Đăng kiểm

Đội tàu biển Việt Nam tiếp tục nằm trong "Danh sách trắng"

16/01/2023, 16:05

Cục Đăng kiểm VN tăng cường kiểm soát chặt chẽ quá trình đóng mới tàu biển, từ đó ngăn ngừa những khiếm khuyết trong thi công.

Hơn 1.200 tàu biển Việt Nam đang hoạt động

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm VN, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, tính đến 02/12/2022, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đang duy trì hoạt động gồm 1.246 tàu (giảm 19 tàu so với năm 2021) với tổng trọng tải 10,9 triệu tấn, tổng dung tích 6,7 triệu GT.

img

Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm VN diễn ra chiều 16/1

Trong số này có 602 tàu biển hoạt động tuyến quốc tế với tổng trọng tải 9,52 triệu tấn, tổng dung tích 5,84 triệu GT, trong đó có 292 tàu mang lưỡng cấp Cục Đăng kiểm VN - Đăng kiểm nước ngoài với tổng trọng tải là 7,11 triệu tấn, tổng dung tích là 4,33 triệu GT.

Trong năm 2022 đã có 84 tàu bị rút cấp tàu do bị quá hạn kiểm tra, tai nạn chìm đắm, bán ra nước ngoài hoặc chuyển sang hoạt động phương tiện thủy nội địa. Bên cạnh đó, có 27 tàu được đăng ký mới vào phân cấp của VR (20 tàu mua từ nước ngoài, 7 tàu hoàn thành đóng mới).

Cả nước hiện có 90 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển được Cục Đăng kiểm VN đánh giá và công nhận đủ điều kiện kinh doanh đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; 87 cơ sở cung cấp dịch vụ tàu biển được đánh giá công nhận năng lực cơ sở cung cấp dịch vụ hàng hải. Năm 2022, Cục đã thực hiện đánh giá 8 cơ sở đóng tàu biển và 24 cơ sở cung cấp dịch vụ.

Về thẩm định thiết kế tàu biển, năm 2022, công tác thẩm định thiết kế tàu biển đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng, an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho ngành đóng mới và hoán cải tàu biển.

Năm 2022, Cục Đăng kiểmVN đã thẩm định 17 thiết kế đóng mới tàu biển; thiết kế lập hồ sơ vào cấp cho 7 tàu; thiết kế hoán cải cho 16 tàu; thiết kế bổ sung, sửa đổi cho 367 thiết kế và thẩm định 54 sản phẩm công nghiệp các loại, 430 tài liệu hướng dẫn. So với năm 2021, thiết kế tàu biển đóng mới không tăng về số lượng, tuy nhiên các tàu đóng mới có nhỉnh hơn về kích thước.

Ngoài ra, toàn quốc hiện có 66 tàu biển đang thi công đóng mới. Tính từ đầu năm đến 30/11/2022, có 18 tàu được trao cấp chính thức (bao gồm cả tàu đóng mới và tàu hoán cải); có 38 tàu biển đã dừng thi công trên 2 năm.

img

Năm 2022, đội tàu biển Việt Nam nằm trong Danh sách trắng của Tokyo MOU

Đội tàu biển Việt Nam nằm trong Danh sách trắng của Tokyo MOU

Bảng xếp loại thực hiện chức năng của các quốc gia tàu mang cờ quốc tịch, thường được gọi là “Danh sách đen, xám và trắng” (Back, Grey and White List) dùng để đánh giá mức độ thực hiện chức năng của các quốc gia này đối với tàu mang cờ quốc tịch của mình.

Các quốc gia nằm trong danh sách trắng có mức độ thực hiện chức năng cao nhất, tiếp theo là các quốc gia nằm trong danh sách xám - có mức độ thực hiện chức năng trung bình; cuối cùng, các quốc gia có mức độ thực hiện chức năng yếu kém nhất nằm trong danh sách đen.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Vũ Hải cho biết, năm 2022, đơn vị đã thực hiện 1.563 lượt kiểm tra tàu biển đang khai thác; đề nghị các tổ chức đăng kiểm nước ngoài hỗ trợ kiểm tra 173 tàu biển Việt Nam hoạt động ở các cảng biển nước ngoài trong số 602 tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.

Cục Đăng kiểm VN thường xuyên cập nhật, phổ biến, hướng dẫn áp dụng các quy định mới; rà soát và hoàn thiện các quy trình công việc thuộc Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015; đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ công tác đánh giá và công nhận năng lực của các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, các cơ sở bảo dưỡng, thử nghiệm liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật tàu; thực hiện tốt việc hợp tác cùng kiểm tra tàu biển ở nước ngoài; tăng cường công tác kiểm soát thông qua việc soát xét hồ sơ kiểm tra qua mạng và hồ sơ kiểm tra tàu.

Nhờ đó, chất lượng giám sát kỹ thuật tàu biển đang khai thác được duy trì tốt nhờ đẩy mạnh đồng bộ các biện pháp quản lý và nâng cao nhận thức về công việc của đăng kiểm viên.

Từ 1/1/2022 đến 30/11/2022 tại khu vực Tokyo MOU, có tổng cộng 13 lượt tàu treo cờ Việt Nam bị lưu giữ thông qua kiểm tra của Thanh tra nhà nước cảng biển (PSC) trên tổng số 680 lượt kiểm tra. Tỷ lệ lưu giữ PSC là 1,9%.

Báo cáo hàng năm 2022 của Tokyo-Mou tiếp tục đánh giá đội tàu biển Việt Nam nằm trong Danh sách trắng của Tokyo MOU (xếp thứ 24/40 các quốc gia trong Danh sách trắng). Cục Đăng kiểm VN tiếp tục được đánh giá xếp hạng trong nhóm các tổ chức đăng kiểm thực hiện chức năng tốt (xếp thức 10/17 tổ chức đăng kiểm thực hiện chức năng tốt).

Việc đứng vững ở “Danh sách trắng” không chỉ mang lại uy tín cho đội tàu biển trên thương trường quốc tế mà còn đặc biệt hữu ích cho doanh nghiệp.

Thực tế, khi bị xếp vào “Danh sách đen” đồng nghĩa tàu biển bị lưu ý kiểm tra nhiều hơn và khả năng bị giữ cũng cao hơn; khi bị lưu giữ sẽ phải hủy lịch, ảnh hưởng đến kế hoạch vận chuyển, chủ tàu có nguy cơ bị chủ hàng phạt nặng, tăng chi phí neo đậu...

Hai năm qua, khi đội tàu biển của chúng ta được xếp ở “Danh sách trắng”, tàu của các doanh nghiệp Việt Nam được các hãng vận tải quốc tế nhìn nhận an toàn hơn, ít bị các cảng kiểm tra hơn, uy tín được nâng cao hơn và có nhiều cơ hội trúng thầu vận chuyển hàng hơn, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển.

Một số công ty vận tải biển cho biết, đội tàu quốc gia thoát khỏi “Danh sách đen” giúp doanh nghiệp không bị chậm chuyến, chậm thời gian giao hàng và không bị đối xử phân biệt khi đàm phán hợp đồng, tăng thêm sức cạnh tranh với tàu nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.