Là những nơi xa xôi nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), cũng là 2 xã “trắng” đường ô tô vào trung tâm, giờ đây Mường Ải, Mường Típ đang dần thay da đổi thịt nhờ tuyến đường mới mở…
Tuyến đường hoàn thành đã giúp người dân đi lại thuận tiện, địa phương có thêm động lực phát triển kinh tế
Xuân vui bên đường mới
Những ngày cận Tết Nhâm Dần, người dân xã Mường Ải và Mường Típ rất phấn khởi vì trên địa bàn vừa có một con đường nhựa mới tinh tươm. Đó là tuyến đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền.
Niềm vui càng được nhân lên khi vụ gừng, vụ khoai sọ năm nay, thương lái đánh xe tải lên mua tận nơi, không còn bị ép giá, cũng không phải vất vả thồ ra thị trấn Mường Xén bán như trước nữa.
Hàng hóa cần gì có đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ mặt khu dân cư ở đây đã hoàn toàn thay đổi.
Chỉ tay vào căn nhà gỗ đang xây dựng, anh Cụt Bá Phăn (trú bản Pụng, xã Mường Ải) cười tươi và nói: “Nhà này tôi dựng rộng 270m2. Gỗ rừng nhà trồng không mất tiền, còn tiền công dựng là 100 triệu đồng. Tiền này có 60 triệu là Nhà nước đền bù khi làm đường, còn tôi bỏ thêm 40 triệu nữa. Giờ chuyển ra đây dựng nhà không còn lo sạt lở khi mùa mưa. Lại sẵn ở mặt đường, tôi dự định sang năm mở thêm hàng tạp hóa cho vợ ở nhà bán, đỡ phải đi nương, đi rừng”.
Cách đó không xa là căn nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện của ông Lương Phò Liễn. Ông Liễn cũng không giấu được niềm vui: “Nhà này đang cố dựng xong trước Tết, đường sá thuận lợi nên việc dựng nhà cũng đỡ vất vả hơn trước. Các anh nhìn đấy, có 1 đoạn mà có 4-5 nhà mới rồi!”.
Vui nhất là thầy và trò Trường tiểu học Mường Típ 1. Thầy Nguyễn Quốc Trí, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 21 giáo viên, 181 học sinh là người dân tộc Mông và Khơ Mú. Ngoài điểm chính này, còn 3 điểm lẻ đều cách điểm chính, nơi xa nhất là 20km để cho học sinh lớp 1, lớp 2 đi học. Từ lớp 3 trở đi là các em phải về học tại cơ sở chính theo hình thức bán trú.
“Trước chưa có đường này vất vả vô cùng. Thầy trò toàn phải đi bộ, từ trường ra thị trấn Mường Xén mất 1 ngày rưỡi. Đó là chưa kể có thời điểm bị sạt lở, không có cả đường mà đi. Để có lương thực, giáo viên phải thay nhau đi bộ gùi gạo mất 3 ngày từ Phà Nọi xuống. Giờ đi ô tô hay xe máy đều chỉ còn hơn 2 tiếng là tới”, thầy Trí kể.
Cũng theo thầy Trí, đường mới thông được khoảng 1 tháng nhưng ai nấy đều vui. “Ngày 13/1 vừa qua, nhóm kỹ sư ngành giao thông ở Nghệ An còn lên tận trường để tặng quà, tặng áo ấm cho các em trong trường”, thầy Trí kể.
“Đường mở sớm ngày nào, dân vui ngày đó!”
Nhà ông Liễn đang dựng bên con đường mới
Như thấu hiểu khó khăn vất vả của người dân, quá trình triển khai dự án này, các kỹ sư công nhân trên công trường luôn nỗ lực, bằng mọi cách để rút ngắn tiến độ thi công dự án.
Kỹ sư Vũ Minh Thịnh, cán bộ phòng Dự án 1, Ban QLDA công trình giao thông Nghệ An kể, dự án bắt đầu thi công từ cuối tháng 7/2021. Khi đó, nền đường chỉ là đất và sỏi đá.
Tuyến có 2 điểm tắc nghẽn do sạt trượt là đồi Km 38+500 và đồi Km 29 khiến xe ô tô không đi được. Người dân bản địa phải tự cào đất đá mở lối cho xe thô sơ vượt qua.
“Đến nay, đường đã cơ bản hoàn thành. Đã có thêm 19/20km đường nhựa, chỗ còn lại anh em đang tập trung xử lý sụt trượt, tuy nhiên vẫn đảm bảo cho xe cộ lưu thông bình thường. Chúng tôi đang chỉ đạo các nhà thầu tăng nhân công, thiết bị để đến Tết Âm lịch sẽ cơ bản hoàn thành cả tuyến, đảm bảo cho người dân đi lại vui Tết đón Xuân”, kỹ sư Thịnh kể.
Nói về khó khăn khi thi công dự án này, kỹ sư Hồ Đức Tiến - Chỉ huy trưởng công trường thi công của nhà thầu Công ty CP 469 cho biết, cấp kỹ thuật của đường so với năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu thì không có gì đáng kể.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở đây là đường miền núi, tuyến độc đạo, công địa hẹp - nhiều nơi bên núi cao, bên vực sâu.
Trong khi vị trí thi công lại cách xa trung tâm huyện, vận chuyển vật liệu khó khăn. Đơn cử như, đá 4x6 phải lấy từ mỏ ở Phà Đánh hoặc dưới Tương Dương, nơi xa nhất tới hơn 80km, khiến giá đội lên cao tới 1,5 lần so với giá dự toán.
“Nhiều vị trí lán trại không có điện, không có nước, anh em sinh hoạt khó khăn. Nhu yếu phẩm, phụ tùng sửa chữa máy khi hư hỏng cũng đều phải chở từ dưới xuôi lên, rất vất vả. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, anh em động viên nhau “ăn ở tại chỗ” suốt 3 tháng liền để đảm bảo tiến độ thi công”, kỹ sư Tiến nói.
Trong suốt quá trình thi công dự án, vượt lên khó khăn, các kỹ sư công nhân trên công trường luôn phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Kỹ sư Nguyễn Sỹ Nam, cán bộ tư vấn dự án cho biết, thời tiết ở đây có sự khác biệt, buổi sáng và chiều thường có sương mù và mưa, ban ngày nắng nóng nhưng đêm rất lạnh có khi xuống tới 0 độ C.
“Để đảm bảo chất lượng, chúng tôi yêu cầu tất cả các nhà thầu, các mũi thi công khi láng nhựa phải làm xuyên trưa, trong khung giờ 10h - 14h, công nhân được bố ăn tại vị trí thi công””, kỹ sư Nam nói.
Ông Lê Duy Hưng, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư 468 chia sẻ: “Càng ở nơi khó khăn gian khổ mình càng phải cố gắng, đường xong sớm ngày nào người dân vui mừng ngày đó. Chỉ 2 tháng trước mọi người đi lên đây còn phải dùng xe bán tải 2 cầu. Giờ đường nhựa đẹp phẳng phiu, xe tải, xe con lên mua bán nông sản, hàng hóa Tết chạy nườm nượp!”.
Thi công đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền giai đoạn 2
Dự án đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền có chiều dài 58km, tổng mức đầu tư là 589,5 tỷ đồng.
Do gặp khó khăn về nguồn vốn nên tỉnh Nghệ An đã phân đoạn đầu tư.
Trong đó, giai đoạn 1: Km 46+500 - Km58 (qua xã Na Ngoi) và từ Km 1 - Km 7 (Mường Xén, Tà Cạ) đã bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 5/2021.
Giai đoạn 2 từ Km 26 - Km 46+500, qua 2 xã giáp biên là Mường Típ và Mường Ải đang trong giai đoạn nước rút để về đích.
Giai đoạn 3 từ Km 7 - Km 26 (Tà Cạ đi Ta Đo) được sửa chữa thành đường cấp phối, năm 2022 sẽ tiếp tục thi công mở rộng và láng nhựa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận