Những hoa khôi, chân dài ấy xuất sắc, mạnh mẽ trên sân, nổi tiếng nhưng lại có cuộc sống rất đơn giản.
Xinh đẹp, mạnh mẽ trên sân đấu
Thu Hoài thu hút sự chú ý bằng gương mặt rạng ngời
Tại Giải Bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2022, người hâm mộ không khỏi trầm trồ trước nét xinh đẹp của chuyền hai Nguyễn Thu Hoài (Ngân hàng Công thương).
Bước di chuyển nhanh nhẹn, những giọt mồ hôi trên trán, đôi má ửng hồng càng tôn nên vẻ duyên dáng của cô gái quê Thái Bình.
Người hâm mộ thực tế không còn lạ lẫm với Thu Hoài, một vận động viên tài sắc vẹn toàn, luôn nổi bật mỗi khi xuất hiện trên sân.
Những trận đấu có sự góp mặt của Thu Hoài, khán đài luôn đông hơn, tiếng hò reo cũng rộn ràng. Thế nên, chẳng bất ngờ khi nữ vận động viên sinh năm 1998 ẵm danh hiệu Hoa khôi của giải.
Kim Thanh sở hữu vẻ đẹp của một cô gái miền Tây
“Gây thương nhớ” không kém là chủ công Đặng Thị Kim Thanh của CLB Long An - Hoa khôi tại VTV Cup 2018. Kim Thanh sở hữu chiều cao 1m78, đôi chân dài miên man, hình thể như một người mẫu.
Việc có ngoại hình ưa nhìn không quyết định ra sân thi đấu thế nào. Tôi muốn mình được nhắc đến với tư cách một phụ công xuất sắc chứ không phải một hoa khôi bóng chuyền.
Nữ vận động viên Kim Thanh
Cô cũng đại diện cho hương sắc của phụ nữ miền Tây với làn da trắng, khuôn mặt cân đối và có nét, đôi mắt đen hiền, mái tóc dài búi cao.
Nếu như Thu Hoài mang vẻ đẹp hiện đại thì Kim Thanh là nét thuần khiết, chân chất và nền nã.
Sự nhút nhát của Thanh càng khiến cô được đồng đội và người hâm mộ yêu mến.
So với hai người đồng nghiệp, Nguyễn Việt Hương (Bộ Tư lệnh Thông tin) có vẻ đẹp góc cạnh hơn với đôi mắt đẹp biết nói cùng nụ cười tươi tắn.
Dù vậy, cô vẫn giữ được nét hiền hậu của người con gái đất Tổ Phú Thọ. Ngoài ra, Hương còn sở hữu hình thể cân đối mà thanh thoát, có gì đó khác lạ với dân thể thao.
Không chỉ gây chú ý bằng vẻ ngoài nổi bật, cả ba cô gái đều xuất sắc trong thi đấu, là những tài năng hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam.
Thu Hoài có chất quái, cảm giác bóng tốt, linh hoạt và hiệu suất chuyền bóng cao hiếm có. Cô còn có độc chiêu bay người chuyền bóng, dừng một nhịp trước khi chuyền hay bỏ nhỏ ghi điểm trực tiếp.
Cựu chuyền hai ĐTQG Đặng Thị Hồng cho rằng, Thu Hoài chính là chuyền hai xuất sắc, toàn diện nhất Việt Nam. Tuy ở CLB cô thiếu những đồng đội tốt làm bệ phóng nhưng cô vẫn cho thấy tư chất thủ lĩnh, tinh thần thi đấu tuyệt vời.
“Tôi tin Thu Hoài vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, bứt phá về mặt chuyên môn”, Đặng Thị Hồng chia sẻ.
Trái ngược với sự điềm tĩnh của Thu Hoài, Kim Thanh luôn chơi máu lửa, quyết liệt mỗi lần xung trận. HLV Lương Nguyễn Ngọc Huyền của CLB Long An đánh giá, cô học trò nhỏ có nhãn quan chiến thuật và khả năng phối hợp tấn công tốt. “Nếu nâng cao được tầm bóng, sức bật, xây dựng được cá tính mạnh mẽ hơn trong lối chơi, Thanh sẽ còn tiến xa”, ông Hiền nói.
Trong khi đó, HLV trưởng CLB Bộ Tư lệnh Thông tin Phạm Minh Dũng nhận xét Việt Hương lì và lạnh trên sân đấu, luôn chơi với tinh thần quyết thắng và nỗ lực cao độ. Điểm mạnh nổi bật của cô là cú nhảy đập bóng một chân sau đầu hiếm có trong làng bóng chuyền Việt, cùng khả năng phát bóng hóc hiểm, uy lực.
“Chúng tôi đánh giá Hương đặc biệt cao ở ý chí cùng sự bền bỉ phải nói là phi thường. Không có tố chất vượt trội, lại luôn phải đứng dưới những cái bóng quá lớn song Hương đã không ngừng phấn đấu và tiến bộ vượt bậc, để trở thành một phụ công hàng đầu Việt Nam”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Cuộc sống bình dị quanh trái bóng
Việt Hương có khoảng 20 nghìn người theo dõi facebook cá nhân
Xinh đẹp, tài năng trên sân đấu và nổi tiếng nhưng cuộc sống của ba nàng hoa khôi bóng chuyền lại rất đỗi bình dị. Thu Hoài ăn ở tập trung cùng đội ở “bản doanh” xa lắc, đều đặn ngày hai buổi ra sân tập hay chạy cả chục cây số đến lớp học đại học.
Trái ngược với bản lĩnh trên sân, ngoài đời cô vô cùng nữ tính, duyên dáng. Hoài hiện đang theo học khoa Quản trị kinh doanh của trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dù bận rộn với các chuyến tập huấn thi đấu liên miên, song chuyền hai của CLB Ngân hàng Công thương Việt Nam và ĐTQG vẫn là sinh viên giỏi, thậm chí còn gánh luôn vai lớp trưởng xuất sắc.
Thu Hoài chia sẻ: “Ngoài việc nỗ lực thi đấu tốt giúp CLB trở lại nhóm hàng đầu quốc gia, tôi muốn sẽ sớm trở thành một Thạc sỹ Quản trị kinh doanh theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và khởi nghiệp kinh doanh”.
Tôi thấy ưu điểm của nữ vận động viên so với các bạn nữ theo nghề khác là tốn ít cho quần áo, váy vóc hay mỹ phẩm. Tôi dành gần như cả ngày cho việc tập luyện, son phấn rõ ràng không phù hợp nên tôi hạn chế sử dụng dù cũng mua một chút.
Nữ vận động viên Việt Hương
Cũng chính bởi vậy, cô nàng nhất quyết không theo đuổi công việc làm mẫu ảnh hay tham gia các dự án quảng cáo dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn.
Cô gái 24 tuổi còn cho hay, bản thân cô cũng ít khi sử dụng son phấn, cô thích giữ vẻ đẹp tự nhiên và thuần khiết trong mắt công chúng. “Có thể nhiều bạn không tin nhưng tủ đồ trang điểm của tôi chỉ có vài hộp phấn dở, một hai cây son và chút tẩy trang”, Hoài bộc bạch.
Nhưng chí ít Thu Hoài còn biết trang điểm, Kim Thanh gần như nói không với mỹ phẩm, không biết làm dáng, hàng hiệu. Dù từng vài lần phải trình diễn áo dài hay áo bà ba theo yêu cầu của Ban Tổ chức các giải đấu, song cô vẫn không giấu được sự e ấp và thiếu tự nhiên.
“Thực ra, chúng tôi quanh năm ăn tập nên không có nhiều nhu cầu điệu đà. Quần áo tôi cũng chỉ có vài bộ thay đổi, mà đa phần là đồ thể thao, váy vóc là thứ khá xa xỉ”, Thanh cười nói.
Cuộc sống gắn chặt với “lò” Long An cùng những chuyến tập huấn tranh tài dày đặc, một năm, Thanh chỉ có thể mươi ngày về nhà, ở bên người thân. “Tôi sống đơn giản lắm, quanh năm suốt tháng chỉ tập luyện, thi đấu và chẳng nghĩ tới chuyện gì khác. Cũng may tôi và em gái thi đấu cùng đội nên hai chị em có người chia sẻ”.
Phần vì sinh hoạt đơn giản nên Thanh không tiêu đến tiền lương, thưởng, cô để dành toàn bộ để giúp đỡ bố mẹ. “Tết năm nay tôi có tiết kiệm được một khoản nên chỉ mong sớm được nghỉ để về nhà cùng lo Tết với bố mẹ, được ngủ nướng và thưởng thức những món ăn quê”, Thanh cho hay.
Trong khi đó, Việt Hương cũng bộc bạch, cuộc sống của cô gần như dành hết 100% cho bóng chuyền bởi cô biết mình còn phải phấn đấu thật nhiều để có thể tiếp bước các đàn chị lừng lẫy như Kim Huệ, Ngọc Hoa.
“Tôi tự nhận thấy cuộc sống của mình đơn giản, xét góc độ nào đó còn đơn điệu. Nhưng tôi hoàn toàn hài lòng với tình yêu bóng chuyền, bên các thầy cô và đồng đội. Ngoài thời gian tập luyện, thi đấu căng thẳng, tôi cố gắng thu xếp để có một chút thời gian la cà quán xá, đi chụp ảnh hoặc du lịch ngắn ngày nhằm cân bằng cảm xúc”, Việt Hương bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận