Loạt du thuyền liên tục cập bến Việt Nam
Ngay từ đầu năm 2024, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) đã liên tục đón nhiều du thuyền lớn cập bến, đưa hàng chục nghìn du khách từ khắp các nơi trên thế giới tới Việt Nam.
Dịp tết Dương lịch, cảng đón 2 siêu tàu du lịch với hơn 3.700 du khách châu Âu, Mỹ còn dịp năm mới Giáp Thìn 2024, cảng đón 5 chuyến tàu với hơn 20.000 lượt khách. Trong đó, tàu biển Zhao Shang Yi Dun, tàu du lịch cao cấp được ví như khách sạn nổi trên đại dương của Trung Quốc chở 600 du khách đến từ Trung Quốc cập cảng vào ngày mùng 4 Tết. Đây là con tàu khai thác hải trình Thâm Quyến - Hạ Long từ tháng 11/2023, với tần suất trung bình 4 lần/tháng.
Theo đại diện cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, trong năm 2024, đã có hơn 60 chuyến tàu biển du lịch đăng ký đặt lịch trước. Ngoài mùa cao điểm du lịch tàu biển (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), đã có những tàu đặt lịch cả vào mùa hè (mùa thấp điểm). Đây được coi là tín hiệu tích cực để du lịch tàu biển có thể diễn ra bốn mùa.
Không chỉ Hạ Long, từ đầu năm 2024, nhiều cảng biển từ miền Trung tới miền Nam cũng liên tục có du thuyền ghé thăm như các cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Cảng Sài Gòn (TP.HCM), Bà Rịa - Vũng Tàu....
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết qua 4 năm, du lịch tàu biển đang có tín hiệu hồi phục tốt. Thực tế, tín hiệu này bắt đầu từ năm 2022.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, số lượng hành khách thông qua cảng biển tháng đầu năm 2024 đạt 504.000 lượt. Trong đó, lượt khách quốc tế đạt 168,4 nghìn lượt.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc phát triển du lịch biển, có đường bờ biển dài, cảnh quan đẹp và nhiều cảng dọc đất nước đều có thể đón được tàu du lịch. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế, tạo ra điểm đến ưa thích của du khách vẫn là bài toán không đơn giản.
Phát triển hạ tầng, hài hòa lợi ích
Đại diện cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cho biết, cảng luôn sẵn sàng nguồn nhân lực, vật lực, cầu bến để đón tàu. Tuy vậy, khách du lịch không chỉ đến mỗi cảng mà còn cần các sản phẩm du lịch. Điều này cần sự chung tay của chính quyền, các doanh nghiệp lữ hành, truyền thông quảng bá về điểm đến Việt Nam ở bình diện quốc gia.
Về lâu dài, cảng biển phải như cảng hàng không, đón tàu biển du lịch phải giống như đón máy bay, từ đó mới có thể tăng thị phần của loại hình này, giúp Việt Nam trở thành điểm đến cho tàu biển.
"Việt Nam cũng cần phát triển thêm các cảng homeport (cảng khởi hành) để thu hút các hãng tàu du lịch lớn hoạt động. Có cảng homeport, hành khách có thể xuất phát trực tiếp từ cảng của Việt Nam, không phải di chuyển qua Hồng Kông hay Singapore", đại diện cảng tàu khách quốc tế Hạ Long nói và cho rằng, hiện nay, hầu hết cảng đón khách đều là cảng lưỡng dụng nên khó để có chất lượng dịch vụ hạ tầng tốt nhất.
Khách du lịch đi chung cảng với tàu hàng rất bất tiện, bởi khách du lịch tàu biển là dòng khách hạng sang, trong khi cảng tàu hàng thường bụi bặm, nhếch nhác.
Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng cho biết thêm, trong bối cảnh hành khách phải dùng cảng tàu hàng, cần những cơ chế hợp tác tối ưu để ưu tiên tàu du lịch, tạo điều kiện thông thoáng, an toàn, an ninh, vệ sinh nhất cho khách du lịch.
"Một số cảng không có nguồn thu nhiều từ tàu du lịch nên chỉ ưu tiên tàu hàng. Nếu chỉ để các cảng quyết định, doanh nghiệp cảng có thể sẽ vì lợi ích riêng mà không ưu tiên cho tàu du lịch, sẽ khiến Việt Nam bị mất điểm đến trên hành trình của các du thuyền. Cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan để giải quyết hài hòa lợi ích", ông Dũng nói.
Chia sẻ của một lãnh đạo cảng Đà Nẵng, 95% doanh thu của cảng Tiên Sa tới từ tàu hàng. Tàu du lịch chỉ mang lại nguồn thu khoảng 5%.
Do đó, để nắm bắt cơ hội với tàu du lịch mà vẫn đảm bảo nguồn thu từ việc làm hàng, hài hòa các yếu tố, nhiều cảng đang định hướng đầu tư nâng cấp hạ tầng, chất lượng dịch vụ cảng.
Theo quy hoạch, tới năm 2030, cảng Tiên Sa sẽ chuyển đổi thành cảng du lịch nên hiện nay, trong tiến trình chuyển đổi, cảng cũng có sự đầu tư để đáp ứng cho tàu du lịch như ưu tiên đón tàu khách. Tàu khách vào cảng sẽ được chọn ngày, chọn bến. Hạ tầng giao thông cũng được cải thiện, đầu tư xe điện, phân luồng tuyến.
Trong khi đó, cảng Chân Mây cũng nâng cao năng lực đón tàu du lịch, bổ sung công năng đón tàu khách cho bến số 2 để giảm tải cho bến số 1 và có thể đón 2 tàu khách cùng một lúc; Đề nghị cơ quan chức năng bố trí điểm đỗ cho các xe ô tô đón khách dọc tuyến đường trước cảng.
Dịp tết Nguyên đán vừa qua, tàu biển du lịch 5 sao Dream Cruise đưa hơn 1.800 khách du lịch cập cảng Tiên Sa, tham quan Đà Nẵng. Dự kiến trong năm 2024, Tiên Sa sẽ có 45 chuyến tàu du lịch cập cảng. Tại Thừa Thiên - Huế, cảng Chân Mây cũng có tàu du lịch quốc tế Celebrity Solstice "xông đất", chở theo 2.816 khách du lịch đến từ nhiều quốc gia cùng 1.188 thuyền viên. Dự kiến năm 2024, Chân Mây sẽ đón khoảng 30 lượt tàu với 47.987 hành khách và 18.718 thuyền viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận