cho ăn 3 đến 4 lần", chị Màu chia sẻ.
Mỗi ngày, đàn cá mỗi lớn thì cũng là lúc những "tay câu" dạo quanh khúc sông nhà của bà Nhàn nhiều hơn.
Ông Nguyễn Phước Tài (chồng bà Nhàn) nói: "Tôi với vợ canh đàn cá này dữ lắm, sợ bị câu hoặc bị thuốc chết thì tội nghiệp cho chúng".
Hiện tại, vào buổi tối bà Nhàn cùng chồng chia nhau ra trực canh giữ đàn cá tra sông. Thường bà Nhàn trực từ 21h - 1h sáng hôm sau. Từ 1h - 4h thì ông Tài ra thay.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài bà Nhàn, trên tuyến sông thuộc xã Đốc Binh Kiều có nhiều đàn cá tra tự nhiên cũng đến ở tại các hộ dân.
"Nuôi cá như vậy là việc của người dân, huyện không cấm mà chỉ theo dõi nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương", ông Hiệp thông tin.
Bà Nhàn cho biết: "Cuối năm nay là hết thời hạn đấu thầu đưa đò qua bến Bằng Lăng. Nếu không trúng thầu để được đưa tiếp thì sẽ kéo đàn cá lên và đưa về nhà để tiếp tục nuôi".
Đàn cá tra sông tự nhiên đến nhà và ở cùng bà Nhàn suốt 3 năm qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận