Hiện trên địa bàn Hà Nội có 65 Đội chống dịch Covid-19 cơ động, trong đó tuyến thành phố có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng “xuất kích” khi nhận thông tin có ca nghi nhiễm Covid-19, dù ngày hay đêm.
Lên đường bất kể nắng mưa, sớm tối
Sau chuyến đi theo dõi sức khoẻ đối với những trường hợp người nước ngoài thuộc diện cách ly 14 ngày, chiều muộn 2/3, BS. Nguyễn Hữu Giáp, Phó trưởng Trạm Y tế phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) mới dành chút thời gian chia sẻ: “Hàng ngày, 7 cán bộ y tế phối hợp cùng công an phường chia thành 7 nhánh, hễ có tin báo là chúng tôi xuống cơ sở, rà soát thông tin bất kể thời gian, sớm tối”.
Tính đến ngày 1/3, tổng số người nước ngoài cư trú trên địa bàn phường Mễ Trì là 5.021 người, trong đó có 4.527 người Hàn Quốc; bao gồm 3 loại hình tạm trú: dài hạn 3.515 trường hợp, tạm trú ngắn hạn 1.012 trường hợp và tạm trú chưa qua 14 ngày là 772 người. Tuy nhiên, với đặc thù phường Mễ Trì có số cơ sở cho thuê, chung cư mini, khách sạn nhiều nên lượng người Hàn Quốc, Trung Quốc… cư trú tại đây rất đông và luôn biến động khiến công việc của trạm gặp nhiều khó khăn.
BS. Giáp kể, có những người Hàn Quốc thấy đoàn công tác đến để tuyên truyền, kê khai thông tin, theo dõi sức khoẻ lại né tránh vì sợ bị cách ly, sợ bị kỳ thị. Cũng có người xua tay, to tiếng, phản ứng thái quá. Có trường hợp chúng tôi tới, họ nhìn qua mắt kính lắp trên cửa thấy nhân viên y tế, công an phường thì lại không mở cửa và tắt đèn. Hay dù đã liên lạc trước, có ban quản lý thông báo nhưng nhiều hộ vẫn vắng nhà khiến cho đoàn mất tới 2-3 ngày cũng không gặp được họ.
“Trường hợp quá 3 ngày người nước ngoài không kê khai thông tin, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với ban quản lý tòa nhà để cắt điện phòng đó. Đây được coi là biện pháp khá mạnh tay…”, BS. Giáp bày tỏ.
Cũng theo BS. Giáp, một trong những trở ngại lớn nhất mà các thành viên của đoàn gặp phải chính là ngôn ngữ giao tiếp. Nhiều khi không có phiên dịch, khi đoàn mang tờ khai đến lấy thông tin thì họ lại điền hoàn toàn bằng tiếng Hàn, yêu cầu phải có giấy tờ pháp lý dịch thuật bằng tiếng Hàn thì mới cho tiếp cận.
“Nơi nào có dịch là xông vào!”
Đến thời điểm này, dù là một trong các tỉnh, thành phố có lưu lượng lớn người đến từ vùng dịch Covid-19 như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng Hà Nội chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào. Công tác cách ly, khoanh vùng được thực hiện triệt để với phương châm “đến từng nhà, rà từng ngõ”.
Chia sẻ về nghề, BS. Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay: “Nếu với mỗi bác sĩ điều trị, mục tiêu là cứu được người bệnh thì với hệ thống y tế dự phòng nói chung và mỗi cán bộ y tế dự phòng nói riêng, bảo vệ cộng đồng không nhiễm các dịch bệnh là niềm vui, niềm hạnh phúc”.
Từ trước Tết, khi có ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch cơ động tại Hà Nội hoạt động hết công suất xuyên Tết, bất kể ngày hay đêm. Nhiều người trong đội vẫn đùa nhau rằng “nơi nào có dịch bệnh người ta tản ra, bỏ chạy thì mình lại xông vào!”.
BS. Đào Hữu Thân, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là một thành viên trong đội phản ứng nhanh của thành phố cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 65 đội chống dịch Covid-19 cơ động, trong đó tuyến thành phố có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng có mặt khi nhận thông tin có ca nghi nhiễm Covid-19.
Từ trước Tết đến nay, thành viên của các đội vẫn chưa có một ngày nghỉ đúng nghĩa. Ngoài những giờ trực, nếu có thời gian hiếm hoi về bên gia đình thì điện thoại vẫn sẵn sàng tiếp nhận thông tin và xử lý, có lệnh là lên đường ngay lập tức bất kể giờ giấc, mưa nắng ra sao.
BS. Thân kể, những cuộc điện thoại trao đổi từ phía các bệnh viện, người dân hay đội chống dịch tuyến dưới diễn ra lên liên tục, kể cả giữa bữa ăn vội vàng, tranh thủ của các thành viên trong đội phòng dịch cơ động. Khi đầu dây bên kia báo cáo phát hiện có bệnh nhân có dấu hiệu của Corona như ho, sốt… sau lời dặn dò nhanh là cả đội lại vội vã “xuất kích”.
Đội chống dịch cơ động của tuyến y tế dự phòng khi phát hiện bệnh nhân là lao vào, gặp bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ kỹ để triển khai biện pháp phòng chống, tránh lây lan ra cộng đồng.
Nghe quy trình thì ngắn gọn, đơn giản, nhưng ai cũng hiểu sự gian khó, mạo hiểm của những chiến sĩ không áo blouse trắng khi đối mặt với các bệnh nhân nghi nhiễm trong mình dịch bệnh Covid-19. Không ai dám chắc bệnh nhân đó có hay không mang trong mình loại virus đáng sợ, đã và đang khiến cả nghìn người tử vong. Và chỉ sơ sểnh một chút thôi cũng có thể lây nhiễm và để lại hậu quả đáng tiếc.
“Mỗi đội phản ứng nhanh thường có 5- 7 thành viên, bao gồm: bác sĩ điều tra dịch tễ, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, người phun khử khuẩn và người hỗ trợ lo an toàn sinh học cho đội… Khi tiếp cận bệnh nhân, cả đội đều được trang bị phòng hộ, tập huấn để không bị lây nhiễm”, BS. Thân nói và chia sẻ thêm, nhiều người vẫn nghĩ cách ly là điều gì đó ghê gớm lắm nhưng thực ra cách ly chính là bảo vệ chính người bệnh, người xung quanh và cộng đồng. Những người phản ứng đã ảnh hưởng ít nhiều tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận