Bộ đội biên phòng Lạng Sơn lập chốt chặn gia cầm nhập lậu từ biên giới về Việt Nam. |
Ngày 26/2, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới. Ngoài đại diện các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cũng đã có mặt tại Hội nghị.
Sẽ lắp máy test nhanh cúm gia cầm tại các chợ vùng biên
Ông Lý Vinh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước diễn biến dịch cúm gia cầm cúm A/H7N9 lây lan nhanh và gây tử vong cho hàng trăm người ở Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban, ngành triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch cúm lây lan như: Tăng cường lực lượng đặc biệt kiểm tra các đường mòn, lối mở và lập lán chốt để kiểm soát việc buôn lậu gia cầm 24/24h; các trạm kiểm soát tỉnh cũng đã tăng cường các trang thiết bị để kiểm tra. Trong nội địa tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm chăn nuôi, các chợ buôn bán gia cầm; tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân không buôn lậu gia cầm qua biên giới; phát động tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng… nhằm ngăn chặn hiệu quả chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới.
Báo cáo cơ quan chức năng cho thấy, từ 2016 đến tháng 2/2017, số gia cầm nhập lậu bất hợp pháp bị bắt giữ khoảng 2.400 con; hơn 62,4 tấn thịt gia cầm và hơn 212.000 quả trứng. Đặc biệt, tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), từ đầu năm 2017 tới nay đã bắt giữ 5 vụ vận chuyển gia cầm trái phép từ biên giới vào Việt Nam.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT nhận định: “Dù virus cúm A/H7N9 chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, song lại đang được phát hiện tại 16 tỉnh Trung Quốc, trong đó có các tỉnh giáp biên giới nước ta. Đây là một thách thức rất lớn cho chúng ta khi hoạt động buôn bán bất hợp pháp gia cầm chưa hoàn toàn chấm dứt, nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt việc tiêu độc khử trùng tại các vùng biên giới và các chợ gia cầm có xuất hiện gia cầm nhập lậu”.
Trước tình hình trên, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, ngoài việc chặn đứng đường vận chuyển nhập lậu gia cầm trái phép, các địa phương chủ động giám sát và lấy mẫu gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết thuộc địa bàn có nguy cơ cao để kịp thời chẩn đoán, xét nghiệm đối với các mẫu giám sát, các mẫu chẩn đoán dịch bệnh; Nghiên cứu xây dựng các phương pháp xét nghiệm nhanh có thể áp dụng ngay tại thực địa nhằm phát hiện kịp thời virus xâm nhập. “Các địa phương sát biên giới chủ động phun độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối tắt, phương tiện vận chuyển qua lại đường biên giới; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các chợ buôn bán gia cầm, khu vực tập kết, vận chuyển gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm, khu vực ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo.
Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới sẽ lắp máy xét nghiệm nhanh virus cúm tại các chợ vùng biên nhằm nhanh chóng phát hiện gia cầm mắc bệnh. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Các loại máy kiểm dịch nhanh sẽ do Phòng kiểm soát Bệnh tật của Mỹ trực tiếp hỗ trợ và sẽ được lắp đặt tại khu vực biên giới. Đến nay, máy vẫn chưa về Việt Nam nên cũng chưa rõ chính xác chi phí như thế nào”
Người tiêu dùng trong nước an tâm với thịt gia cầm
Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại vùng biên giới, ông Tô Ngọc Liễn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị: “Bộ NN&PTNT nên soạn thảo lại nội dung hướng dẫn về công tác tuyên truyền để có sự đồng thuận và hiệu quả trong cả nước. “Đồng bào các dân tộc không thể biết được tên các loại virus cũng như tên bệnh để phòng chống. Như vậy, việc tuyên truyền kiểu hàn lâm sẽ thiếu hiệu quả, bà con đều chỉ trả lời “không biết” mà thôi. Hơn nữa, việc tuyên truyền phải xuất phát từ cả các cấp chính quyền, không thể khoán trắng cho biên phòng, thú y… Vào cuộc không đồng bộ thì sẽ không bao giờ có hiệu quả”, ông Liễn lý giải.
Tương tự, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhấn mạnh: “Vai trò của các cơ quan truyền thông là đặc biệt quan trọng. Tuyên truyền phải phán ánh đúng thực chất và không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con. Ví dụ như, Hà Nội là thành phố tiêu thụ số lượng lớn, một ngày tính ra trong 1.000 tấn thịt bán ra thị trường có khoảng 300 tấn là thịt gia cầm”.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Từ năm 2013 đến nay, với công tác phòng chống dịch bệnh tốt, Việt Nam đã từ thế bị động sang chủ động trong phòng chống dịch. “Nước ta đã kiểm soát dịch tốt, bước đầu chủ động với phòng chống dịch, chủ động sản xuât vaccine, tiết kiệm cho Nhà nước và người dân. Người tiêu dùng trong nước hãy yên tâm sử dụng hàng nội địa”, Thứ trưởng nói.
Thực tế, trong những ngày vừa qua, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các cửa khẩu, đường tiểu ngạch và một số chợ chuyên buôn bán gia cầm ở Lạng Sơn, không thấy tình trạng vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào nội địa. Đáng chú ý, các lực lượng liên ngành như hải quan, biên phòng, thú y tại Lạng Sơn đã đồng loạt lập chốt, dựng lán trại, hàng rào để kiểm soát việc buôn bán gia cầm từ bên kia biên giới sang.
Chia sẻ với PV, anh T. một chủ cửa hàng ngay tại cửa khẩu Cốc Nam cho biết: “Dạo này kiểm dịch gắt gao nên xe chở gia cầm không hoạt động mạnh như trước. Không có xe chuyển gà từ Trung Quốc sang Việt Nam mà chỉ có chiều ngược lại, chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 112 trường hợp người bị nhiễm cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh, thành, đặc biệt là những tỉnh phía Nam giáp biên giới Việt Nam. Đây là một nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam nếu không có biện pháp kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận