Xã hội

Đổi đời khi nhường đất làm cao tốc, sân bay

07/02/2023, 06:04

Nhường đất về nơi ở mới, nhiều gia đình xây biệt thự, sắm xe hơi. Các khu tái định cư được xây dựng như những khu đô thị giữa các vùng quê.

Lâu nay, người dân thường sợ sệt, lo lắng mỗi khi bị Nhà nước giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất.

Bởi, nơi ở mới thường tệ hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, với người dân tái định cư ở các công trình giao thông trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông... người dân về nơi ở mới thực sự đổi đời.

Nhường đất về nơi ở mới, nhiều gia đình xây biệt thự, sắm xe hơi. Các khu tái định cư được xây dựng như những khu đô thị giữa các vùng quê.

Phóng viên Báo Giao thông khảo sát tại những khu tái định cư này, đã tận thấy các chủ trương, nghị quyết và những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về một nơi ở mới của dân tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ đã thành hiện thực.

Kỳ 1: Khi tiền tỷ, biệt thự không còn là giấc mơ

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm hỏi, động viên gia đình bà Lê Thị Mến (67 tuổi, thôn 4, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) tại nơi ở mới trong khu tái định cư dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 ngày 28/1. Ảnh: Phúc Tuấn

Nhường mảnh đất đã sinh sống bao đời vì lợi ích chung, nhiều người dọn đến nơi ở mới và ngỡ ngàng vì sự đổi thay, tốt gấp nhiều lần so với nơi ở cũ.

“Thật sự được đổi đời!”

Nếu như đến xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cách đây ba năm, giờ quay trở lại, ít người mường tượng ra cảnh khu tái định cư khang trang thay cho những cánh đồng lúa, đồi dứa xanh bạt ngàn. Đây là nơi an cư của những hộ dân đã nhường đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.

Bà Mai Thị Dinh (63 tuổi), ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long cho biết, trước kia nhà bà có 540m2 đất ở kèm theo đất vườn. Khi dự án đi qua, gia đình bà được đền bù hơn 1 tỷ đồng kèm theo diện tích đất ở 232m2. Có tiền, bà xây căn nhà 2 tầng, sinh hoạt gia đình tiện nghi hơn trước rất nhiều.

“Ở đây đường sá rộng rãi, hệ thống nước thải chạy ngầm sạch sẽ, có điện, có nước sạch. Dù đã ở trong làng bao năm nay, khi ra đây tôi thấy rất yên tâm”, bà Dinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho hay, gia đình bà Dinh là một trong 208 hộ dân nhường đất cho dự án. Tại khu tái định cư, địa phương đã chuẩn bị hạ tầng đầy đủ nên bà con rất phấn khởi với cuộc sống mới.

Tương tự, tại khu tái định cư xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, nơi có 93 hộ dân chuyển đến, hệ thống đường giao thông rất khang trang, hai bên là những khu nhà mới cao tầng mọc lên san sát. Đa số diện tích các ngôi nhà ở đây từ 200m2 trở lên.

Ông Lê Đình Hùng (55 tuổi, thôn 3, xã Đông Minh) chia sẻ: “Gia định tôi nhường 700m2 đất ở từ nhiều đời nay, ban đầu cũng bịn rịn lắm. Nhưng ra đây rồi mới thấy mình thật sự được đổi đời!”.

Là một trong những gia đình được Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ tới thăm trong một lần thị sát, bà Lê Thị Mến (67 tuổi, ở thôn 4, xã Đông Minh) tâm sự: “Chúng tôi cũng bất ngờ khi được Thủ tướng ghé thăm. Chúng tôi nói thật với Thủ tướng rằng cuộc sống nơi mới hơn hẳn so với trước kia nhiều lắm! Như nhà tôi trước ở trong làng có 430m2 nhưng khi ra đây được 450m2, xây nhà rồi vẫn có vườn rộng rãi, cuộc sống khác hẳn trước kia”.

Những khu đô thị giữa làng quê

img

Gia đình ông Nguyễn Văn Đông (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận) nhường đất xây cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết bên căn nhà khang trang mới xây ở khu tái định cư

Những ngày đầu xuân mới, PV có dịp đi về các khu tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Giữa làng quê thanh bình, những dãy nhà cao tầng khang trang, hiện đại mới mọc lên khiến người ta nghĩ đến những khu đô thị mới ở các đô thị lớn.

Theo quan sát, các khu tái định cư như Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai); Diễn Cát, Diễn Lợi, Diễn Phú (huyện Diễn Châu); Nghi Phương (huyện Nghi Lộc) Hưng Yên Nam, Hưng Thành (huyện Hưng Nguyên) đều có vị trí địa lý đẹp, cao ráo, thuận lợi cho sinh sống, học tập và kinh doanh buôn bán.

Đưa PV đi tham quan một vòng căn biệt thự sân vườn, anh Phạm Tất Thắng (xóm Phú Điền, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cho biết, ngôi nhà này gia đình anh mới khánh thành vào trước Tết Nguyên đán.

img

Một căn biệt thự ngay góc giao lộ đường D2 trong khu tái định cư sân bay Long Thành

“Khu tái định cư mới cách chỗ cũ chỉ 300 - 400m theo đường chim bay, lại toàn là bà con lối xóm cũ nên hòa đồng rất nhanh. Ở chỗ cũ, gia đình tôi có gần 500m2, ra nơi ở mới được bố trí diện tích đất bằng nơi ở cũ. Căn nhà cũ rộng 100m2 được đền bù 1 tỷ đồng, ra đây rộng rãi nên tôi chọn xây nhà mới theo kiểu biệt thự vườn 1 tầng, rộng 180m2 với 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng bếp… Diện tích còn lại dùng trồng cây xanh, làm vườn rau.

Trước đường sá khá chật chội, hai xe ô tô con không thể tránh nhau. Nay hạ tầng đường, điện, mương thoát nước… được xây dựng khang trang, rộng rãi nên công việc chạy xe dịch vụ của tôi cũng thuận tiện hơn nhiều”, anh Thắng tâm sự.

Cũng như gia đình anh Thắng, thương binh Võ Văn Toản (72 tuổi, ở xóm 7, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết, trước đây, nơi ở cũ, gia đình ông bà có 792m2 đất ở cuối đường, lại đường nhỏ, chỉ 1 xe ô tô vào được. Nay ở khu tái định cư, gia đình được cấp bằng diện tích cũ nhưng lại có 2 mặt tiền, đường rộng mênh mông. Ngoài đất làm nhà ra, ông bà còn làm một mảnh vườn rộng và chuồng gà để chăn nuôi.

“Lúc nhận, mảnh đất gia đình tôi được định giá là 2,1 triệu/m2, giờ nếu bán chắc phải cả chục triệu/m2”, ông Toản cho hay.

Niềm vui cuộc sống mới

img

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên, một trong những hộ dân đã vào khu tái định cư Nhân Nghĩa (dự án cao tốc Phan thiết - Dầu Giây) được bố trí lô đất rộng 250m2, tiền đền bù đủ xây căn nhà theo ý muốn

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với diện tích hơn 282ha là nơi tái định cư cho hơn 4.300 hộ gia đình thuộc dự án sân bay Long Thành. Đây được xem là khu tái định cư được xây dựng đô thị quy hoạch hiện đại với đường giao thông, điện, nước, viễn thông, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đồng bộ.

Gia đình bà Phạm Thị Nhung (50 tuổi) là một trong những hộ đầu tiên đến xây nhà trong khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Theo bà Nhung, gia đình bà được đền bù 300m2 đất thổ cư và 2 sào đất trồng cây lâu năm. Ngoài bố trí lô đất tái định cư biệt thự nhà vườn gần 300m2, gia đình bà còn được bồi thường gần 1,3 tỷ đồng.

“Hiện, còn 2 đứa con đã lập gia đình được xét tái định cư theo chính sách “hộ phụ”. Trước đây, gia đình ở xã Suối Trầu (giải tỏa trắng) làm rẫy, cuộc sống khá bấp bênh theo từng vụ mùa, nay chuyển ra khu tái định cư bán nước giải khát, cuộc sống nơi ở mới cũng tạm ổn định”, bà Nhung chia sẻ.

Tại khu tái định cư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được quy hoạch rộng 3,1ha tại xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Đây là nơi bố trí tái định cư cho khoảng 50 hộ dân nhường đất thi công cao tốc. Khu tái định cư này nằm sau Trung tâm Y tế xã, cách QL56 khoảng 300m. Quan sát cho thấy hạ tầng đường giao thông, điện, nước đã được đầu tư đồng bộ.

Bà Nguyễn Thị Liên, một trong những hộ dân đã vào khu tái định cư Nhân Nghĩa cho biết, khi nghe chủ trương làm đường cao tốc, hầu hết người dân trong vùng đều ủng hộ. Theo lời bà, nhà bà ở nút giao QL56, trước đây nằm ở vị trí mặt tiền đất có sổ đỏ ở ấp Tân Lập, khi Nhà nước thu hồi đất được di dời đến khu tái định cư.

“Gia đình tôi bị giải tỏa trắng nên được bố trí lô đất rộng 250m2 ở khu tái định cư, sau khi nhận tiền đền bù và đóng phí hạ tầng khoảng 350 triệu đồng, số tiền còn lại đủ xây nhà theo ý muốn. Nơi ở mới cách nhà cũ chỉ khoảng 1km, nói chung cũng không bị xáo trộn gì nhiều. Nhiều gia đình ở trong rẫy nay được dời ra nơi ở mới coi như được ra mặt tiền đường”, bà Liên nói.

Tại Bình Thuận, ghi nhận ở khu tái định cư thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (nơi tái định cư cho người dân nhường đất xây cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết) nằm ngay sau trụ sở UBND thị trấn, cách QL28 khoảng 300m, hệ thống hạ tầng khang trang, hiện đại, nhiều hộ dân trước đây sống trong các rẫy sâu nay ra được mặt phố.

Vừa mới đi thăm vườn thanh long về, ông Nguyễn Văn Đông, cư dân mới ở thị trấn Ma Lâm cho biết, khi có chủ trương xây dựng cao tốc gia đình ông rất đồng thuận.

“Trước đây, gia đình sống trong đất rẫy với căn nhà cấp 4 nhiều năm không có tiền sửa chữa. Sau khi được đền bù hơn 11.000m2 đất nông nghiệp và nhà ở gần 2 tỷ đồng, tôi xây dựng căn nhà mới khang trang, số vốn còn lại tích cóp để làm ăn buôn bán. Nơi đây gần trường, gần chợ nên việc kinh doanh rất thuận lợi”, ông Đông chia sẻ.

Theo phương án được duyệt, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (tổng chiều dài 654km) có tổng số diện tích đất chiếm dụng khoảng hơn 3.700ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là hơn 8.000 hộ, số hộ dân thuộc diện tái định cư khoảng hơn 2.000 hộ. Tổng số khu tái định cư phục vụ dự án khoảng hơn 110 khu.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, tổng diện tích đất thu hồi hơn 5.942ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng gần 40.000 hộ, số hộ thuộc diện tái định cư là hơn 6.600 hộ. Tổng số khu tái định cư là khoảng 166 khu.

Tại dự án sân bay Long Thành, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai khởi công năm 2019 và đưa vào hoạt động cuối năm 2021 với quy mô 28.000 người khi lấp đầy. Đến nay có 3.433 hộ dân phê duyệt tái định cư, khoảng 1.300 nhà đã xây xong, hơn 800 hộ đang xây nhà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.