Sớm một ngày, tiết kiệm hàng tỷ đồng
Thông tin mới cập nhật từ Ban quản lý dự án NMNĐ Thái Bình 2, tới nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt hơn 86%, tiến độ thiết kế đạt 100%; tiến độ mua sắm lũy kế đạt 94,46%, tiến độ xây dựng thi công lũy kế 84,27%. Đồng thời, nhà máy đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai chạy thử.
Dự kiến, các mốc tiến độ tổng thể như đốt dầu lần đầu Tổ máy 1 (tháng 2/2022); hòa lưới điện Tổ máy 1 (19/5/2022); Đốt than Tổ máy 1 (16/06/2022); Đốt than Tổ máy 2 (3/08/2022); Vận hành thương mại Tổ máy 1 vào ngày 30/11/2022; Vận hàng thương mại Tổ máy 2 vào ngày 31/12/2021.
Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng kiểm tra các thiết bị trong NMNĐ Thái Bình 2
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư với tổng công suất 2 tổ máy là 1.200 MW, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho hệ thống điện quốc gia 7,2 tỷ kWh/năm.
Tại buổi làm việc với dự án ngày 23/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhiều lần nhấn mạnh, nếu dự án này chậm ngày nào thì thiệt hại kinh tế phát sinh là rất lớn do chủ đầu tư phải trả lãi vay, địa phương chưa có nguồn thu ngân sách từ dDự án và EVN chưa thể mua điện từ nhà máy với sản lượng có thể trên 7 tỷ kWh, trong khi đó nguồn cung ứng điện của miền Bắc trong những năm tới dự kiến gặp khó khăn.
Trong thời gian tới phải tập trung cao nhất nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, PVN, Ban Quản lý dự án, tổng thầu và từng nhà thầu trên công trường để đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy vào vận hành, khai thác an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế.
Ông Hoàng Quốc Vượng Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN khẳng định, việc đưa Dự án về đích sớm ngày nào sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng cho đất nước.
Đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2
Với quyết tâm đưa NMNĐ Thái Bình 2 vào vận hành trong thời gian sớm nhất, Thường trực Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ cơ bản về cơ chế chính sách cho dự án, PVN được giao trọng trách dồn mọi nguồn lực đưa nhà máy vào phát điện thương mại vào cuối năm 2022.
Về phía PVN, các yếu tố tác động lớn đến tiến độ của Dự án được xác định gồm dòng tài chính, dịch Covid-19 và chất lượng thiết bị của nhà máy.
Chính vì vậy, PVN đã từng bước tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Theo đó, trong các kiến nghị mà Tập đoàn đề xuất, có 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền của PVN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo PVN lý giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Với 3 kiến nghị tiếp theo (về thu hồi tạm ứng hợp đồng EPC; phạt hợp đồng; chi phí quản lý mua sắm thiết bị của tổng thầu), Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cũng như nguồn lực về tài chính cần thiết để trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp theo thẩm quyền của các cấp.
Đến thời điểm này, các vướng mắc chính liên quan đến dự án cơ bản được giải quyết, trong đó Hội đồng thành viên PVN đã ban hành các nghị quyết để hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và đã thành lập Ban điều hành để triển khai thực hiện.
Cụ thể, các phương án giải quyết phần việc dở dang đã được làm rõ về phạm vi công việc và chi phí, có biện pháp cụ thể để cơ cấu lại, giao cho nhà thầu đủ năng lực thực hiện.
Các phần việc chưa thực hiện được rà soát theo từng gói thầu cụ thể nhằm đánh giá đầy đủ hiện trạng, điều chỉnh lại phạm vi công việc để tối ưu về tiến độ và chi phí, tạo thuận lợi cao nhất trong triển khai.
PVN đã rà soát, tính toán chi phí cần thiết để triển khai, hoàn thành dự án vào cuối năm 2022, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2.
Tại buổi làm việc trực tuyến mới đây, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, nhấn mạnh: Trước hết, từ lãnh đạo Tập đoàn, Ban Quản lý dự án NMNĐ Thái Bình 2 và Tổng thầu Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), phải toàn tâm, toàn ý tập trung vào mục tiêu duy nhất là đưa nhà máy hoạt động vào cuối năm 2022…
Thứ hai, tất cả những tồn tại dù nhỏ nhất như sự tự ái, không hài lòng có tính cá nhân về bất cứ ai hay điều gì đều phải dẹp hết sang một bên để tập trung vào mục tiêu chung của dự án. “Anh em hãy tự tin, để tâm sáng mà làm thì không có lý do gì mà chúng ta không thành công tại dự án NMNĐ Thái Bình 2”, ông Hùng nói.
Trong quá trình đầu tư dự án NMNĐ Thái Bình 2, PVN có quyết định số 4626 ngày 26/5/2011 phê duyệt điều chỉnh dự án lần 1 với tổng mức đầu tư từ 31.505,4 tỉ đồng thành 34.295,1 tỉ đồng và quyết định số 6175 ngày 4/10/2016 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 lên thành 41.799,1 tỉ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận