Học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn về kỳ thi chung - Ảnh: Lã Anh |
Ngoại ngữ chờ... hướng dẫn
Tại cuộc họp phổ biến Quy chế kỳ thi Quốc gia 2015 ngày 3/3, đại diện các trường THPT dồn dập đề nghị đại diện Bộ GD&ĐT giải đáp những điểm chưa rõ về kỳ thi chung.
Cô Nguyễn Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai (Hà Nội) băn khoăn, không biết tổ chức các cụm thi thế nào, trường dạy song ngữ thì học sinh có được chọn ngoại ngữ hai để thi? Hiệu trưởng một trường THPT khác thắc mắc về thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi; Thời gian xét tuyển ĐH, CĐ; Vấn đề bảo lưu kết quả thi...
Về môn thi Ngoại ngữ, học sinh học ngoại ngữ một là Anh và hai là tiếng Đức, có được phép lựa chọn ngoại ngữ hai để tham gia dự thi hay không; Trường dạy tiếng Anh nhưng học sinh lại học khá tiếng Trung có được đăng ký thi tiếng Trung hay không.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngoài đối tượng được miễn giảm thi bộ môn ngoại ngữ khi đã có chứng chỉ quốc tế theo Bộ quy định, các vấn đề liên quan sẽ “chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ trong thời gian tới”.
Kết thúc kỳ thi, thí sinh sẽ được phát bốn phiếu kết quả thi, dùng cho xét tuyển ĐH, CĐ. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.(Trích Quy chế kỳ thi Quốc gia 2015) |
Về vấn đề cụm thi, ông Nghĩa cho biết, theo quy chế, kỳ thi THPT quốc gia sẽ có hai hình thức cụm thi. Một do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và thí sinh vừa có nguyện vọng xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Một do các Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH dành riêng cho thí sinh xét tốt nghiệp. Vấn đề này do Sở GD&ĐT các địa phương quyết định. Tuy nhiên, các Sở GD&ĐT cho biết, sẽ phải tiến hành khảo sát, bởi nếu số lượng thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp quá ít, thì Bộ GD&ĐT có cho phép gửi vào các cụm thi của các trường ĐH hay không?
Chia sẻ về đề thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, sẽ có hai nhóm câu hỏi trộn lẫn vào nhau. Nhóm thứ nhất có câu hỏi độ khó tương tự tốt nghiệp THPT và GDTX, đảm bảo thí sinh học lực trung bình làm được và đủ điều kiện tốt nghiệp.
Nhóm hai câu hỏi phân hóa kết quả thi, nhờ đó mới xét tuyển ĐH, CĐ và giống đề thi ĐH, CĐ 2014. Về cơ bản, các môn khoa học xã hội nhân văn tiếp tục câu hỏi mở, vận dụng kiến thức thực tế, liên môn để làm bài, giảm yêu cầu học sinh học thuộc. Các môn Khoa học tự nhiên yêu cầu vận dụng kiến thức thực tế để giải quyết câu hỏi.
Chủ động ôn tập
Đến thời điểm này, hầu hết các trường đã chủ động kế hoạch ôn tập cho các môn dự kiến thi tốt nghiệp THPT là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Theo cô giáo Nguyễn Phương Anh, từ tháng 2, trường THPT Minh Khai đã tổ chức ôn tập cho học sinh. Vì là trường phân ban ngay từ năm lớp 10, nên kế hoạch ôn tập không bị xáo trộn nhiều về tổ chức. Chỉ có một số môn các em lựa chọn “lệch” với phân ban, nhà trường tổ chức các lớp ôn tập riêng vào các tiết 5 trống trong tuần.
Về việc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi lần đầu tiên đổi mới này, thầy giáo Nguyễn Hữu Sáu, Phó hiệu trưởng Trường THPT DL Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) cho biết, sẽ có nhiều bất lợi với những học sinh thi trượt tốt nghiệp năm trước. Bởi nếu năm trước thí sinh có hai môn bắt buộc Toán, Văn còn lại hai môn tự chọn nhưng năm nay lại có thêm Ngoại ngữ bắt buộc. Khoảng thời gian một năm không được học sẽ khiến học sinh thi lại năm nay sẽ khó vượt qua.
Về việc cuối tháng 5 đã hoàn tất năm học, nhưng dự kiến đến tháng 7 mới tổ chức kỳ thi, học sinh sẽ học tập và quản lý ra sao, cô Nguyễn Phương Anh cho hay, nhà trường sẽ hiệp thương cùng phụ huynh học sinh, các em có thể tự ôn tập hoặc nhà trường sẽ tổ chức dạy thêm theo yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận