Ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN |
Dư luận đồng tình với việc hệ thống đăng kiểm trong năm qua rất “khó tính”, khiến xe cộ phải khắc phục nhiều hơn trước để được cấp phép đủ điều kiện lưu hành. Điều gì đã tạo ra sự thay đổi này, thưa ông?
Dẫu chưa phải tất cả các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc đã thực sự chuyển biến, nhưng sau một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GTVT về các giải pháp siết chặt chất lượng và phòng chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm, đến nay chúng tôi nhận thấy, toàn hệ thống đã có thay đổi tích cực. Điều này phần nào đã được chứng minh qua tác phong phục vụ khách hàng ở mỗi đơn vị đăng kiểm, dù là đơn vị do Cục Đăng kiểm VN hay địa phương quản lý cũng đều coi khách hàng, chủ phương tiện là đối tượng phục vụ và kèm theo đó là sự tuân thủ đúng quy trình kiểm định.
Tâm lý dễ dãi, xin - cho trong đăng kiểm, ở cả hai phía, khách hàng và người thực thi công vụ đã được thay bằng quan điểm nhất quán: Chỉ có chuẩn mực kỹ thuật mới là yêu cầu cao nhất trong quá trình kiểm định kỹ thuật. Ngoài chuyển biến về cung cách làm việc, thời gian qua, tỷ lệ xe cơ giới đường bộ không đạt yêu cầu kỹ thuật trong lần kiểm tra đầu tiên và phải sửa chữa, khắc phục lên tới hơn 30%. Kết quả này cũng phản ánh rõ những thay đổi trong hành động của người làm công tác đăng kiểm, trong khi những năm trước chỉ hơn 10%; hay với tàu biển, tỷ lệ tàu biển bị nước ngoài lưu giữ lần đầu xuống dưới 4%.
Sự chuyển biến này, trước hết có được từ sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Đinh La Thăng, lãnh đạo Bộ GTVT. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cùng vào cuộc với Cục Đăng kiểm VN, cùng tham gia giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm định tại địa phương.
Sự giám sát có vai trò quan trọng để phòng ngừa vi phạm trong toàn hệ thống, Cục Đăng kiểm VN có kênh giám sát nào mang tính đặc biệt không, thưa ông?
Nghề đăng kiểm chịu nhiều tác động của xã hội, dễ xảy ra sự can thiệp từ bên ngoài, dễ dẫn đến chuyện xin - cho, tiêu cực. Vì thế, chúng tôi đã đưa ra một số biện pháp quản lý chất lượng kiểm định thông qua giám sát kỹ thuật, như: Chụp hình ảnh thùng xe, trong khoang xe khách, in kết quả tính năng hoạt động của phương tiện giám sát hành trình ôtô… để chứng minh phương tiện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Việc kiểm soát giữa văn phòng Cục Đăng kiểm VN và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới còn được thực hiện qua đường truyền hình ảnh trực tiếp, phúc tra đột xuất, ngẫu nhiên trên toàn quốc các phương tiện vừa được cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Cùng với kiểm tra chéo trong mỗi đơn vị, từ giữa quý III/2014, Cục Đăng kiểm VN lấy phiếu khảo sát ở tất cả các đơn vị, bộ phận có hoạt động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để đo mức độ hài lòng hoặc không hài lòng về mỗi đơn vị, cá nhân cụ thể.
Cục Đăng kiểm VN sẽ làm gì để chất lượng quản lý và chất lượng dịch vụ kiểm định ngày càng tốt lên?
Chúng tôi luôn lắng nghe tiếng nói của chủ DN, dư luận xã hội để tiếp tục có sự đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong năm qua, khi ngành Đăng kiểm siết chặt chất lượng kiểm định phương tiện, đã bộc lộ các vấn đề vướng mắc của phương tiện liên quan đến trọng tải, Cục đã đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận cho thực hiện các giải pháp tháo gỡ kịp thời, như hướng dẫn điều chỉnh nâng tải trọng của xe sơ-mi rơ-moóc chở container, cho phép xe tải, miễn thủ tục thiết kế cho xe tải tự nguyện cải tạo, điều chỉnh phần thùng hàng, thể tích xi- téc vượt quá kích cỡ quy định… được DN đồng thuận và đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước.
Với phương châm đổi mới hơn nữa để xây dựng hình ảnh Đăng kiểm VN tốt đẹp hơn, chúng tôi tiếp tục đặt mục tiêu “gác cửa” tốt chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện GTVT và đồng hành, tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân trong tiếp cận dịch vụ kiểm định.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận