Đăng kiểm

Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp đăng kiểm tàu biển

17/07/2023, 17:02

Bộ GTVT ban hành quy định mới về đăng kiểm tàu biển theo hướng đơn giản hóa thủ tục, phân cấp thực hiện kiểm định về đơn vị đăng kiểm.

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 17/2023/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 40/2016/TT-BGTVT quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam và Thông tư 51/2017/TT-BGTVT quy định về đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm tàu biển.

img

Thông tư 17 ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng đơn giản hoá thủ tục, phân cấp trong thực hiện đăng kiểm tàu biển.

Đối với quy định về đăng kiểm tàu biển, Phòng Tàu biển - Cục Đăng kiểm VN cho biết, thông tư đã sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng đơn giản hoá các thành phần của thủ tục, hồ sơ khi thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước; đồng thời, cho phép áp dụng các quy định của Công ước quốc tế, các tiêu chuẩn quốc tế khi các quy định của pháp luật Việt Nam chưa phù hợp.

Cụ thể, thông tư bổ sung quy định về kiểm định, đánh giá tàu biển từ xa là quá trình đăng kiểm viên không có mặt trên tàu sử dụng công nghệ thông tin hoặc phương pháp khác để xác định điều kiện kỹ thuật của tàu biển trong thực tế vẫn đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh tàu biển, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường phù hợp cho mục đích hoạt động của tàu biển, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Các trường hợp sử dụng phương pháp kiểm định, đánh giá từ xa bao gồm: Trường hợp dịch bệnh, thiên tai, xung đột vũ trang; Trường hợp cơ sở sửa chữa không thể bố trí tiếp nhận tàu biển; Trường hợp tàu biển thực sự không có điều kiện đến nơi được chỉ định để kiểm định.

Lý giải về việc bổ sung quy định này, Cục Đăng kiểm VN cho biết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác đăng kiểm trong các trường hợp bất khả kháng như trong các trường hợp do quy định hạn chế, phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền vì lý do dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, tàu bị bắt giữ nên không thực hiện được việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp theo quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật liên quan. Lúc này, cơ quan đăng kiểm sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá thông qua các phương tiện liên lạc như đàm thoại, truyền hình và xem xét các báo cáo, hình ảnh, dữ liệu kỹ thuật.

Đáng chú ý, thông tư đã đẩy mạnh phân cấp công tác đăng kiểm tàu biển xuống các chi cục đăng kiểm, đơn vị sự nghiệp của Cục phù hợp với phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện của Cục Đăng kiểm VN theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT.

Theo đó, việc nộp hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận/đánh giá, trả kết quả hồ sơ sẽ được thực hiện tại chi cục đăng kiểm, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục (như Trung tâm Chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng và an toàn, Trung tâm chuyển đổi số, dữ liệu phương tiện quốc gia và tập huấn nghiệp vụ).

Đồng thời, bổ sung hình thức nộp hồ sơ và trả kết quả qua Cổng dịch vụ công trực tuyến; bổ sung quy định về hồ sơ đề nghị kiểm tra/đánh giá trong trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024) nhằm đơn giản hoá thủ tục cho các tổ chức, cá nhân.

img

Thông tư 17 bổ sung quy định phân loại thời gian đào tạo tập huấn, công nhận nghiệp vụ đăng kiểm tàu biển.

Phân loại thời gian tập huấn đăng kiểm viên

Thông tư 17 cũng bổ sung quy định phân loại thời gian đào tạo tập huấn, công nhận nghiệp vụ đăng kiểm tàu biển cho các đối tượng mới tốt nghiệp đại học, các đối tượng đã tốt nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu và đặc biệt là các đối tượng đã có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức đăng kiểm quốc tế.

Theo đó, thay vì tất cả các đăng kiểm viên tàu biển phải có thời gian tập huấn, thực tập nghiệp vụ đủ 2 năm trở lên như trước đây thì từ ngày 15/8/2023, thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu biển sẽ phân loại tối thiểu: 3 tháng đối với người đã là đăng kiểm viên của tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), người đã có trên 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển; 6 tháng đối với người đã có từ 1-3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển; 1 năm đối với các trường hợp khác.

Thông tư 17 cũng sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, loại bỏ các yêu cầu cắt giảm chứng chỉ không phù hợp với công chức, viên chức; điều chỉnh đối tượng tuyển dụng phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, quy định.

Cụ thể, thay vì quy định cứng đăng kiểm viên tàu biển phải tốt nghiệp đại học thuộc một trong các chuyên ngành có liên quan đến đóng mới, sửa chữa, khai thác tàu biển, công trình biển và chế tạo sản phẩm công nghiệp; có chứng chỉ tiếng Anh: TOEIC đạt từ 450 điểm trở lên, hoặc IELTS đạt từ 4.5 trở lên, hoặc TOEFL CBT đạt từ 133 điểm trở lên, hoặc TOEFL PBT 450 điểm trở lên, hoặc TOEFL IBT đạt từ 45 điểm trở lên, hoặc có bằng cử nhân Anh văn, hoặc tốt nghiệp đại học trở lên tại các trường giảng dạy bằng tiếng Anh; thì nay, chỉ quy định: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Theo Cục Đăng kiểm VN, quy định mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng các đăng kiểm viên phù hợp với năng lực ở từng vị trí công việc.

Ngoài ra cũng bỏ quy định đánh giá hàng năm đối với đăng kiểm viên tàu biển bởi đây là nhân lực thực hiện công việc thường xuyên, do đó, không cần thiết phải đánh giá hàng năm gây tốn kém thời gian, chi phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.