Hạ tầng

Dốc toàn lực thi công hầm Đèo Cả

05/03/2014, 06:35

Hầm Đèo Cả là công trình có quy mô đầu tư lớn nhất của dự án mở rộng QL1. Đến nay, công tác thi công các hạng mục đã được đẩy nhanh, không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách...

Thi công hầm Đèo Cả
Thi công hầm Đèo Cả


Cơ chế, chính sách đã “thông”

Đến nay, chỉ sau 2 tháng được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương, nhà thầu đã thi công hoàn thành tuyến đường công vụ tiếp cận cửa hầm phía Bắc. Đối với đường công vụ phía Nam, sau khoảng một tháng, từ thời điểm địa phương bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã hoàn thiện tuyến đường công vụ tạm để tập kết thiết bị và phục vụ thi công cửa hầm.


Tại gói thầu cửa hầm phía Bắc, nhà thầu đã bắt đầu thi công cửa hầm từ ngày 28/12/2013. Do khối lượng thi công gói thầu này còn lớn (180.000m3) mà thời gian thi công chỉ còn 180 ngày, nên đòi hỏi nhà thầu phải bám sát công trường, kịp thời xử lý vướng mắc mới bảo đảm tiến độ.
 

"Trước đây, dự kiến cuối năm 2014 mới mở được cửa hầm thì cuối tháng 12/2013 công đoạn này đã được thực hiện. Tiến độ của dự án cũng đã thể hiện ngay ở trên công trường khi hầu hết các gói thầu đều được đẩy nhanh và không còn vướng mắc”.

 

Ông Lâm Văn Hoàng
Phó trưởng Ban 

Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư

Đối với gói thầu cửa hầm phía Nam, đã triển khai thi công từ ngày 28/12/2013. Dự kiến gói thầu này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4/2014.

Tuy nhiên, một số gói thầu như đường dẫn, đường công vụ và một số cầu, khối lượng thi công vẫn còn đạt thấp, tiến độ còn chậm so với kế hoạch. 


Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đầu tháng 3/2014, ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều dốc toàn lực, triển khai với tinh thần cao nhất. Các chính sách về tài chính, cung cấp vật liệu của chủ đầu tư đều được các nhà thầu đồng thuận. Nhà thầu thi công đến đâu được ứng tiền và thanh toán ngay đến đó.


“Nhà thầu và nhà tài trợ đều đồng thuận với cơ chế, chính sách chủ đầu tư đã thông qua. Trong quá trình thực hiện, các nhà thầu có những vấn đề vướng mắc cần giải quyết gấp, có thể báo cáo trực tiếp chủ đầu tư hoặc Ban điều hành dự án để tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, việc cung cấp vật liệu sẽ được đảm bảo liên tục, không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án, trên nguyên tắc công khai giá cả theo giá thị trường” - ông Hoàng nói.


Cũng theo ông Hoàng, chủ đầu tư sẽ giải quyết nhanh chóng các đề xuất của các nhà thầu cho từng gói thầu, bảo đảm hài hòa quyền lợi của các bên và đúng quy định của Nhà nước. 

Chỉ còn rào cản mặt bằng


Mặc dù cơ chế, chính sách đã rất thuận lợi, tuy nhiên đến nay, công tác GPMB và tái định cư của dự án vẫn còn là rào cản lớn. Tiến độ GPMB tại cửa hầm phía Nam và phía Bắc chưa có nhiều chuyển biến và chậm hơn so với tiến độ đề ra. 


Hiện, tỉnh Phú Yên chưa bàn giao được mặt bằng đoạn nút giao phía Bắc như: khu vực mố A1, trụ T1 cầu số 1 và đoạn Km 0+638 - Km 1+489. 


Phía tỉnh Khánh Hòa cũng chưa bàn giao được mặt bằng khu vực phía Nam, đoạn đường dẫn vào hầm vì còn vướng 10/48 hộ dân. Tại gói thầu xây dựng đường dẫn phía Nam, vẫn còn trong quá trình kiểm kê, lập phương án bồi thường đối với 398 hộ dân… nên chưa thể bàn giao mặt bằng.


Theo ông Nghiêm Sỹ Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Đèo Cả: “Đến nay, hầu hết các nhà thầu thi công đều không còn vướng mắc gì về các cơ chế, chính sách. Vướng mắc lớn nhất chỉ là GPMB và tái định cư, đặc biệt là phần đường dẫn phía Nam”.


Cũng theo ông Minh, đây là dự án do các nhà đầu tư đề xuất, các cơ chế đã được thống nhất ngay từ đầu. HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã có nghị quyết, Tổng giám đốc triển khai với mục tiêu bằng mọi giá cung cấp đủ vật tư, vật liệu, ổn định giá và không vượt tổng mức đầu tư. Chủ đầu tư cũng xác định rõ với các nhà thầu là không can thiệp vào chính sách giá để tránh bị lợi dụng và sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến công tác triển khai dự án.


Đánh giá công tác triển khai dự án hầm Đèo Cả, ông Lâm Văn Hoàng - Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) Bộ GTVT cho biết: “Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, chủ đầu tư đã có những thay đổi mang tính đột phá. Đầu tiên là việc tăng cường tổ chức bộ máy quản lý với việc bố trí thêm nhân lực, chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ. Việc tăng cường Ban QLDA 85 vào quản lý cũng tạo được nhiều chuyển biến trên công trường. Chủ đầu tư đã có sự chuyển đổi hình thức vay vốn nước ngoài (Pháp) với những thủ tục, thương thảo kéo dài sang một đối tác khác ở trong nước là Vietinbank nên nguồn vốn cung cấp cho dự án đã ổn định”.

Tiến Mạnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.