Tuy nhiên, việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều vướng mắc...
Hàng loạt dự án đường sắt được đề xuất đầu tư BT
Đầu năm 2019, Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung gửi văn bản đến Bộ GTVT đề nghị cho phép nghiên cứu đầu tư di dời ga Nha Trang theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thông qua hợp đồng BT. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất tự bỏ toàn bộ vốn cải tạo, xây dựng ga mới tại vị trí khác theo quy hoạch. Phương án hoàn vốn sẽ bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại sau khi di dời.
Đây không phải là doanh nghiệp đầu tiên đề xuất bỏ vốn đầu tư theo hình thức này. Trước đó, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng cũng đã đề nghị 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bộ GTVT cho phép đầu tư phục hồi tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT. Theo đó, Công ty Bạch Đằng đề xuất bỏ vốn đầu tư toàn bộ tuyến đường với tổng mức đầu tư tạm tính khoảng 17.200 tỉ đồng.
Khoản tiền đầu tư BOT sẽ được hoàn lại từ giá vé vận tải hành khách, giá cước vận tải hàng hóa… Còn vốn đầu tư BT, hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đối ứng là các vị trí đất dọc tuyến đường sắt này.
“Nếu không được thực hiện theo hình thức giao đất cho nhà đầu tư, các địa phương có thể tiến hành đấu thầu. Tiền thu được từ đấu thầu sẽ trả cho nhà đầu tư chi phí nghiên cứu, lập dự án”, đại diện đơn vị này nói.
Một số dự án đường sắt tốc độ cao, hiện các nhà đầu tư hay tư vấn lập dự án cũng đề xuất hình thức đầu tư BT. Đơn cử, Dự án đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cũng đề xuất một phần dự án được đầu tư theo hình thức BT.
Riêng lĩnh vực đường sắt đô thị, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Tập đoàn VinGroup cũng đề xuất đầu tư tuyến số 2 giai đoạn 2 từ Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 5 đoạn Nam Hồ Tây - Văn Cao. Tập đoàn T&T cũng đề xuất đoạn tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà). Cả hai nhà đầu tư này đã hoàn thành đề xuất dự án từ năm 2018 với hình thức đầu tư BT. Quỹ đất đối ứng mà hai nhà đầu tư này đề xuất là đất dọc hành lang các tuyến đường sắt đô thị được đầu tư.
Khuyến khích nhưng phải có cơ chế minh bạch
Đối với các đề xuất hiện nay của các nhà đầu tư, Bộ GTVT luôn khẳng định, nhà đầu tư có thể đưa ra phương án đề xuất cụ thể nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư phải đấu thầu công khai. Không có chuyện nhà đầu tư lập nghiên cứu dự án đương nhiên được chỉ định thầu. Nhà đầu tư sẽ được ưu tiên theo luật định khi thực hiện nghiên cứu, ví dụ nếu hồ sơ đề xuất được duyệt, khi chấm thầu sẽ được cộng thêm điểm.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh,
Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Hợp tác quốc tế Cục Đường sắt VN
Trao đổi với Báo Giao thông về hình thức đầu tư này, lãnh đạo một đơn vị quản lý dự án đường sắt đô thị cho rằng, việc thu hút đầu tư xã hội hóa, trong đó có hình thức BT là chủ trương đúng của Nhà nước, vì vậy không nên đặt vấn đề nên hay không nên khuyến khích. Vấn đề là phải làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên.
Cũng theo vị này, lâu nay dự án đường sắt thường ít được các nhà đầu tư quan tâm do vốn lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, nếu chỉ hoàn vốn từ nguồn doanh thu khai thác công trình (thu từ phần trăm giá vé, giá cước - PV). Do đó, Nhà nước cũng cần cùng tham gia hỗ trợ vốn để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Nhà nước có thể bỏ vốn bằng tiền, bằng các tài sản có giá trị bằng tiền hoặc quyền khai thác. Trong đó, đất chỉ là một loại hình tài sản; không phải cứ dự án BT là đổi đất lấy hạ tầng.
Riêng với các tuyến đường sắt đô thị, nếu đầu tư theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, việc bố trí quỹ đất đối ứng nên là quỹ đất đã được quy hoạch dọc hành lang tuyến đường để phát triển hạ tầng đô thị. “Kể cả nhà đầu tư nhắm vào quỹ đất đâu đó để làm đối ứng thì phải là đất đã quy hoạch và khai thác theo đúng mục tiêu quy hoạch”, vị này nói và cho rằng, khi triển khai các dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” phải đảm bảo công bằng, minh bạch.
Ông Nguyễn Ân, chuyên gia đường sắt cho rằng, việc đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng trong lĩnh vực đường sắt cần được xem xét từng dự án cụ thể: Nội dung dự án là gì, tính khả thi thế nào? Tính khả thi có thể được xét ở mục tiêu sẽ đạt được, các yếu tố cấu thành làm nên dự án, tức là năng lực chủ đầu tư thế nào, năng lực của đơn vị tư vấn ra sao. Nếu tính khả thi tốt, hoàn toàn có thể triển khai đổi đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, miễn là phải công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Hợp tác quốc tế Cục Đường sắt VN cho hay, mô hình đầu tư BT được đường sắt các nước áp dụng khá phổ biến, nhất là trong xây dựng đường sắt đô thị vì đây là hình thức dễ thu hút các nhà đầu tư. “Đây là hình thức dễ nhất, nhìn thấy lợi nhuận rõ nhất để nhà đầu tư có thể nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, với các dự án đường sắt trong nước, khi hướng dẫn cho các nhà đầu tư về thủ tục, chúng tôi khuyên họ nên kết hợp nhiều hình thức đầu tư trong một dự án, ví dụ BT kết hợp BOT…”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho rằng, để đánh giá hình thức BT có hiệu quả, khả thi hay không phải trên cơ sở từng dự án đường sắt cụ thể. Trong khi đó, hiện các nhà đầu tư mới chỉ đề xuất phương án sơ bộ ban đầu, chưa có được các nghiên cứu sâu, chi tiết nên chưa thể đánh giá được. Mặt khác, theo quy hoạch, quỹ đất dành cho đường sắt thường chỉ dùng cho đường sắt, không có quỹ đất để đầu tư tăng thêm, nên không có đất để đầu tư theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Đây đang là vướng mắc lớn khi triển khai đầu tư theo hình thức này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận