Hai phiên bản ứng dụng mới của Go-Jek tại Việt Nam và Thái Lan |
Go-Jek đến Việt Nam với cái tên Go-Viet
Go-Jek đã chính thức thông báo về việc mở văn phòng tại Việt Nam và Thái Lan, đánh dấu làn sóng mở rộng đầu tiên của công ty Indonesia ra thế giới. Tại Thái Lan, công ty này sẽ hoạt động dưới tên Get, còn tại Việt Nam, đơn vị quản lý địa phương sẽ ra mắt ứng dụng Go-Viet.
Dự kiến, hai công ty trên sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2018. Trong đó, Go-Viet bắt đầu thử nghiệm từ tháng 7 với sự tham gia của một nhóm nhỏ tài xế và khách hàng trước khi ra mắt toàn diện vào các tháng tới. Sau đó, nhãn hiệu Get sẽ được “trình làng” tại Thái Lan sau khi tham vấn với các cổ động địa phương bao gồm chính phủ, tài xế và khách hàng.
Các đơn vị doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam sẽ do các đội quản lý được thành lập tại địa phương điều hành còn Go-Jek tại Indonesia chỉ cung cấp chuyên gia, nhà đầu tư và công nghệ.
Về nền tảng công nghệ, hai ứng dụng này sẽ không có khả năng tương tác với ứng dụng ban đầu là Go-Jek. Điều này đồng nghĩa, người dùng cần phải tải các ứng dụng riêng biệt nếu muốn sử dụng dịch vụ này tại nhiều thị trường khác nhau, theo báo cáo từ trang tin công nghệ TechCrunch.
Việc không tương tác với ứng dụng ban đầu Go-Jek được cho là khá rườm rà so với Grab khi người sử dụng ứng dụng này có thể gọi ô tô hoặc xe ôm ở bất cứ thị trường nào có Grab hoạt động.
Nhưng một điểm đặc biệt giúp Go-Jek ghi dấu ấn đó là hãng này đang sử dụng công nghệ nghiên cứu có thể xử lý thông tin khoảng 2,5 triệu người dùng ở “bất cứ thời điểm nào”.
Công ty cũng sử dụng tới 300 loại tín hiệu dữ liệu bao gồm sự đúng giờ, tốc độ lái để kết hợp phương tiện với tài xế. Mỗi tài xế sẽ được xếp hạng và kết hợp dựa trên hệ thống này nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng và giảm việc tài xế hủy chuyến.
Sau thành công của Thái Lan và Việt Nam, hai thị trường tiếp theo mà Go-Jek sẽ đặt chân tới là Singapore và Philippines.
Grab sẽ có thêm đối thủ xứng tầm
Go-Jek, bắt đầu dịch vụ gọi xe qua ứng dụng điện thoại từ năm 2010 và đang cung cấp mọi dịch vụ từ giao bữa ăn đến massage, dọn phòng, tất cả nhu cầu đều có sẵn thông qua một siêu ứng dụng.
Kế hoạch mở rộng của Go-Jek sang các thị trường Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Philippines trong vài tháng tới đồng nghĩa Grab sẽ có thêm một đối thủ trong khu vực. Grab đang vận hành tại 217 thành phố ở 8 nước và có một nền tảng 100 triệu người sử dụng và hơn 3 triệu tài xế. Trong khi đó, Go-Jek ước tính có 100 triệu lượt đặt/tháng trên toàn bộ các dịch vụ.
Để chuẩn bị cho chiến lược mở rộng quy mô lớn, theo thông tin từ trang The Information, Go-Jek đang đàm phán để gọi vốn mới trị giá khoảng 1,5 tỉ USD. Vòng huy động vốn mới chưa kết thúc khi Go-Jek vẫn đang đàm phán với các công ty công nghệ lớn như: Tencent, Google, JD.com và các nhà đầu tư khác, báo cáo cho biết.
Trước đó, Bloomberg cũng đưa tin các nhà đầu tư hiện nay của công ty Indonesia bao gồm Tencent và Warburg Pincus đã đề nghị cấp thêm vốn ít nhất 1 tỉ USD để Go-Jek mở rộng ra nước ngoài.
“Go-Jek tại các thị trường nước ngoài có thể sử dụng những nhãn hiệu khác nhau nhưng sẽ hoạt động dưới cùng một hệ thống giá trị vốn đưa Go-Jek lên vị trí hàng đầu thị trường tại Indonesia. Việc mở rộng nhãn hiệu không chỉ để phát triển mà còn tìm cách tạo tác động tích cực tới càng nhiều người càng tốt”, Giám đốc điều hành, nhà sáng lập Go-Jek Nadiem Makarim nói.
Ông Makarim lý giải chiến lược của Go-Jek sẽ là sự kết hợp công nghệ với kiến thức thị trường sâu rộng cùng sự chuyên nghiệp của các đội ngũ tại địa phương để tạo ra các doanh nghiệp thực sự hiểu khách hàng nơi mình hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận