Đội tàu biển 1.264 chiếc chuyển đổi nhiên liệu thuận lợi
Trước thời điểm ngày 1/1/2020 bắt buộc thực hiện quy chuẩn nhiên liệu mới (hàm lượng lưu huỳnh có trong nhiên liệu không quá 0,5% để giảm ô nhiễm môi trường) của IMO, toàn bộ đội tàu biển của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) đều sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh tối đa 3,5%.
Mặc dù biết rằng, việc chuyển đổi này góp phần hạn chế đáng kể ô nhiễm môi trường nhưng khá nhiều chủ tàu lo lắng loại nhiên liệu mới đắt đỏ, kéo theo chi phí vận tải tăng. Cùng đó là những thông tin cho rằng, thiếu nguồn cung cấp nhiên liệu; phải hoán cải hệ thống nhiên liệu của tàu, đặc biệt là những “tàu già” để sử dụng được dầu tiêu chuẩn mới.
Thế nhưng, sau hơn 5 tháng thực hiện, đội tàu của DN này đã đáp ứng được tiêu chuẩn mới mà không gặp phải trở ngại như dự đoán. Ông Hoàng Lê Vượng, Phó ban quản lý tàu biển và thuyền viên của Vinalines cho biết, quá trình thay thế nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh 0,5% đang được các DN vận tải biển thuộc Vinalines thực hiện tương đối thuận lợi.
“Thời gian đầu, DN không tránh khỏi lo lắng khi có nhiều luồng thông tin cho rằng, việc sử dụng nhiên liệu mới sẽ ảnh hưởng đến máy móc của tàu, mài mòn các thiết bị kỹ thuật vận hành máy móc. Song, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có trục trặc nào liên quan đến dầu FO cải tiến trong quá trình tàu hành hải”, ông Vượng nói.
Theo chia sẻ của các DN vận tải biển, thực tế trong 2 tháng đầu tiên thực hiện gặp bất lợi do giá dầu thế giới cao và có hiện tượng cầu vượt cung, dẫn đến tăng chi phí, nhưng sau đó giá dầu liên tục xuống thấp ở mức kỷ lục, tạo nhiều thuận lợi cho DN.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng xác nhận: Đội tàu biển VN hiện có 1.264 tàu (trong đó có 550 chiếc hoạt động quốc tế) với tổng trọng tải là 7,8 triệu tấn, tổng dung tích là 4,96 triệu GT. Đến nay sau hơn 5 tháng thực hiện, đội tàu đã tuân thủ đúng quy định về tiêu chuẩn nhiên liệu của IMO và chưa ghi nhận kiến nghị nào về phát sinh, vướng mắc khiến không thể thực hiện được.
Lường trước khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, từ năm 2018, Cục Đăng kiểm VN tổ chức các hội nghị an toàn hàng hải để phổ biến các quy định mới của IMO cho các chủ tàu biển, các công ty quản lý khai thác tàu biển trong nước, dự báo các khó khăn và vận động chủ tàu sớm lập kế hoạch và thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo tuân thủ quy định.
Trong các đợt kiểm tra kỹ thuật, khi phát hiện tàu biển không đáp ứng quy định về sử dụng nhiên liệu, Cục Đăng kiểm VN sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện. Trường hợp tàu không tuân thủ quy định về sử dụng nhiên liệu chạy tàu có hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5% có thể bị Cảng vụ Hàng hải giữ tàu để khắc phục khiếm khuyết.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN
“Cục Đăng kiểm VN gửi các thông báo kỹ thuật tàu biển, phổ biến rộng rãi các giải pháp, hướng dẫn cụ thể cho từng chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu biển nghiên cứu thực hiện kịp thời.
Cùng đó, Cục trình Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (QCVN 26: 2018/BGTVT) có hiệu lực từ ngày 1/9/2019, trong đó kịp thời cập nhật quy định về hàm lượng lưu huỳnh 0,5% trong nhiên liệu của tàu biển vào hệ thống pháp luật của Việt Nam theo đúng nghĩa vụ của quốc gia tham gia Công ước MARPOL”, ông Bằng thông tin.
Và lường trước tình huống trong trước thời điểm quy định mới có hiệu lực có thể có tàu chạy tuyến quốc tế không có được dầu theo tiêu chuẩn, từ tháng 8/2019, Cục Đăng kiểm VN được Bộ GTVT giao làm đầu mối tiếp nhận thông tin từ chủ tàu để hỗ trợ giải quyết và thông báo với IMO. “Đến nay tất cả chủ tàu biển, công ty quản lý, khai thác tàu Việt Nam đều lựa chọn giải pháp sử dụng dầu MGO, DO hoặc HFO với hàm lượng lưu huỳnh thỏa mãn quy định”, đại diện Cục Đăng kiểm VN thông tin.
Về phía Cục Hàng hải VN, đại diện Cục cho biết, trước khi quy định mới có hiệu lực, các Cảng vụ hàng hải đẩy mạnh tuyên truyền, gửi thư cảnh báo sớm đến các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu biển, thuyền trưởng của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại vùng nước cảng biển thuộc phạm vi quản lý.
“Cục Hàng hải VN thường xuyên trao đổi thông tin với các DN cung ứng nhiên liệu thông tin về khả năng cung ứng nhiên liệu để nắm bắt khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, cập nhật dữ liệu về tổ chức cung ứng dầu nhiên liệu cho tàu biển đáp ứng hàm lượng lưu huỳnh theo tiêu chuẩn mới lên hệ thống thông tin của IMO để phục vụ cho công tác kiểm tra đột xuất tàu ở các cảng biển tại các quốc gia là thành viên công ước Marpol”, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận