Hạ tầng

“Đội mưa bom” mở đường trên đỉnh Trường Sơn

28/02/2016, 07:24

Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Ngô Đình Kiêm vẫn nhớ như in những ngày tham gia mở đường vượt Trường Sơn...

15
Ông Ngô Đình Kiêm vẫn nhớ như in những ngày tham gia mở đường vượt dãy Trường Sơn dưới mưa bom, bão đạn

Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Ngô Đình Kiêm (SN 1933, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Bình Trị Thiên giai đoạn 1983-1989 và Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Quảng Bình giai đoạn 1983-1993) vẫn nhớ như in những ngày tháng cùng cán bộ công đoàn ngành tham gia mở đường vượt dãy Trường Sơn dưới mưa bom, bão đạn quân thù.

Chủ tịch công đoàn và 3 tuyến đường huyền thoại

Không cần bất cứ một cuốn sổ ghi chép nào, ông Kiêm kể vanh vách về những câu chuyện xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ. Đó là những năm 1958, khi còn là chàng trai 25 tuổi, ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã. Sau đó, ông được cử sang làm cung trưởng ở Ty GTVT Quảng Bình rồi được cấp trên chọn cử đi học lớp sơ cấp kỹ thuật giao thông của Bộ Giao thông và Bưu điện (nay là Bộ GTVT). Mục đích là để đào tạo cấp tốc kỹ thuật làm đường giao thông, phục vụ nhu cầu vận lương, tải đạn chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngay khi vừa trở lại Ty GTVT Quảng Bình, chàng kỹ sư Kiêm lập tức được cử lên dãy Trường Sơn hùng vĩ cùng các đội TNXP, dân công và công nhân của ty giao thông mở tuyến đường 16 từ ngã tư Thạch Bàn (Phú Thủy, Lệ Thủy) kéo dài tới làng Ho, xã Kim Thủy. Đây là con đường chiến lược nối tiếp từ QL15 dẫn sang biên giới Lào. Đường đi qua vùng đồi núi cao hiểm trở nhưng thời gian cấp trên giao thi công chỉ vỏn vẹn 12 tháng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là vùng tuyến lửa của miền Bắc. Nếu tính gộp cả hai lần chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã cho đủ các loại máy bay đánh vào Quảng Bình hơn 8 vạn lần (trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B52) với hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc két, tên lửa và tàu chiến đã bắn hơn 14 vạn quả pháo. Trong khói lửa chiến tranh hủy diệt của kẻ thù, Quảng Bình đã xứng đáng với sứ mệnh mà cả nước giao phó, vừa là tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.

Ông Kiêm cho biết: “Ngay từ khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại trên toàn miền Bắc, cùng với việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cũ, Bộ đã chủ trương mở mới nhiều tuyến đường trên đất Quảng Bình, trong đó chú trọng các tuyến đường ngang, đường tránh, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng miền Nam. Trong các tuyến đường ngang trên đất Quảng Bình, đường 16 là tuyến đường xuất hiện khá sớm và mang ý nghĩa đặc biệt: là tuyến đường ngắn nhất đến Vĩ tuyến 17 và là con đường kết nghĩa của 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên”.

Chính vì ý nghĩa quan trọng của tuyến đường nên lúc bấy giờ, ngành GTVT Quảng Bình đã huy động gần như toàn lực để mở đường. Hàng trăm cán bộ, kỹ sư, TNXP, dân công với trang bị thô sơ: Cuốc xẻng, xà beng, quang gánh không quản ngày đêm, “ăn núi, ngủ rừng”, “xẻ đồi, cắt núi” vừa chiến đấu, vừa mở đường thống nhất đất nước. Chưa cần đến 12 tháng, cuối tháng 10/1959, tuyến đường 16 hoàn thành và người ta đặt cho tuyến đường một cái tên khác là đường Thống Nhất như để thể hiện ý chí, nguyện vọng của những người mở đường.

“Tuyến đường này sau đó được nối thông sang biên giới Lào, rồi quay lại đất Quảng Trị trở thành tuyến gùi thồ nổi tiếng: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tuyến chi viện đắc lực cho chiến trường Trị - Thiên và Khu V từ những năm 1959-1962”, ông Kiêm kể.

Sau con đường “đầu tay” ấy, ông Kiêm lại tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ mới đó là Ủy viên Ban chỉ đạo TNXP tỉnh, kiêm Bí thư đoàn ngành GTVT Quảng Bình phụ trách 1,2 vạn đoàn viên và TNXP cả nước ở Quảng Bình, làm nhiệm vụ mở đường và giữ thông suốt cho các tuyến đường chiến lược khác trên đất Quảng Bình. Được giao nhiệm vụ nặng nề lại đúng những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1964 - 1969, nhưng ông Kiêm vẫn luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Khắp đất Quảng Bình không nơi nào là không ác liệt, những con đường, địa danh chỉ cần nhắc tên thôi là ai cũng thấy rùng mình như: Đường 20 Quyết Thắng, Đường 15A (đường mòn Hồ Chí Minh), đường 12A, Khe Ve, Đèo Mụ Giạ, Bến phà Long Đại, Phà Gianh, Phà Roòn… Ở những nơi đó, không biết bao nhiêu chiến sỹ, đồng đội, tiểu đội TNXP, đại đội TNXP, bạn bè của tôi đã ngã xuống”, ông Kiêm nhớ lại.

16
Nữ TNXP tỉnh Quảng Bình phá đá san đường 15A (đường mòn HCM) - Ảnh: Tư liệu

Nén đau thương

Đánh đổi cho thành quả ấy là sự hy sinh xương máu của hàng nghìn TNXP, dân công hỏa tuyến trên mảnh đất Quảng Bình. Chính ông Kiêm cũng đã có hàng chục lần nén đau dùng cuốc xẻng bới tìm đồng đội đang bị vùi lấp dưới tầng đất lạnh. Đến ngay hôm nay, ông vẫn nhớ như in câu chuyện đau lòng, nhưng cũng hết sức bi tráng về sự hy sinh của các chiến sĩ trong Đại đội TNXP C759. Ông Kiêm nhớ lại, 50 năm trước, trong một trận đánh ác liệt ngày 3/7/1966, bom Mỹ đã làm hàng nghìn khối đất đá trên đồi Cha Quang đổ sập xuống vùi chôn 7 chiến sĩ của đại đội TNXP C759 và 1 chiến sĩ bộ đội. Chưa kịp đào lấy thi thể của đồng đội, C759 chúng tôi gặp tình thế cấp bách.

“Đường tắc khiến đoàn xe chở thương binh từ Nam ra và xe vận tải từ Bắc vào bị ùn lại. Nếu chờ lấy được thi thể đồng đội thì máy bay Mỹ sẽ phát hiện ra đoàn xe vận tải, lúc đó thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần, còn nếu san đường thông xe thi thể đồng đội sẽ phải làm sao? Cuối cùng, chúng tôi phải nén đau thương mà quyết định: “Ưu tiên san đường thông tuyến, tìm kiếm xác của đồng đội sau”. Ba ngày sau, các đoàn xe thông hết, chúng tôi lập tức quay lại tiến hành tìm kiếm đồng đội, nhưng chỉ phát hiện thi thể của hai nữ đồng chí, 5 người còn lại không thể tìm ra. Nén lại đau thương, chúng tôi lại phải buộc lòng một lần nữa lấp lại mặt đường, phát lệnh thông xe. Những dòng nước mắt lăn trên má, chúng tôi lặng người đứng nhìn đoàn xe lăn bánh trên nền đất mới thông tuyến, dưới đó là thi thể những người đồng đội, họ lại thêm một lần nữa hy sinh. Và mãi đến năm 1972, chúng tôi mới tìm được hài cốt của 5 đồng đội...”, ông Kiêm xúc động kể.

Sự hy sinh của các TNXP trên đồi Cha Quang năm ấy đã được nhân dân cả nước biết tới. Năm 2010, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 7 liệt sĩ TNXP thuộc Tiểu đội 1, Đại đội 759 hy sinh tại đồi Cha Quang.

Suốt những năm tháng sau này, dù ở cương vị nào, người Bí thư đoàn thanh niên, cán bộ Công đoàn năm ấy không bao giờ quên những sự hy sinh anh dũng của các anh hùng bộ đội, anh hùng TNXP để bảo vệ mạch máu giao thông trên đất Quảng Bình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.