Nhưng điều đáng nói là đoàn quân áo đỏ đang có dấu hiệu đạt ngưỡng, không thể bứt lên về mặt chuyên môn.
Đội tuyển Việt Nam dường như đang đi vào lối mòn cả về nhân sự lẫn lối chơi . Ảnh: Leo Thuật
Đội tuyển Việt Nam đã chạm giới hạn?
Tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam đã đá hai trận và phải nhận hai thất bại trước Ả Rập Xê Út (1 - 3) và Australia (0 - 1). Đây đều là những kết quả không bất ngờ.
Tinh thần của các cầu thủ áo đỏ rất đáng khen bởi sự quả cảm. Tuy nhiên, thực tế thày trò ông Park đang cho thấy một lối mòn trong cách chơi. Từ đó dẫn tới việc đội tuyển Việt Nam không thể vượt qua giới hạn của chính mình.
Giới hạn của nhà vô địch AFF Cup 2018 hiểu một cách đơn thuần chính là việc lọt tới vòng loại cuối kỳ World Cup trên đất Qatar.
Tại đây, đa phần đối thủ đều trên tầm, mạnh hơn về thể chất, tư duy chiến thuật khiến các học trò ông Park luôn ở trong tình trạng căng mình ra đá. Việc có nhiều cầu thủ bị chấn thương xuất phát từ nguyên nhân này, nhất là khi V-League 2021 đã bị hủy.
Tổng thể là vậy, còn nếu xét chi tiết, giới hạn của đội tuyển Việt Nam tới từ chất lượng đội hình.
Cụ thể, suốt 4 năm qua, gần như đội tuyển chơi với những con người đang chơi, việc bổ sung nhân tố mới có diễn ra nhưng không đáng kể và cũng chỉ từ nguồn U22 Việt Nam.
Ngoại trừ Tấn Trường, gần như chưa có bất kỳ cái tên mới toanh nào được ông Park trao cơ hội ra sân ở đội tuyển.
HLV Nguyễn Đức Thắng cho rằng, với những con người như hiện tại, đội tuyển Việt Nam không thể có sự đột phá: “Khi có bàn thắng, chúng ta không thể bảo vệ khung thành. Khi cần bàn thắng chúng ta không có những phương án tấn công hiệu quả. Rõ ràng đã đến lúc đội tuyển cần thay đổi”.
Thực tế, không cần phải tới Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ngay từ Vòng loại thứ 2, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện sự thiếu ý tưởng.
Đoàn quân áo đỏ gặp nhiều khó khăn khi đối đầu Malaysia hay Thái Lan, những đối thủ ngang tầm trong khu vực. Việc bị UAE quần thảo ở lượt trận cuối vòng 2 càng cho chúng ta thấy nhu cầu về sự thay đổi.
Về mặt lối chơi, đoàn quân áo đỏ cũng không có sự cách tân nào đáng kể khi phụ thuộc nhiều vào tấn công biên, sự cơ động của hai hậu vệ cánh cũng như tiền đạo cánh.
Các đối thủ đã nghiên cứu rất kỹ cách đá này và đương nhiên dễ dàng đưa ra phương án hóa giải.
Cái khó bó cái khôn?
Theo cựu danh thủ Dương Hồng Sơn, cách xây dựng con người, lối chơi như hiện tại của đội tuyển Việt Nam chỉ phù hợp với sân chơi khu vực, trước các đối thủ ngang cơ hoặc yếu hơn. Còn trước các đối thủ mạnh, rõ ràng chúng ta đã bộc lộ những hạn chế.
“Đội tuyển Việt Nam cần sự phá cách, táo bạo khi ra sân chơi lớn. Chỉ thay đổi mới giúp chúng ta học hỏi thêm những cái mới. Theo tôi, đội tuyển nên chuẩn bị lớp kế cận, những nhân tố mới có tiềm năng. Tuyển Đức hay các đội bóng châu Âu họ thường xuyên có cầu thủ 18, 19 tuổi ở đội hình, chúng ta cũng có thể làm như vậy. Cầu thủ trẻ được chơi cùng đàn anh, cọ xát ở các giải đấu đẳng cấp cao sẽ tiến bộ rất nhanh”, ông Sơn nêu quan điểm.
Qua hai trận đấu, tinh thần của cầu thủ là rất đáng khen, có thể nói các bạn ấy đã chơi với hơn 100% sức lực. Nhưng rõ ràng tuyển Việt Nam đã bị nghiên cứu kỹ, bắt bài. Cộng thêm việc thua kém thể hình, thể lực, kỹ chiến thuật nên chúng ta không thể kiểm soát trái bóng.
Cựu danh thủ Dương Hồng Sơn
Tuy vậy, ông Sơn cũng nhấn mạnh, quá trình gây dựng nhân tố trẻ cần phải đánh đổi, có thể là sự chệch choạc hay sàng lọc liên tục nhưng không thể vì thế mà không làm.
“Lứa cầu thủ hiện tại chinh chiến được khoảng 4 - 5 năm nữa nhưng sau đó thì cần có sự tính toán”, Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 chia sẻ.
Bình luận viên Vũ Quang Huy thì khẳng định, đúng là đội tuyển cần thay đổi và ông Park cũng hiểu điều này nhưng không có đủ điều kiện để thực hiện: “Suốt thời gian qua, các giải quốc nội hoãn rồi hủy, cơ sở nào để đánh giá cầu thủ chơi hay, chơi dở? Chính vì thế, ông Park vẫn chọn đặt niềm tin vào bộ khung cũ. Bản thân ông Park băn khoăn nhiều về việc cách tân lối chơi cho đội tuyển nhưng dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn mọi kế hoạch chuẩn bị nên vẫn đành chấp nhận cách chơi cũ. Nói là vậy nhưng mỗi giai đoạn ông Park đều xoay xở để có những nhân tố quen mà lạ. Ví dụ như Hoàng Đức ở vị trí tiền vệ trung tâm hay Thành Chung chơi trung vệ. Cả hai đều tiến bộ vượt bậc ở hai trận đấu đã qua”, ông Huy nhận xét.
Ngoài ra, ông Huy cũng nhìn nhận, rất khó để các cầu thủ khác chen chân được vào đội hình chính của tuyển Việt Nam.
“Đội tuyển hiện tại là tập hợp của lứa Công Phượng, Xuân Trường và lứa U20 World Cup, tất cả đang ở giai đoạn chín của sự nghiệp, độ tuổi dao động từ 23 - 26. Họ cũng đều tới từ những CLB mạnh như Hà Nội FC, Viettel, HAGL. Các cá nhân khác muốn có suất thì phải thực sự nổi bật”, ông Huy cho biết thêm.
Nói là thế nhưng vị bình luận viên kỳ cựu cũng tin rằng thời gian tới, HLV Park Hang-seo có thể cài cắm thêm cho đội tuyển Việt Nam một số cái tên tiềm năng từ lứa U22 đang hội quân chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận