Báo Sputnik cho hay, tại thao trường Alabino (ngoại ô thủ đô Moscow), đội tuyển xe tăng Việt Nam đã giành phần thắng trong lượt đấu bán kết đầu của bảng 2 trong giải thi đấu Tank Biathlon 2019.
Ngày 11/8, tại thao trường Alabino đã tổ chức cuộc đua tiếp sức bán kết đầu tiên giữa các đội tuyển bảng 2 tham gia Tank Biathlon. Đội Việt Nam đã so tài với các đối thủ đến từ Myanmar, Uganda và Tajikistan.
Cuộc thi đấu theo thể thức tiếp sức là một nhiệm vụ khó khăn. Cả bốn đội đã cố gắng hết sức mình để giành phần thắng.
Trang báo Nga lưu ý rằng, cuộc thi đấu tiếp sức trong vòng bán kết giải Tank Biathlon khác hẳn với cuộc đua cá nhân.
Tất cả ba kíp lái của mỗi đội đều tham gia thi đấu trên một chiếc xe tăng. Họ được phép thay đổi chiếc xe một lần. Mỗi đội tuyển phải vượt qua đường đua với tổng chiều dài 50 km.
Tất cả các đội xuất phát cùng một lúc. Mỗi kíp lái trong đội tuyển bao gồm ba kíp phải vượt qua bốn vòng đua, mỗi vòng đua đều có nhiệm vụ riêng.
Vòng đầu, chỉ huy xe tăng bắn súng máy phòng không 12,7 mm. Vòng thứ hai, xạ thủ bắn súng máy đồng trục 7,62mm. Vòng thứ ba chỉ là cuộc đua tốc độ cao, người lái phải tự tin di chuyển chiếc xe nặng 46 tấn. Vòng thứ tư,xe tăng hành tiến bắn 3 mục tiêu (tổng số mục tiêu là 24).
Trên mỗi vòng đua, xe tăng phải vượt qua mà không va vấp các chướng ngại vật như đường dích dắc, sông cạn, dốc cao, hào chống tăng, bãi mìn, cầu vệt bằng, vật cản gồ ghề, vách đứng, vách nghiêng.
Sau khi vượt qua 4 vòng đua, kíp lái chuyển chiếc xe tăng cho kíp khác. Đối với kíp xe tiếp theo, thứ tự thực hiện các nhiệm vụ có thể khác nhau.
Không phải mọi thứ đều suôn sẻ
Kíp lái thứ nhất đại diện cho đội tuyển tăng Việt Nam bao gồm Trưởng xe, Đại úy Nguyễn Kiều Hưng, pháo thủ, Trung úy Phan Anh Tuấn và lái xe Thiếu úy Hoàng Mạnh Tuấn.
Chiếc xe tăng màu đỏ ngay lập tức lao về phía trước, vượt qua cây cầu, dốc cao, hào chống tăng. Ở vòng đua đầu tiên, chỉ huy Nguyễn Kiều Hưng đã khéo léo bắn trúng mục tiêu bằng súng máy phòng không (12,7 mm).
Xạ thủ Phan Anh Tuấn bắn trúng các mục tiêu bằng súng máy đồng trục (7.62 mm). Sau đó, lái xe Hoàng Mạnh Tuấn tiến lên cực nhanh đi qua vòng thứ ba.
Tuy nhiên, ở vòng đua thứ tư, đội Việt Nam đã gặp trục trặc với việc bắn súng; kíp xe đã yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật và sau khi nhận được sự gíúp đỡ, đã bắn chính xác. Kíp xe số 1 của Uganda cũng vấp phải vấn đề kỹ thuật, còn tổ lái Myanmar đã nhận điểm phạt dừng pit stop.
Mặc dầu vậy, tổ lái của Myanmar về đích đầu tiên, đội Việt Nam đứng thứ hai. Sau đó tham gia cuộc đua tiếp sức là tổ lái của Trưởng xe Đại úy Trần Thanh Long.
Chiếc xe tăng màu đỏ rất tự tin vượt qua gần như toàn bộ đường đua với tốc độ trung bình 33 km/giờ. Tuy nhiên, ở vòng đua thứ 4, kíp lái chỉ bắn hai lần và một lần nữa yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Kết quả là, họ đã phải chạy một vòng phạt.
Trong khi đó, trên đường đua xảy ra một sự cố nghiêm trọng. Chiếc xe tăng màu vàng của Tajikistan đã chạy cắt mặt chiếc xe tăng màu xanh lá cây của Uganda (vi phạm quy tắc tay phải mà bất kỳ người lái xe nào đều biết), đã bị thiệt hại, sau đó vượt qua một nửa vòng và dừng lại.
Đội Tajikistan chĩa nòng súng phía khán đài
Và ở đây, tổ lái Tajikistan đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc an toàn: họ đã chĩa nòng súng về phía khán đài chứ không phải về phía mục tiêu.
Đội Tajikistan ngay lập tức bị loại khỏi giải Tank Biathlon. Một lát sau, chiếc xe tăng của Myanmar đã va vào chiếc xe tăng của Uganda, và cũng bị đe dọa bị loại.
Nhưng, Thiếu tướng Roman Binyukov trọng tài của cuộc thi Tank Biathlon, đã quyết định cho phép đội Myanmar kết thúc cuộc đua. Còn chiếc xe tăng của Nigeria bị thiệt hại không thể vượt qua cây cầu, đã dừng lại và tổ lái buộc phải yêu cầu thay đổi xe tăng. Rõ ràng là đội châu Phi rất lo lắng, do dự trước dốc, đã nhận điểm phạt dừng pit stop vì việc này.
Chiếc T-72B3 màu đỏ
Và chiếc T-72B3 màu đỏ vẫn tiến lên phía trước. Lái xe, Thiếu úy Chu Văn Tùng, chuyển chiếc xe tăng cho tổ lái thứ ba dưới sự chỉ huy của Đại úy Trần Việt Hải. Khi Chu Văn Tùng lên khán đài thì các đồng đội của anh và những lính tăng từ nước láng giềng Lào đã vỗ tay đón chào sĩ quan Việt Nam.
Tổ lái thứ ba của đội tuyển Việt Nam gồm đại úy Trần Việt Hải (chỉ huy), trung úy Nguyễn Anh Tuấn (xạ thủ pháo) và Nguyễn Tiến Chiến (lái xe) có thành tích nhỏ hơn so với hai tổ lái trước.
Họ lái xe khá cẩu thả (va vào một cây cột trên dốc) và bắn không chính xác: bắn không trúng cả với súng máy 7.62 mm và súng máy phòng không 12,7 mm.
Kết quả là tổ lái có ba điểm phạt! Tuy nhiên, thành công của hai tổ lái đầu tiên đã mang lại kết quả: chiếc xe tăng màu đỏ đã về đích với kết quả 2 giờ 44 phút 28 giây, hạ tổng cộng 14/24 bia, và những người đồng hương reo hò cỗ vũ đội tuyển Việt Nam. Chiếc xe tăng Việt Nam về đích một lát sau Myanmar.
Tuy nhiên, trong cuộc đua Tank Biathlon, tổ lái về đích đầu tiên không phải lúc nào cũng trở thành người chiến thắng. Đội tuyển Myanmar bị thất bại do sự phấn khích.
Tổ lái thứ ba của họ không trúng một mục tiêu nào và do đó kiếm được tám vòng phạt, kết quả là 3 giờ 23 phút 35 giây. Về số mục tiêu bị bắn trúng 11/ 24 bia, đội Myanmar cũng thua Việt Nam.
Kết quả là ban giám khảo của Tank Biathlon đã thông qua quyết định: đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trong lượt đấu bán kết đầu của bảng 2 Tank Biathlon! Uganda ở vị trí thứ hai với kết quả là 3 giờ 02 phút 35 giây. Myanmar đứng thứ ba.
Rõ ràng là tại Tank Biathlon 2019 lính tăng Việt Nam đạt thành tích xuất sắc. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về những đội bảng 2 sẽ lọt vào vòng chung kết.
Vào thứ ba, ngày 13 tháng 8, sẽ tổ chức cuộc đua tiếp sức bán kết thứ hai của bảng 2 với sự tham gia của các đội Uzbekistan, Cuba, Kuwait và Lào.
Theo kết quả của cuộc thi này, ban giám khảo sẽ xác định những đội tham gia cuộc đua cuối cùng vào ngày 15 tháng 8, lúc 15:00 giờ Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận