Xã hội

Đổi thay Quảng Hải sau vụ đắm đò kinh hoàng ngày 30 Tết

24/01/2016, 14:19

Những ngày cận Tết cách đây 6 năm về trước, dòng sông Gianh hung dữ đã lạnh lùng nhấn chìm con đò...

18

Ông Cao Xuân Khâm ngậm ngùi kể lại sự việc năm xưa

Những ngày cận Tết cách đây 6 năm về trước, dòng sông Gianh hung dữ đã lạnh lùng nhấn chìm con đò, cướp đi sinh mạng 42 con người trên đường đi sắm chợ Tết về khi thời khắc Giao thừa chỉ còn tính bằng giờ...

Bến đò Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình giờ đây chỉ còn là dấu tích sau khi cây cầu bê tông kiên cố nối hai bờ sông Gianh mọc lên, cuộc sống người dân vì thế cũng đã bớt đi nỗi bất an bởi con nước mỗi khi đi về...

Chuyến đò định mệnh ngày cuối năm

Trở lại Quảng Hải những ngày này, người dân vẫn còn nhớ như in cái thời khắc sáng 30 Tết năm 2009. Trời vừa sáng, người dân sống hai bên bờ sông Gianh của xã Quảng Thanh và Quảng Hải bàng hoàng bị đánh thức bởi những tiếng kêu cứu, tiếng la hét thất thanh vọng lên từ mặt sông. Khi những bước chân trần chạy nhanh ra bến sông thì phía xa, nơi dòng sông lạnh ngắt, con đò chìm dần cùng những cánh tay yếu ớt đang cố gắng vẫy vùng trong tuyệt vọng. Trên bờ, người dân cuống cuồng tìm cách cứu vớt. Nhưng mọi nỗ lực cũng chỉ cứu được hơn 40 người còn 42 người đã chìm sâu xuống dòng nước lạnh buốt và chảy siết...

Tang thương bao trùm những xóm nghèo ven sông, những cặp mắt cha, mẹ già đỏ hoe, chết lặng tìm con, những ánh mắt con trẻ nhòe lệ, gào thét gọi ba, tìm mẹ... Từng thi thể lần lượt được đưa vào bờ, những chiếc khăn tang quấn vội, từng ánh mắt dõi theo và chẳng ai dám tin rằng, người thân của họ đã vĩnh viễn ra đi…

Trong số những gia đình mất đi người thân, có lẽ vợ chồng ông Cao Xuân Khâm và bà Cao Thị Lỡi là chịu nỗi mất mát lớn hơn cả. Hai người con gái và một người con dâu đã bỏ lại 3 đứa cháu cho ông bà đã ở tuổi 80, đứa lớn nhất mới 16 tháng tuổi, đứa nhỏ vừa tròn năm. Ông Khâm nghẹn ngào kể lại: “Bữa đó, tui phải lấy 2 cái áo quan mà tui chuẩn bị sẵn bấy lâu nay để lo chuyện hậu sự cho tui và bà nó để dùng cho con gái và con dâu. Tụi hắn mất đi, chừ 2 thân già rau cháo cùng bố của tụi trẻ lo liệu qua ngày chứ biết mần răng”.

Ngày đó, đầu bạc tiễn đầu xanh, ông Khâm đã dùng chiếc xe ba gác của gia đình lần lượt đưa các con của mình về nơi an nghỉ thay vì những chiếc xe tang như bình thường: “Khoảng 15h, chúng tôi chở con dâu đi đầu tiên, sau đó quay về đưa con gái út và chập tối thì đưa nốt đứa còn lại ra nghĩa địa. Một buổi chiều tôi phải tự tay đưa tiễn, chôn cất 3 đứa con… chúng nó bỏ vợ chồng tôi đi hết”.

Năm tháng trôi qua, cuộc sống của hai ông bà đã dần ổn định hơn, với số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Các cháu nay cũng lớn khôn và về sống với gia đình bên nội gần 1 năm nay nên gánh nặng trên hai đôi vai già cũng bớt đi nhiều.

19
Giá như cây cầu được xây dựng sớm hơn thì sẽ không có ngày đau thương ấy

Cây cầu “hạnh phúc” bên làng… mồ côi

Sau cái ngày định mệnh tại xã đảo Quảng Hải, làng Vân Lôi được người dân gọi là “Làng mồ côi”. Bởi trong vụ chìm đò, riêng ở làng này đã có đến 17 người chết. Nhiều ngày tháng sau đó, những ngôi nhà gần như đã đóng cửa im lìm, kẻ vào Nam, người sang Lào làm ăn để quên đi sự mất mát. Với những người ở lại, vừa vượt qua nỗi đau, vừa phải mưu sinh với mỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày.

Như để xoa dịu nỗi đau và giúp người dân thoát cảnh “đò đầy, nước dữ”, một cây cầu nối liền đôi bờ sông Gianh đã được gấp rút xây dựng. Cầu được khánh thành đưa vào sử dụng đáp ứng mong mỏi của hàng nghìn người dân. Kể từ ngày ấy, cuộc sống người dân nơi đây đã trở nên sung túc hơn, ngôi làng mồ côi giờ đây đã dần thay đổi bởi những màu ngói đỏ ngày một nhiều. Xóm nghèo ven sông những ngày này như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Người dân nơi đây đã tự đặt cho cầu Quảng Hải một tên gọi khác, cây cầu Hạnh phúc.

Trao đổi với PV, ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải vui mừng cho biết: “Từ lúc có cầu Quảng Hải, cuộc sống của người dân 9 xã vùng Nam TX Ba Đồn nói chung và người dân Quảng Hải nói riêng thay đổi hẳn. Không còn cảnh đò giang cách trở, giao thông đi lại thuận lợi an toàn nên đời sống xã hội, dân sinh phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm so với 6 năm về trước, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn”.

Được biết, khi chưa có cầu, đò ngang cách trở, tỷ lệ học sinh đến trường chỉ được khoảng 20%, còn nay con số này đã vượt lên 95%. “Trong 9 xã vùng Nam Quảng Trạch thì nay đã có 2 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Riêng xã Quảng Hải nay đã đạt 16/19 tiêu chí và sẽ phấn đấu hoàn thành, về đích trong năm 2016”, ông Ngọc vui mừng thông tin. Cũng theo Chủ tịch xã Quảng Hải, trước đây, muốn xây dựng một công trình dù lớn dù nhỏ đều gặp khó khăn trong khâu vận chuyển nguyên vật liệu, nhưng nay thì khác nhiều, mọi thứ được vận chuyển tới tay người dân một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất. Nhờ đó, những ngôi nhà vững chắc ngày càng nhiều lên.

Thầy giáo Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: “Riêng xã Quảng Hải có 120 học sinh thuộc 3 cấp 1, 2, 3 học tại đây, còn lại qua cầu sang TX. Ba Đồn học. Hiện tại, trường Lê Hồng Phong có hơn 20 giáo viên nội trú từ các vùng miền khác về dạy. Cũng nhờ có cầu, giao thông đi lại thuận tiện, thầy, cô cùng học sinh và người dân đi lại an tâm hơn. Trò thì chịu khó tới trường, thầy cô an tâm công tác”.

“Đã hơn 6 năm qua, bây giờ mỗi lần đi qua cầu Quảng Hải chắc chắn an toàn, dù vẫn chưa hết ám ảnh bởi những gì xảy ra sáng 30 Tết năm đó nhưng cảm giác bất an nay đã không còn. Cây cầu cũng là đòn bẩy cho phát triển kinh tế nông thôn của người dân nơi xưa kia chỉ là ốc đảo”, bà Hồ Thị Ngọc (SN 1954) trú thôn Vân Trung, người may mắn còn sống trong vụ đắm đò tâm sự với chúng tôi bên cây cầu Quảng Hải khi chúng tôi xin phép ra về, thời điểm những ánh sáng đèn điện dọc theo 2 thành cầu cũng đã được bật sáng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.