Bóng đá

Đội tuyển Việt Nam có nên “ôm” cả 2 mục tiêu lớn?

12/05/2020, 16:00

Cuối năm 2020, đội tuyển Việt Nam sẽ tham gia 2 giải đấu quan trọng là hoàn tất Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á và AFF Cup 2020.

img
Đội tuyển Việt Nam sẽ có khoảng thời gian cuối năm bận rộn

Lịch thi đấu của hai giải này diễn ra liền nhau và hứa hẹn sẽ khiến đoàn quân áo đỏ gặp nhiều khó khăn.

Lúc chơi dài, lúc vắt chân lên cổ

Theo lịch ban đầu, bốn lượt trận còn lại của Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ diễn ra trong tháng 3 và tháng 6/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã quyết định lùi thời gian tổ chức tới cuối năm 2020. Dự kiến, các trận đấu sẽ diễn ra trong tháng 10 và tháng 11.

Tuy nhiên, tháng 11 cũng là thời điểm sẽ diễn ra AFF Cup 2020 - giải đấu danh giá nhất Đông Nam Á. Điều này đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam rơi vào tình trạng không có hoạt động trong phần lớn thời gian trong năm nhưng lại quá bận rộn vào thời điểm cuối năm. Lần đầu tiên trong lịch sử, đoàn quân áo đỏ đối diện với lịch thi đấu khắc nghiệt như vậy.

Ngoài lịch thi đấu, thày trò HLV Park Hang-seo còn khó có sự chuẩn bị tốt nhất do V-League 2020 chưa thể trở lại khiến các kế hoạch nhân sự ảnh hưởng ít nhiều. Bên cạnh đó, việc V-League 2020 phải hoàn thành trong khoảng thời gian chỉ trên dưới 4 tháng cũng sẽ tác động nhiều tới thể lực các tuyển thủ quốc gia. Đó là chưa kể tới việc các đối thủ lớn như Malaysia, Thái Lan đều có sự chuyển mình mạnh mẽ. Ngược lại, HLV Park Hang-seo vì nhiều lý do khác nhau khó tập hợp được lực lượng thiện chiến nhất.

Trước bối cảnh trên, cộng thêm việc Thái Lan tuyên bố có thể cử đội U23 dự AFF Cup 2020, nhiều ý kiến cho rằng, đội tuyển Việt Nam không nên ôm đồm cả hai đấu trường, chỉ nên dồn sức cho một mặt trận. Tuy nhiên, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh khẳng định: “Chúng tôi vẫn đặt mục tiêu cao nhất gồm vô địch AFF Cup 2020 và vào vòng loại thứ ba World Cup 2020”.

Đồng quan điểm, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn cho rằng, không nên đặt vấn đề coi nhẹ giải nào. “Nên nhớ đây là đội tuyển quốc gia, bộ mặt của cả nền bóng đá, không thể nói là phải giữ cái này, bỏ cái kia. Mọi giải đấu chúng ta đều phải quyết thắng. Đội tuyển Việt Nam cần vô địch AFF Cup 2020 để khẳng định sự thống trị trong khu vực, đội tuyển cũng cần tấm vé đi tiếp tại vòng loại World Cup để tạo ra một bước phát triển mới”.

Bình luận viên Vũ Quang Tùng cũng nhìn nhận, rất khó để nói giải nào quan trọng hơn giải nào. “Cả hai giải đấu tuyển Việt Nam đều cần. Ở vòng loại World Cup, chúng ta đang có cơ hội lớn lần đầu lọt tới vòng loại cuối cùng. Ở AFF Cup 2020, Việt Nam đang là nhà đương kim vô địch, lại sở hữu dàn cầu thủ ở độ chín, đã chơi cùng nhau nhiều năm nên chẳng có lý do gì để không chơi hoành tráng”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, trong bóng đá chuyên nghiệp, không đội bóng nào tuyên bố trước ngày bóng lăn là tôi bỏ giải này hay chơi cầm chừng ở giải kia. “Ta thấy các đội bóng châu Âu chẳng hạn, mỗi mùa giải họ luôn tham dự rất nhiều đấu trường và đấu trường nào họ cũng rất quyết tâm. Tất nhiên, khi đã cố gắng hết khả năng mà vẫn thất bại thì là chuyện khác”, ông Tùng lấy ví dụ.

Thành bại ở khâu nhân sự

Nếu chiếu theo những ý kiến ở phần đầu bài viết, việc đội tuyển Việt Nam hạ mục tiêu ở một trong hai giải đấu vào cuối năm gần như sẽ không xảy ra. Dẫu vậy, một thực tế khác cần thừa nhận, việc tham gia hai giải đấu gần nhau, với yêu cầu cường độ, trình độ cao nhất là thách thức lớn cho đội tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, theo cựu danh thủ Dương Hồng Sơn, người hâm mộ không nên quá lo lắng cho hành trình của thày trò ông Park. “Thứ nhất, không phải riêng chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều quốc gia trong khu vực còn chịu tác động nặng nề hơn. Thứ hai, chúng ta đã định hình được lối chơi chắc chắn, hiệu quả. Thứ ba, theo đánh giá của cá nhân tôi, mật độ thi đấu khoảng 10 trận trong vòng 2 tháng là chấp nhận được. Chỉ cần có sự tính toán hợp lý về mặt nhân sự, đội tuyển Việt Nam đủ sức hoàn thành mục tiêu đề ra”, cựu thủ môn tuyển Việt Nam phân tích.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, cơ bản nhất nếu muốn hướng tới thành công ở cả hai đấu trường trên là vấn đề nhân sự. “Thông thường, mỗi giải đấu cấp đội tuyển thì sẽ cần khoảng 23 cầu thủ trong biên chế cứng. Tuy nhiên, tuyển chọn cho hai giải đấu liền nhau thì sẽ cần con số lớn hơn, mở rộng phạm vi lựa chọn. Dù không thể đăng ký quá số lượng nhưng giữa hai giải đấu chúng ta dễ bề điều chỉnh, bổ sung và thanh lọc”, ông Tùng nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo bình luận viên này, cái khó là lực lượng kế cận của đội tuyển không quá dồi dào. “Nhưng đừng quên V-League chưa diễn ra, quá trình giải quốc nội khởi tranh cũng sẽ đem đến nhiều gợi ý cho HLV Park Hang-seo. Nhà cầm quân Hàn Quốc có thể sử dụng những phương án nhân sự ngắn hạn trong một trận hoặc một vài trận nhằm giảm tải cho các trị trí chủ chốt. Số này có thể là cầu thủ trẻ triển vọng, cầu thủ lớn tuổi có kinh nghiệm hay cả những cái tên từng khoác áo tuyển”, ông Tùng cho hay.

Trong khi đó, theo Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh, VFF và HLV Park Hang-seo sẽ có sự chuẩn bị chu đáo nhất cho hai chiến dịch lớn của bóng đá Việt Nam vào cuối năm. Mặc dù vậy, do thời gian còn dài, cộng thêm tình hình các đối thủ cũng chưa xác định được nên HLV Park vẫn đang nghiên cứu. “VFF chỉ lo về hậu cần, các thủ tục, giấy tờ còn mọi tính toán nhân sự, chiến thuật vẫn do HLV Park Hang-seo quyết định. Tôi tin rằng, ở mỗi giải đấu, ông Park sẽ có sự bố trí lực lượng tham dự đảm bảo hiệu quả cao nhất”, ông Hoài Anh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.