Những ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão (2023), PV Báo Giao thông có mặt tại bản Hoà Sơn, Sơn Hà của xã Tà Cạ, và thị trấn Mường Xén huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - nơi vừa gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của trận lũ quét lịch sử đầu tháng 10/2022. |
Đã nhiều tháng trôi qua nhưng dọc con suối Huồi Giảng vẫn còn in dấu vết của trận lũ kinh hoàng mà theo người dân nơi đây là “chưa từng có trong lịch sử”. |
Trong các bản làng, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền và các mạnh thường quân, cùng sự nỗ lực của người dân, một cuộc sống mới đang dần hiện hữu ở nơi đây. |
Đang quét dọn lại ngôi nhà mới để vào ở, cô giáo Vi Thị Thương (48 tuổi, ở bản Hoà Sơn) cho biết: Cơn lũ quét qua, ngôi nhà bê tông kiên cố và toàn bộ đồ đạc bên trong đều “theo sông về với biển”. |
Được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền, ngành giáo dục và các mạnh thường quân, cô đã có kinh phí để sửa lại nhà và mua sắm đồ đạc. Tết này, gia đình đã có chỗ "chui ra chui vào". |
Cách đó không xa, anh Lô Thanh Tâm (41 tuổi) cũng đang sửa soạn kê lại cái bếp. Anh Tâm cho biết: Trận lũ quét đã cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà gỗ và tài sản bên trong, thiệt hại ước tính lên đến 300 triệu đồng. Thời gian qua, vợ chồng anh và 2 con nhỏ phải đi ở trọ. Tết đến gần, anh quây tôn xung quanh nhà, kê lại cái bếp. Tuy còn vất vả, khó khăn nhưng cả nhà không phải chịu cảnh đi ở trọ. |
Cùng với sửa sang nhà cửa, người dân nơi đây cũng bắt tay ngay vào trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Giữa khung cảnh tan hoang, những vườn rau xanh đang không ngừng vươn lên như tinh thần người dân nơi đây. |
Chỉ vào vườn cải ngồng xanh mướt, anh Vi Văn Khăm (38 tuổi) cho biết: Chỗ này trước đây chính là ngôi nhà gỗ 3 gian được gia đình anh cho các giáo viên và học sinh trong vùng thuê ở trọ. Lũ về, nhà bị cuốn trôi, gia đình anh quyết định trồng rau để vừa có cái ăn vừa bán kiếm thêm. |
Cùng với rau trong vườn, vợ chồng anh Khăm không ngừng chăm sóc các vườn rau trên các nương núi. Rau xanh, sạch nên luôn được người dân săn đón. Chị Vi Thị Tiên (vợ anh Khăm) cho biết: Giữa khó khăn bủa vây, đây cũng là nguồn thu nhập chính cho gia đình, nhất là khi Tết đang cận kề. |
Cũng giống như gia đình anh Khăm, chị Tiên, khi chưa đủ điều kiện kinh tế, gia đình bà Lương Thị Hoà (54 tuổi) quyết định sang ở ghép với con trai. Mảnh đất là nền ngôi nhà gỗ của bà nhanh chóng trở thành một vườn rau. |
Nhờ chăm sóc tốt, nên vườn rau của bà Hoà đã bán những lứa đầu tiên. Ngoài ra, bà còn đi mua thêm rau của những gia đình ở bản bên về buôn bán. “Ngày bán được, cũng kiếm trăm ngàn chú ạ, mừng lắm. Ngày đi bán rau, tối khuya tôi còn xin đi rửa bát phụ cho các nhà hàng ở thị trấn. Vất vả nhưng có thêm đồng mua quần áo Tết cho các cháu”, bà Hoà phấn khởi nói. |
Dù chỉ mới 8 tuổi nhưng ngoài giờ học, em Kha Thị Thảo (cháu ngoại bà Hoà) đã biết phụ giúp bà nhặt rau và ra chợ bán hàng cùng bà. Thảo khoe: Hôm nhiều nhất cháu bán 10 bó rau. |
Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Các hồ sơ, thủ tục của dự án tái định cư cho những hộ ở xã Tà Cạ chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ ở xã Tà Cạ đã được huyện gấp rút hoàn thành. |
Hiện các hồ sơ đã gửi trình các sở, ngành liên quan. Đây là dự án cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới nên rất mong các tỉnh và sở, ngành quan tâm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận