Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Steffan de Mistura tại hòa đàm Syria ở Geneva |
Đàm phán tìm kiếm hòa bình cho Syria lại đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, khi phe đối lập tuyên bố rút khỏi đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ), theo Reuters ngày 19/4.
Đổ lỗi và… đổ lỗi
Theo đó Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) của phe đối lập Syria được phương Tây ủng hộ nhấn mạnh: Những bước tiến của quân đội Chính phủ trên chiến trường đồng nghĩa với việc thỏa thuận ngừng bắn đã chấm dứt, đồng thời kêu gọi hoãn các cuộc đàm phán, theo Al Jazeera.
Phe đối lập cáo buộc Chính phủ Syria phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn khi tìm cách tái chiếm TP Aleppo và tuyên bố tiến hành một cuộc tấn công chống lại quân Chính phủ ở thị trấn Latakia. Không những thế, ông Mohammad Alloush - nhà đàm phán cấp cao của HNC cáo buộc “tình hình nhân đạo đang ngày càng tồi tệ”.
Trong khi đó, phe Chính phủ cáo buộc Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar - những nước hậu thuẫn cho phe đối lập tại Syria, cố ý làm gián đoạn hòa đàm. Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar al-Jaafari cho rằng, những nước này cũng như phe đối lập không muốn chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria và cảm thấy “bất an” đối với những thắng lợi của quân Chính phủ trên thực địa. Đồng thời, ông Jaafari cũng lên án các “hành vi vô trách nhiệm và khiêu khích” của Israel.
Theo ông này, ý kiến mà Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đưa ra trước đó trong cuộc đàm phán với đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria - Staffan de De Mistura - về việc sẽ không bao giờ để mất cao nguyên Golan (phần lãnh thổ mà Israel giành được từ Syria trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967) là một sự “xúc phạm có tính toán”. Ông Jaaafari cũng cáo buộc Israel liên kết với phe đối lập và nhấn mạnh: “Họ muốn lặp lại vết xe đổ ở Libya và Iraq… và biến Syria thành một quốc gia thất bại”.
Chính phủ mở rộng hay Chính phủ chuyển tiếp
Hiện LHQ tiếp tục nỗ lực duy trì cuộc hòa đàm. Ông Staffan de Mistura cho biết, HNC tuy không tham gia cuộc đàm phán chính thức nhưng sẽ vẫn ở lại Geneva và tham dự các cuộc thảo luận “kỹ thuật” với ông và các trợ lý. Ông Mistura khẳng định các vòng đàm phán gián tiếp sắp tới sẽ vẫn diễn ra trong tuần này, tập trung vào vấn đề chuyển giao chính trị.
Tuy nhiên, hai bên trước nay vẫn như “nước với lửa” trong vấn đề tìm kiếm giải pháp chính trị: Phe đối lập muốn thành lập một Chính phủ chuyển tiếp với đầy đủ quyền lực, trong đó ông Assad phải “bị loại ngay từ những bước đầu tiên”. Còn theo ông Jaafari, đoàn đàm phán của Chính phủ có mặt tại Geneva lần này chỉ nhằm bàn về Chính phủ mở rộng do Tổng thống Bashar al- Assad đứng đầu và khẳng định một lần nữa, rằng tương lai của ông Assad không phải là vấn đề thảo luận tại hòa đàm và tỏ ra khá gay gắt: “Vấn đề này (Tổng thống Assad) không thuộc thẩm quyền của Geneva… Đây là vấn đề của Syria, của Hội đồng Bảo an hoặc thậm chí không cần tới Hội đồng Bảo an”, theo Reuters.
Trước đó ông Mistura đề xuất: Ông Assad vẫn nắm giữ quyền lực một cách tượng trưng và phe đối lập đề cử ba phó Tổng thống. Tuy nhiên, đề xuất này bị phe đối lập bác bỏ và nhấn mạnh ông Assad không thể là một phần của tiến trình chuyển tiếp.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận về tình hình Syria, nhất trí tăng cường phối hợp giữa các lực lượng hai nước nhằm thúc đẩy tiến trình tìm kiếm hòa bình. Cùng với đó, các biện pháp bổ sung nhằm răn đe các bên vi phạm lệnh ngừng bắn sẽ được làm rõ. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa đàm lần này, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện đã kéo sang năm thứ 6.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận