Phát triển - Kết nối

Đổi thay ở các ngôi làng nhiều ngôn ngữ Kinh, Hoa, Tày, Nùng...

20/09/2021, 17:03

Hệ thống đường giao thông nông thôn được phủ đến từng xóm, ngõ góp phần thay đổi cuộc sống người dân đồng bào các dân tộc ở Xuân Lộc (Đồng Nai).

Nhờ đổi mới canh tác nông nghiệp, làm đường giao thông nông thôn (GTNT) phủ khắp từng xóm ngõ, cuộc sống tại các làng đồng bào dân tộc ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) khởi sắc từng ngày.

Đường sá thuận lợi, nhà cửa khang trang

Ở miền Đông Nam bộ nhưng ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số khắp các miền trên cả nước như Tày, Nùng, Dao, Mường, Mán, Hoa, Khơme, Sán Chỉ, Cao Lan, Chơro... Nhờ đó tạo nên sự đa dạng về văn hóa cho khu vực này.

Ấp có những con đường bê tông nhựa thẳng tắp, nhiều tuyến đường được trồng hoa đẹp mắt... Hai bên đường là những căn nhà xây khang trang, sạch sẽ. Thoáng qua cũng biết đây là một làng quê trù phú, dù trước đó rất nghèo.

img

Hoa rực rỡ sắc màu trên một tuyến đường nông thôn ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.

Ông Vi Văn Đáp, người dân tộc Nùng cho hay, những ngày đầu vào đây lập nghiệp cuộc sống vô cùng khó khăn. 20 năm về trước đường sá nơi này mùa mưa thì lầy lội, nắng lên thì bụi mù mịt. "Nay đường sá bê tông đến từng xóm ngõ, bà con vận chuyển nông sản dễ dàng đời sống khấm khá hơn trước rất nhiều", ông nói.

Bà Giáp Thị Hoa, ngụ ấp Bình Tiến cho hay, 8 sào đất rẫy của gia đình bà trước kia chỉ trồng bắp, đậu nên thu nhập chẳng bao nhiêu. Lúc nông nhàn bà phải đi làm thuê làm mướn ở chỗ khác để trang trải cuộc sống trong gia đình. Cách đây 4 năm, cán bộ địa phương vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh.

“Vụ thu hoạch bưởi năm thứ 2 năng suất đạt cũng cao, với giá cả trung bình từ 20-25 ngàn đồng/kg. Riêng năm nay nhà tôi kiếm được hơn 100 triệu đồng…”, bà Khoe cho biết. Nhờ cây bưởi mà bà xây được ngôi nhà khang trang.

img

Trong ấp Bình Tiến nhiều ngôi nhà mới xây khang trang.

Bà Sầm Thị Ban, người dân tộc Tày - Bí thư Chi bộ ấp Bình Tiến cho hay, trước đây bà con quen với lối canh tác cũ, chỉ trồng lúa, bắp nên hiệu quả kinh tế không cao, số hộ nghèo chiếm hơn 50% trong ấp. Sau nhiều năm, được hướng dẫn đổi mới cách canh tác, biết “trồng cây gì, nuôi con gì” cho phù hợp từng vụ mùa nên đã phát huy hiệu quả, thu nhập khá hơn.

Tại làng Chăm ấp 4, xã Xuân Hưng, ông Abtukholick là một nông dân sản xuất giỏi. Cách đây 4 năm, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng nông nghiệp để làm vốn chăn nuôi bò và chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang cây thanh long ruột đỏ. Nhờ chăm chỉ lao động nên vườn thanh long nhà anh luôn tươi tốt, năng suất cao, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Sống chan hoà, yêu thương

img

Trong đợt dịch Covid-19, hàng tấn rau củ quả được người dân đồng bào ở huyện Xuân Lộc tặng đến các vùng cách ly, phong tỏa.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú cho biết, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã tập trung đầu tư hàng chục km đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng, hệ thống lưới điện, đắp hàng trăm đập thuỷ lợi. Nhờ đó mà bà con thâm canh tăng lên 3 vụ/năm.

Đồng thời, bà con còn xen canh rau xanh, làm nấm, làm vườn cây ăn quả như mít, bưởi, cam, quít...

Ông Phạm Thành Thảo, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Hưng cho hay, trong thời gian qua, Hội nông dân phối hợp cùng Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên địa phương vận động hỗ trợ hơn 20 tấn rau củ quả cho người dân vùng dịch Covid-19, với tinh thần "bầu ơi thương lấy bí cùng...".

Theo UBND huyện Xuân Lộc, đến nay 100% các tuyến đường giao thông nông thôn của huyện đã được bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sản xuất và nước sạch sinh hoạt. Song song đó, UBND các xã từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động thông qua công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, cho con em đồng bào trong làng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.