Hàng hải

"Đôi mắt" của các siêu tàu

25/06/2024, 06:14

Mỗi khi có tàu lớn ra vào cảng biển, một trong những người chịu nhiều áp lực nhất là hoa tiêu hàng hải - những người được ví như "đôi mắt" của các con tàu.

Áp lực tăng khi dẫn siêu tàu

12h trưa, bữa cơm của hoa tiêu ngoại hạng Nguyễn Việt Dũng (Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II) liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc gọi về kế hoạch đưa tàu vào cảng biển Hải Phòng. Ăn vội lưng cơm, anh nhanh chóng quay trở lại cơ quan.

"Đôi mắt" của các siêu tàu- Ảnh 1.

Hoa tiêu Nguyễn Việt Dũng cùng đồng nghiệp thực hiện kế hoạch, đánh giá các điều kiện an toàn để dẫn các tàu vào cảng.

22 năm trong nghề, những bữa cơm vội như thế với anh là chuyện thường. Anh chia sẻ, hoa tiêu là một trong những người có trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an toàn cho tàu. Bởi thế, dẫn tàu nhỏ đã áp lực, việc dẫn các siêu tàu càng khiến áp lực đó tăng lên gấp bội.

Từng là hoa tiêu được cử dẫn chính cho tàu Wanhai A07 – con tàu lớn nhất từ trước tới nay cập cảng biển Hải Phòng vào năm 2022, anh Dũng thừa nhận, dẫn con tàu này không đơn giản. Tàu có chiều dài 335m, rộng 51m cùng sức chở 13.458 Teu. Tàu to nên quán tính thấp, làm sao để tàu làm chủ tốc độ, góc cập cầu, tốc độ cập cầu... cần phải có hoa tiêu kinh nghiệm.

"Trước khi được chọn dẫn tàu, tôi đã trải qua các khóa đào tạo, huấn luyện tại nước ngoài. Nhưng là con tàu lớn nhất từ trước vào cảng nên hôm đó vô cùng căng thẳng. Bước lên tàu, mọi giác quan đều phải tập trung tối đa", anh kể.

Anh Dũng cho biết, lần đầu dẫn tàu lớn, thời gian điều động tàu của anh mất hơn 2 giờ. Vừa dẫn, anh vừa phải tính toán để có hệ số an toàn cao nhất. Tới nay, khi đã quen, thời gian điều động tàu mới được rút ngắn.

Sai sót nhỏ, hậu quả khôn lường

Là một trong 3 hoa tiêu ngoại hạng được dẫn những siêu tàu có chiều dài từ 350m trở lên, anh Nguyễn Hữu Tình (45 tuổi, Công ty Hoa tiêu hàng hải khu vực II) chia sẻ: "Làm "đôi mắt" cho những con tàu này chưa bao giờ dễ dàng".

"Đôi mắt" của các siêu tàu- Ảnh 2.

Hoa tiêu ngoại hạng Lê Ngọc Dương đang dẫn tàu vào cảng Cái Mép - Thị Vải.

Theo hoa tiêu có 20 năm kinh nghiệm này, công việc của hoa tiêu không được phép sai sót, luôn phải tập trung tối đa và sự chủ quan tuyệt đối không được phép tồn tại. Bởi chỉ lơ đễnh 1 giây cũng có thể để xảy ra sự cố, phải gánh hậu quả khôn lường.

"Luồng hàng hải Hải Phòng khá phức tạp, dài, hẹp và nhiều khúc cua, mật độ tàu thuyền tại khu vực đông đúc và nhiều tàu nhỏ. Tàu lớn và dài nên chỉ cần đi lệch khỏi luồng cũng có thể khiến hai đầu tàu gác cạn trên biên luồng", anh Tình nói và cho biết thêm, khi sóng lớn và gió to cũng là thử thách cho hoa tiêu vì tàu dễ bị dạt.

Anh nhớ có lần dẫn tàu có trọng tải khoảng 50.000 DWT vào khu vực Nam Đình Vũ, một cơn dông bất ngờ nổi lên khi tàu đang cập cầu, dây buộc tàu bị đứt. Giữ bình tĩnh, anh đã sử dụng chân vịt mũi, dùng hai tàu lai hỗ trợ để giữ tàu an toàn, cập tàu song song với cầu trong khoảng cách 20m rồi cập cầu lại.

"Nín thở" chờ tàu vào cảng

Khoảng 10h một sáng tháng 7/2023, con tàu mang tên Maran Gas Achilles chở 70.000 tấn LNG đầu tiên trị giá khoảng 830 tỷ đồng về Việt Nam tiến vào cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, hai hoa tiêu ngoại hạng nhiều kinh nghiệm là Phạm Trung Tín và Lê Ngọc Dương (Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu) được lựa chọn.

Dẫu công việc có căng thẳng tới bạc tóc, song được góp phần đưa những chuyến tàu ra vào cảng an toàn là niềm vui không phải ai cũng có được.

Hoa tiêu Nguyễn Hữu Tình

Từng có nhiều kinh nghiệm dẫn những "siêu tàu" container trọng tải tới hơn 214.000 DWT, song lần đầu dẫn tàu LNG, hoa tiêu Lê Ngọc Dương không khỏi lo lắng. Suốt 6 tháng trước ngày con tàu chính thức vào cảng, anh đã phải làm việc nhiều lần với nhiều đoàn khảo sát của chủ tàu, chủ hàng từ nước ngoài.

Họ sang khảo sát luồng lạch, năng lực của cảng và năng lực của hoa tiêu, cũng như đưa rất nhiều quy trình chặt chẽ. Anh cùng đồng đội đã phải tham gia chạy mô phỏng với 24 kịch bản dẫn tàu dưới áp lực: Tuyệt đối không được phép chạy lỗi bất cứ kịch bản nào. Chỉ khi đầy đủ cơ sở đảm bảo an toàn, chủ hàng và chủ tàu mới đưa tàu đến.

Chưa bao giờ Việt Nam đón loại tàu này nên anh và đồng nghiệp phải cẩn trọng hơn nhiều so với khi dẫn các tàu container. Bởi nếu xảy ra sự cố, cả khu vực Phú Mỹ có thể bị thiệt hại rất nặng nề. Hai người phân công công việc, một người dẫn luồng, một người phụ trách khi tàu cập cầu và rời cầu. Lực lượng chức năng đã huy động tới 4 tàu lai hộ tống tàu.

"Lúc này, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào con tàu và hoa tiêu. Trên đầu có mấy chiếc flycam, dưới đất là rất nhiều lãnh đạo, quan chức đang "nín thở" chờ tàu vào cảng, cộng thêm lực lượng chức năng giám sát kỹ lưỡng khiến tôi vô cùng áp lực", anh Dương kể và cho hay, áp lực này khiến anh phải nỗ lực chuyên nghiệp, chuẩn chỉ nhất có thể.

Chuyến tàu đã cập cảng thành công, mang tới cho các hoa tiêu những kinh nghiệm quý báu trong nghề.

Hoa tiêu Dương khoe tới nay, anh đã dẫn được khoảng 4 chuyến tàu LNG. Còn với các "siêu tàu" container, anh không nhớ nổi đã bao nhiêu lần trở thành "đôi mắt" của tàu.

Thực tế, nếu như ở cảng biển Hải Phòng có tàu container lớn tới 145.000 DWT ra vào cảng biển Lạch Huyện thì tại phía Nam, cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng không ít lần đón những tàu trọng tải lớn tới hơn 200.000 DWT.

Đưa những con tàu được mệnh danh "quái vật biển cả", sừng sững trên biển như một hòn đảo nhỏ ra vào cảng không chỉ là trách nhiệm lớn với các hoa tiêu, còn là những cơ hội để họ được trui rèn nghề nghiệp.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.