Nhà báo Xuân Huy (phải) tác nghiệp ngoài “điểm nóng” Hoàng Sa khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép vào vùng biển Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam (tháng 5/2014) |
Đối mặt sóng gió và những giây phút nghẹt thở
Tôi may mắn là một trong số 19 anh em báo chí đầu tiên, theo theo tàu KN926 từ Đà Nẵng trực chỉ Hoàng Sa. Lần đầu tiên đi tàu, cánh nhà báo say lử. Lê Phi (PV Báo Pháp luật TP HCM) vừa ăn vội bát cơm tối đã chạy nhào ra phía đuôi tàu nôn thốc tháo. Tôi cố tránh hướng nhìn về phía Lê Phi nhưng rồi vẫn bị hiệu ứng “nôn dây chuyền”. 24 giờ vượt biển. Mệt, say lừ đừ nhưng vừa nghe đài khoang chỉ huy thông báo vị trí tàu KN926 vào vùng biển Hoàng Sa, khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981, ai nấy như bừng tỉnh. Mọi người cùng chạy vào cabin để ghi lại từng khuôn hình hiếm có.
Cảm giác lần đầu chạm vào Hoàng Sa thiêng liêng đến khó tả. Biển trời nơi đây trong xanh, đẹp đến kỳ lạ, nhưng vẻ đẹp thanh bình ấy như bị biến dạng bởi chấm đen lù lù của giàn khoan Haiyang Shiyou 981. Những chiếc tàu hộ tống giàn khoan trái phép của Trung Quốc “đón” chúng tôi bằng thái độ hung hăng, dò xét. Phần lớn tàu Trung Quốc đều to, dài hơn các tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Hơn chục ngày giữa tâm “điểm nóng” Hoàng Sa, tôi cùng hai đồng nghiệp lên tàu CSB 4032, rồi sang “lá chắn thép” 8003. Những lần “nhảy tàu” giúp tôi cảm nhận rõ hơn những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của cán bộ, chiến sĩ trên những biên đội tàu khác nhau đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo. Ngày đó, các biên đội tàu CSB vững vàng “khoan” các mũi tiếp cận sâu vị trí “điểm nóng” Hải Dương 981. Con tàu 8003 của Việt Nam liên tục bị các đội tàu hộ tống Trung Quốc theo kèm, vây hãm. Cao điểm có đến 4, 5 tàu Trung Quốc cùng theo kèm, quyết liệt ngăn cản tàu Việt Nam, khoảng cách chỉ chừng 30-50 m. Những giây phút nghẹt thở diễn ra hàng ngày, hà ng giờ…
Không phải ngẫu nhiên trong những ngày tháng 5, tháng 6 này, những “nhà báo Hoàng Sa” sau chuyến tác nghiệp “lịch sử” ấy, thường hay chộn rộn thông tin tình hình biển Đông, về động thái của phía Trung Quốc. “Mong Hoàng Sa mãi mãi yên bình, chủ quyền, pháp luật được tôn trọng”, nhà báo Lê Công Hạnh (Báo Công an, TP Đà Nẵng) chia sẻ. Cùng trên chuyến tàu đầu tiên đưa báo chí ra thực địa Hoàng Sa đầu tháng 5/2014, anh Hạnh được phân công tác nghiệp trên tàu kiểm ngư HP926, và đã có được “gia tài” hơn một nghìn bức ảnh chân thực, khách quan nhất về các hoạt động đâm va, uy hiếp, ngăn cản của các tàu hộ tống Trung Quốc với tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Anh Hạnh nhớ: “Trung Quốc liên tục bố trí các đội tàu kèm chặt, đe dọa, xịt vòi rồng các tàu Việt Nam. Đỉnh điểm, ngày 13/5, Trung Quốc dùng cả ba tàu xịt vòi rồng vào tàu Kiểm ngư HP926 khiến tàu chao đảo. Đang tác nghiệp khoang dưới, nhà báo Đình Thiệu (VOV Văn phòng Đà Nẵng) bị lực nghiêng tàu hất văng xuống sàn”.
Gần 60 tuổi, nhà báo Văn Sơn (Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Đà Nẵng) tác nghiệp không mệt mỏi. Mặc con tàu HP926 chao nghiêng khi bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, anh Sơn vẫn trụ vững trên cabin, ghi lại từng khung hình, đoạn video. Trên mũi tàu kiểm ngư 763, nhà báo Hoàng Văn Minh (Báo Lao Động, Văn phòng Đà Nẵng) cũng ghi nhận thực tế gần 20 phút tàu thực thi pháp luật Việt Nam bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng. “Các cán bộ, chiến sĩ luôn bản lĩnh, kiên cường bám trụ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động hạ đặt giàn khoan trái phép và rút khỏi vùng biển Việt Nam”, anh Minh nhớ lại.
Chuyện tác nghiệp tại “điểm nóng”
Trực tiếp tác nghiệp cùng một số nhà báo quốc tế, điều dễ nhận thấy ở các nhà báo này là thái độ khách quan, cách tường thuật chi tiết với mục đích hành vi sai trái phải được phơi bày trước công luận quốc tế. Nữ nhà báo Akiko Ichihara (Đài Truyền hình NHK Nhật Bản) xông xáo tác nghiệp trên cabin tàu 8003, chạy thẳng ra lan can tàu để ghi lại từng hoạt động Trung Quốc quyết liệt ngăn cản, theo kèm và uy hiếp tàu CSB 8003 và các biên đội tàu CSB Việt Nam. Trên tàu CSB Việt Nam 4033, nhà báo Toshihiro Yatagal, Trưởng văn phòng đại diện tờ Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan) sử dụng tối đa các trang thiết bị tác nghiệp máy ảnh, máy quay, thiết bị truyền tin hiện đại với quan điểm phản ánh thực tế trung thực, khách quan.
Tác nghiệp ở Hoàng Sa phải nói là khó khăn và đặc thù. Say sóng là một trở ngại lớn. Những ngày đầu, tôi và nhiều anh em báo chí mệt lả vì say sóng. Các cán bộ chiến sĩ trên tàu khuyên nên dưỡng sức, không hoạt động nhiều để giảm tác động say sóng. Một vài ngày quen dần, rồi thích nghi, lúc đó trên biển chẳng khác gì đất liền. Chúng tôi được hướng dẫn kĩ năng “né” vòi rồng. Người luôn thường trực áo phao, tìm vị trí thành mạn tàu trú tránh. Nhiều lúc quá căng thẳng, anh em được huy động hết vào trong cabin để phòng tránh. Thực tế, lực phá vòi rồng ghê gớm. Những thanh sắt to bằng bắp tay vẫn có thể bị áp lực vòi rồng bẻ cong. Nhiều kính cường lực nếu bị phun trực diện cũng bị bể nứt. Nhiều tàu kiểm ngư của Việt Nam bị biến dạng sau hoạt động hung hăng, xịt vòi rồng của phía Trung Quốc.
Khó nhất là thông tin liên lạc trên biển. Tôi may mắn trên “lá chắn thép” 8003 thuộc hàng hiện đại nhất của CSBVN có kết nối vệ tinh. Nhưng ở nhiều tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam, các thông tin liên lạc thông thường rất hạn chế. Sau chuyến tác nghiệp của đoàn báo chí đầu tiên ấy, nhiều cơ quan báo chí rút kinh nghiệm chủ động trang bị điện thoại vệ tinh để anh em ra thực địa kịp thời truyền tải thông tin về đất liền. Bài viết sẵn trên laptop, chúng tôi tranh thủ điều kiện thuận lợi để “đọc” về đất liền. Những người còn say sóng phải vừa nằm vừa đọc.
Ăm ắp kỷ niệm về Hoàng Sa lại ùa về trong những ngày tháng 5, 6 gợi nhắc sự kiện giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Bất chấp huy hiểm, đến biển Hoàng Sa, chạm tay vào làn nước thiêng liêng vẫn nguyên vẹn cảm xúc… Chỉ mong Hoàng Sa mãi yên bình!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận