Y tế

Đối tượng F1 nào được phép cách ly tại nhà, cách thức ra sao?

23/05/2021, 15:37

Cách ly F1 tại nhà được coi là phương án dự trù khi tình hình dịch Covid-19 khó kiểm soát, quá tải cách ly tập trung.

img

Phương án cách ly y tế F1 tại nhà cần tính toán kỹ

Đối tượng F1 nào được cách ly tại nhà?

Ngày 23/5, trao đổi với PV Báo Giao thông về phương án thí điểm cách ly tại nhà với các trường hợp F1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đó là phương án dự trù. Hiện tại ở 2 địa phương Bắc Ninh và Bắc Giang, việc cách ly tập trung vẫn được thực hiện tốt.

Điển hình, tại huyện Việt Yên - nơi gọi là rốn dịch, có thể thực hiện cách ly tập trung khoảng 5 nghìn F1, tuy nhiên mới sử dụng có một nửa, vẫn còn dư địa. Hơn nữa ở Việt Yên làm rất tốt việc cách ly: Ngay ở những xã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cũng được làm chặt hơn hơn 1 bước. Cụ thể cách ly trong nhà tất cả, dịch vụ sinh hoạt được cung ứng tận từng nhà – cũng giống như cách ly tập trung, điển hình như tại thôn núi Hiểu (xã Quang Châu, Việt Yên) mà chúng tôi mới đi kiểm tra hôm qua.

Hình thức này cũng có thể lấy làm mô hình để thực hiện cách ly tập trung tại nhà cho các F1. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch chi tiết và đó là phương án dự phòng khi dịch lan rộng”.

Về phương án cách ly F1 tại nhà, một chuyên gia y tế cũng cho là cần thiết nếu trong bối cảnh quá tải các khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, phải đảm bảo các yếu tố an toàn khi cách ly tại nhà.

Theo chuyên gia này, cần tuân thủ 4 nguyên tắc như: Thứ nhất, người dân phải được trang bị kiến thức kỹ lưỡng về dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn, xuất bắt buộc F1 cách ly tại nhà phải ký cam kết không vi phạm quy định.

Thứ hai, người cách ly phải có cơ sở vật chất đủ rộng, nhà nhiều phòng khép kín, cách biệt với các nhà xung quanh.

Thứ ba, khi gia đình có thành viên là F1 thì những người còn lại đương nhiên là F2 (diện cách ly tại nhà) nên cần được trang bị kiến thức phòng tránh dịch, sinh hoạt hàng ngày an toàn, chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình cách ly mua sắm nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt...

Thứ tư, tất cả gia đình đăng ký cách ly tại nhà phải lắp camera giám sát 24 giờ. Người nào tự ý ra khỏi nhà, vi phạm quy định thì xử lý hình sự. Đồng thời, trong thời gian cách ly tại nhà, các thành viên gia đình phải được xét nghiệm Covid-19, tối thiểu ba lần như quy định với người cách ly tập trung.

img

Tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho công nhân các khu công nghiệp ở Việt Yên, Bắc Giang

Tuyệt đối không để ngộ độc thực phẩm trong khu cách ly

Theo ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, hiện Bộ Y tế đã hỗ trợ giúp tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh xây dựng phương án chi tiết cho khu cách ly tập trung. Đây là một trong những việc làm đóng vai trò then chốt góp phần chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.

Tính tới ngày 23/5, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã có 1 tuần căng mình làm việc tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Theo đánh giá sơ bộ của đoàn công tác, tình hình dịch bệnh tại 2 địa phương này đang trong tầm kiểm soát.

Theo ông Nam, từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch tại một số tỉnh thành trước đó như Đà Nẵng, Hải Dương, ngay khi nhận được lệnh từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ phận thường trực đặc biệt đã ngay lập tức hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể cho phương án cách ly. Bởi lẽ, nếu không có kế hoạch ngay từ đầu khi thực hiện cách ly đông và tập trung sẽ rất lúng túng, thậm chí là mất kiểm soát.

Bên cạnh đó ông Nam nhấn mạnh cần phải đặc biệt chú ý tới vấn đề ăn uống, nguồn thực phẩm cung cấp cho khu cách ly. “Trong khu cách ly tuyệt đối không được để xảy ra ngộ độc thực phẩm”, ông Nam nói.

Để đảm bảo an toàn trong khu cách ly, tránh lây chéo, Bộ yêu cầu cả hai địa phương này cần phải giám sát chặt chẽ, chỉ đạo một cách quyết liệt việc thực hiện giảm mật độ tối đa trong khu cách ly. Đảm bảo nguyên tắc cán bộ y tế và quân đội chỉ khử khuẩn không gian bên ngoài, còn tại các phòng cách ly, phải chuẩn bị cây lau, chậu, hoá chất để người trong phòng tự vệ sinh.

“Để có thể phòng, chống dịch thành công, chúng ta cần hiểu rõ bản chất và nắm rõ tình hình càng chi tiết, cụ thể càng tốt. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tất cả mọi phương án và luôn đặt mình ở vị thế chủ động, bình tĩnh để ứng phó”, ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ phận thường trực Bộ Y tế đã hỗ trợ 2 tỉnh này thành lập các tổ công tác, đội phản ứng nhanh tại các khu cách ly để giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ. Khi hệ thống chân rết này hoạt động một cách nghiêm túc, quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ luôn được khống chế, kiểm soát trong trạng thái tốt nhất.

Để làm tốt nhiệm vụ được phân công, nhóm kiểm tra, giám sát khu vực cách ly (thuộc Bộ phận thường trực Bộ Y tế) do ông Dương Chí Nam quản lý thường xuyên kiểm tra đột xuất công tác thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch trong các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, tạo một mạng lưới thống nhất giữa Bộ phận thường trực đặc biệt với các tổ công tác địa bàn nhằm nắm bắt thông tin, thực trạng qua đó góp ý, chấn chỉnh để cơ sở làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch.

Tính đến trưa 23/5, Bắc Ninh ghi nhận 448 ca mắc và Bắc Giang 862 ca mắc mới trong đợt dịch này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.