Một số ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất huy động để cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định - Ảnh: Lã Anh |
Điển hình như Ngân hàng Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%; Maritimebank tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ mức 5,05% lên 5,2%/năm…
Tuy nhiên, trích dẫn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, đến ngày 20/2 tăng trưởng cho vay toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 1,23% so với cuối năm ngoái nhưng tổng phương tiện thanh toán (M2) cũng đạt 1,87% và tăng trưởng huy động đạt 1,03%. Theo ước tính của BVSC, hiện thanh khoản đang khá dồi dào với con số dư ra khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Ngay cả khi trừ đi một phần tiền các ngân hàng đổ vào vào mua trái phiếu thì số dư thanh khoản vẫn hơn 60 nghìn tỷ đồng.
Sớm có gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp Công nghệ cao Tại hội nghị Thượng đỉnh Tài chính toàn diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đề nghị ngành ngân hàng dành riêng một gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để khuyến khích khởi nghiệp và ứng dụng khoa học công trong nông nghiệp. NHNN sẽ phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu xem xét đề xuất trên trong thời gian tới. |
Mặc dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng dư tiền mà số dư này chỉ tập trung ở các ngân hàng có quy mô lớn và nằm trong top đầu. Còn các ngân hàng nhỏ thì lại rơi vào tình cảnh khó khăn. Điều này giải thích vì sao một số ngân hàng lại tăng lãi suất như đề cập ở trên.
Ngoài việc thiếu vốn cục bộ, áp lực tăng lãi suất còn đến từ Thông tư 06 (giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017). Điều này khiến các ngân hàng phải tăng huy động để cân bằng và cơ cấu lại nguồn vốn đúng quy định, đặc biệt là những ngân hàng trót “quá tay” dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Thậm chí, với một số ngân hàng do không phải chịu áp lực này nhưng muốn tiếp tục tăng trưởng tín dụng (nhất là với những ngân hàng xác định trọng tâm lợi nhuận từ tín dụng) thì vẫn phải lựa chọn tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn hoặc tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn để làm tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Do đó, dù chọn cách nào thì cũng đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài.
Bên cạnh yếu tố lạm phát, như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã phân tích trước đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD cũng cũng gây áp lực lên lãi suất VND, đưa cơ quan quản lý vào lựa chọn hoặc tăng lãi suất huy động USD để tránh vốn chảy ra ngoài. Đồng thời, tăng lãi suất VND để vốn không chảy sang USD. FED dự kiến còn hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, do đó, áp lực này lên VND sẽ vẫn còn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận