Xã hội

Đổi thay trên đường biên giới huyền thoại

26/04/2020, 09:08

QL14C dài hơn 100km qua Kon Tum là con đường huyền thoại trong những năm chống Mỹ.

img
QL14C đi qua vùng căn cứ cách mạng Mô Rai đang được khẩn trương thi công để chào mừng Đại hội Đảng các cấp

Giờ đây, tuyến đường đang được nâng cấp, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế các huyện dọc biên giới nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.

Con đường gắn với chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh

QL14C dài hơn 100km nối xuyên qua 3 huyện từ Ngọc Hồi, qua Sa Thầy rồi đến Ia H’Drai (giáp với huyện Ia Grai, Gia Lai) là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, mà tiêu biểu là chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972.

Đại tá Nguyễn Khang Đàm, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 nhớ lại, khí thế những ngày “Trường Sơn chuyển mình, PôKô nổi sóng, quét sạch quân thù, giải phóng nhân dân”, gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh, nay là QL14C.

Theo tài liệu truyền thống của Sư đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên), tháng 2/1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đứng chân ở phía Đông Đắk Tô - Tân Cảnh, gọi tắt là Mặt trận cánh Đông. Từ ngày 24 - 27/2, Đảng ủy Mặt trận cánh Đông tổ chức hội nghị, hạ quyết tâm đánh bằng được căn cứ Tân Cảnh.

Ngày ấy, căn cứ Tân Cảnh (Căn cứ E42) - trung tâm chỉ huy tập đoàn phòng ngự phía Bắc Kon Tum của địch, vừa là căn cứ hậu cần ở Bắc Tây Nguyên, vừa là nơi xuất phát hành quân của địch ra khu vực ngã ba biên giới. Lực lượng của địch ở căn cứ này gồm: Sở chỉ huy Sư đoàn 22, Khu cố vấn Mỹ, Sở chỉ huy Trung đoàn 42, Sở chỉ huy Trung đoàn 14 thiết giáp, Tiểu đoàn xe tăng M-41, Tiểu đoàn pháo… Tổng cộng có gần 1.500 quân.

Đại tá Nguyễn Khang Đàm nhớ lại, để chuẩn bị giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh, cuối năm 1971, lực lượng trinh sát đã được lệnh triển khai công tác, chuẩn bị cho các lực lượng tấn công vào Căn cứ E42 của địch. Khi đó, ông Đàm đảm nhận vai trò Trung đội phó Trung đội trinh sát, thuộc Tiểu đoàn 28, Mặt trận B3. Đơn vị đóng quân ở vùng rừng núi Mô Rai, đi bộ hai ngày theo con đường mòn (nay đang được nâng cấp thành QL14C) mới đến Căn cứ E42 của địch.

Hàng tháng, nhiều đợt hành quân dọc QL14C về mục tiêu được tổ chức, mỗi đợt bình quân khoảng 1 tuần với nhiều nhóm trinh sát, mỗi nhóm 6-7 cán bộ, chiến sĩ. Ban đầu, anh em đặt đài quan sát từ xa, ở vòng ngoài để quan sát, sơ bộ nắm bắt tình hình. Sau đó từng bước tiếp cận mục tiêu, xác định cụ thể địa điểm, vị trí, tính toán quãng đường, thời gian… có thể tiếp cận. Từ đây địa bàn rừng núi Mô Rai, nơi có QL14C đi qua đã trở thành huyền thoại, là nôi căn cứ cách mạng, góp phần tạo nên thắng lợi của chiến dịch Đắk Tô- Tân Cảnh năm 1972.

Giao thông mở lối, rút ngắn 1/2 quãng đường lên biên giới

img
Đường mòn QL14C đoạn qua Kon Tum từ thời chiến tranh cho đến trước khi dự án được triển khai

Những ngày tháng 4 lịch sử, từ TP Kon Tum đến Mô Rai (huyện Sa Thầy) chỉ trên 100km, hiện ra trước mắt chúng tôi là một rừng cao su bạt ngàn xanh tốt. Trên các đồi cao là những rẫy mì đang bước vào mùa thu hoạch.

Một lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum kể rằng, trước đây Mô Rai như một “ốc đảo” bởi giao thông chia cắt. Từ khi Tỉnh lộ 674 được Nhà nước đầu tư xây dựng, và giờ đây thêm QL14C đang được nâng cấp và hoàn thành đã giúp Mô Rai thoát khỏi tình trạng biệt lập, từng ngày bừng lên sức sống mới...

Ông H Rách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết: “Nhờ QL14C và Tỉnh lộ 674 được đầu tư, nâng cấp, Mô Rai nay đã đổi thay nhiều rồi. Giai đoạn năm 2011 - 2019, xã đã huy động tổng các nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới được 12,179 tỷ đồng, hiện xã đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới”.

Trong khi đó, 5 năm trước, huyện Ia H’Drai được chia tách, là vùng đất biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đây là vùng đất giàu tiềm năng về đất đai, khoáng sản và tài nguyên nhưng do khó khăn về giao thông nên tốc độ phát triển bị hạn chế. Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa QL14C được người dân 3 huyện Ia H’Drai, Sa Thầy và Ngọc Hồi háo hức đón nhận.

img
QL14C - Con đường huyết mạch thuận lợi cho người dân huyện mới Ia H’Drai phát triển kinh tế - xã hội

Ông Nguyễn Hữu Thạch, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Ia H’Drai chia sẻ: Từ khi thành lập huyện, muốn về trung tâm Kon Tum, cán bộ và người dân huyện phải vòng qua Gia Lai ra TP Pleiku. Tuyến QL14C là tuyến đường huyết mạch đi qua huyện được sửa chữa, nâng cấp, rút ngắn được ½ quãng đường về tỉnh lị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Đặc biệt, Ia H’Drai có nhiều doanh nghiệp trồng cao su, có một số nhà máy chế biến mủ, bao năm nay, việc vận chuyển hàng hóa đều đi nhờ qua tỉnh Gia Lai làm tăng chi phí vận chuyển. Khi QL14C được sửa chữa nâng cấp, các phương tiện vận tải sẽ tập trung đi theo hướng từ Ngọc Hồi qua Sa Thầy, đến Ia H’Drai rồi về Gia Lai. “Khi tuyến đường được đầu tư hoàn thiện không chỉ tạo điều kiện cho buôn bán hàng hóa của người dân mà nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện. Một khi giao thông được thông suốt cũng giúp cho huyện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện”, ông Thạch hào hứng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Việc nâng cấp QL14C nằm trong chiến lược phát triển mạng lưới giao thông toàn tỉnh Kon Tum.

Hơn 10 năm trước, khi tranh thủ được vốn, ngành GTVT tiến hành đầu tư trước toàn bộ hệ thống cầu trên dọc QL14C. Sau đó, hàng năm, từ nguồn vốn trung ương, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng gần 40km (giai đoạn 2 - QL14C) qua huyện Ia H’Drai và đoạn từ trung tâm huyện Ngọc Hồi đến xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi). Đến nay, hai đoạn đường này được đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng. Khoảng hơn 60km còn lại của con đường, do chưa có nguồn vốn nên tranh thủ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ Trung ương, Sở GTVT tiến hành sửa chữa bằng mặt đường xâm nhập nhựa. Nhiều đoạn nay đã hoàn thành và phấn đấu đến cuối năm nay sẽ sửa chữa xong toàn tuyến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.