Bộ trưởng Quốc phòng 26 nước tham dự đối thoại Shangri-La |
Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu quan trọng mở đầu cho cuộc Đối thoại Shangri-La thường niên kéo dài trong 3 ngày, do Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế (IISS) tổ chức. Cuộc đối thoại năm nay thu hút sự chú ý của nhiều nước lớn như Mỹ và các nước Châu Âu trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tây Ban Nha, Đức xác nhận tham gia cuộc họp. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một Đô đốc Hải quân tới tham dự Shangri-La. Cụ thể, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm 29 quan chức và quan sát viên đến tham dự.
Có thể thấy rõ, tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ bao trùm Đối thoại Shangri-La lần này. Bởi, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên Biển Đông khiến các nước trong khu vực và trên thế giới e ngại. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, diễn đàn lần này sẽ bùng nổ nhiều cuộc tranh luận nẩy lửa giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề này.
Theo kế hoạch, trong cuộc đối thoại ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ có bài phát biểu thể hiện thái độ phản đối của Mỹ đối với hành động mở rộng, xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Về phía Trung Quốc, chắc chắn nước này chắc chắn sẽ tranh cãi quyết liệt bởi họ đã dự đoán trước và cử hẳn Đô đốc Hải quân, phòng bị sẵn sàng để đối phó với sự phản đối quốc tế về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo trái phép nhanh chóng mặt trên Biển Đông.
Hơn 1 tuần trở lại đây, Mỹ - Trung Quốc vốn đã chỉ trích nhau gay gắt vì các vấn đề liên quan tới Biển Đông. Ngay trước thềm cuộc đối thoại, ông Carter tuyên bố: Các nỗ lực xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là "lạc nhịp" với sự nhất trí trong khu vực và rằng các tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, ngày 21/5, Mỹ chỉ trích Trung Quốc 8 lần xua đuổi gay gắt máy bay do thám của nước này mặc dù họ đang bay trong không phận quốc tế. Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang âm mưu thực hiện một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, hành động của Mỹ “mang tính khiêu khích”, đồng thời kêu gọi “Mỹ cần nhanh chóng sửa chữa những sai lầm”.
Không dừng lại ở đây, mới nhất, giới chức Australia phát hiện, Trung Quốc đưa nhiều loại vũ khí ra khu vực đảo đá nhân tạo được bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Phía Australia e ngại Trung Quốc có thể đưa ra những loại vũ khí tối tân như radar tầm xa, súng bắn máy bay, máy bay do thám thường xuyên nhằm tăng cường khả năng sức mạnh quân sự ở nơi có nhiều tuyến đường vận tải thương mại bận rộn qua lại.
Hành vi này của Trung Quốc khiến không chỉ các nước có tranh chấp mà cả các nước trên thế giới như Australia và Mỹ đều vô cùng phẫn nộ. The Sydney Morning Herald (Australia) cho rằng, để “dằn mặt” Trung Quốc, Hải quân và Lực lượng không quân Australia sẽ triển khai lực lượng ra khu vực, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “tự do hàng hải” nhằm chứng minh: Australia không chấp nhận những hành vi tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc.
Trước đó ít ngày, 25/5, truyền thông Trung Quốc thông báo tổ chức lễ động thổ xây dựng phi pháp 2 ngọn đèn biển đa chức năng cao 50 mét với đường kính 4,5 mét ở đá Châu Viên và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hành động trên của Trung Quốc nhằm minh chứng cho sự thay đổi về chính sách quốc phòng của nước này được công bố trong Sách Trắng quốc phòng năm 2015. Trong đó, nước này vạch ra đường lối mở rộng vai trò quân sự, đặc biệt của lực lượng Hải quân nhằm “bảo vệ một cách hiệu quả” những lợi ích ngày càng gia tăng trên biển, bất chấp căng thẳng trên Biển Đông mà Trung Quốc gây ra. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đưa thêm nhiệm vụ “bảo vệ vùng biển ngoài khơi” vào nhiệm vụ “bảo vệ biển”. Đồng thời, không quân PLA sẽ chuyển từ tập trung vào “bảo vệ không phận” sang “cả bảo vệ và tấn công”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận