Tiếng còi tàu báo hiệu năm mới đến
Với anh Nguyễn Văn Cải, tiếng còi hú của tàu là một trong những 'điểm nhấn' trong những cái Tết của người công nhân
22h đêm, Cảng Xanh VIP (VIP Greenport, Hải Phòng) vẫn nhộn nhịp. Từng đoàn xe container nối đuôi nhau để chờ xếp từng container lên tàu. Tại khu vực xếp dỡ, anh Nguyễn Văn Cải (35 tuổi) chăm chú điều khiển tín hiệu hướng dẫn từng xe container vào vị trí.
Công nhân tại cảng hầu như không có nhiều khái niệm về ngày lễ, Tết. Cũng có nhiều người ở xa quê thường sẽ được cảng ưu tiên, để họ được lựa chọn thời gian về quê trước Tết hoặc sau Tết. Các công nhân cũng có thể đổi ca cho đồng nghiệp để thuận tiện hơn cho công việc.
Tuy nhiên, khi cường độ công việc cao, anh em cũng phải làm thông Tết. Làm việc ở môi trường có chút đặc thù nên mọi người không có nhiều thời gian đón Giao thừa với nhau. Việc chúc Tết vào lúc Giao thừa cũng diễn ra nhanh gọn để sau đó nhanh chóng bước vào công việc.
Ông Phạm Quang Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Cảng Hải An
“Làm ca đêm hay ca ngày với anh em ở cảng đều như nhau. Ngày thường cũng như ngày Tết, nhiều công nhân cũng không ngơi nghỉ.
Tết của mình chứ với người Tây (ý nói về những chiếc tàu ngoại vào làm hàng - PV) thì đó chỉ là ngày bình thường”, anh Cải chia sẻ.
6 năm làm việc tại cảng cũng là 6 cái Tết anh Cải đón năm mới nơi cầu tàu. Anh cho biết, công việc của mình không quản ngày lễ nên việc đón Tết tại đây cũng rất đỗi quen thuộc.
“Nói quen thuộc nhưng không có nghĩa là bình thường. Mỗi lần đón Giao thừa trên cảng đều mang lại cảm giác vô cùng đặc biệt.
Thay vì pháo hoa, công nhân trên cảng, thủy thủ trên tàu đón khoảnh khắc đầu năm mới trong tiếng còi hú rộn rã của tàu bè. Một năm mới hân hoan đến!”, anh Cải hào hứng chia sẻ và cho biết thêm: Lần nào cũng vậy, trước Giao thừa 1 tiếng, lãnh đạo cảng sẽ cho các công nhân được dừng tay nghỉ ngơi.
Mọi người cùng nhau quây quần uống trà, chờ đợi khoảnh khắc đếm ngược bên cầu tàu. Khoảnh khắc đó lúc nào cũng rất đặc biệt, buồn vui lẫn lộn.
“Xen lẫn cảm giác hứng khởi khi đón năm mới cùng các anh em tại bến cảng, râm ran những câu chúc may mắn đầu năm là một chút chạnh lòng vì xa nhà, không được ở bên người thân.
Chỉ những ai có mặt tại cảng, trong khoảnh khắc đó mới cảm nhận được, khó mà diễn tả thành lời”, nam công nhân tâm sự và cho hay, có những con tàu khi chuẩn bị cập cảng vào dịp này, họ cũng chia sẻ và hưởng ứng Tết của địa phương bằng cách dí còi tàu và bắn pháo sáng.
Quen với guồng quay công việc
Anh Đào Văn Đức đã có nhiều năm đón Tết trên cầu tàu
Ở một nơi khác, anh Đào Văn Đức (SN 1987, Hải Phòng), công nhân lái cần trục chân đế tại cảng Hải An cũng có nhiều năm “hưởng” cái Tết tại cảng.
Trong mắt anh Đức, đón Tết ở nơi đặc biệt này mang đến nhiều dư vị. Có sự hồ hởi, háo hức, cũng có chút lạ lẫm, nhớ nhà.
“Trong những khoảnh khắc thiêng liêng đầu năm, tàu vào đến nơi là hú còi khiến anh em đều cảm giác rạo rực”, anh Đức kể.
Trước khi đến với công việc lái cần trục chân đế, anh Đức từng có 2 năm đi tàu các tuyến Nội Á. Hai năm đó cũng là 2 năm anh phải đón Tết khi đang lênh đênh trên biển.
Với anh, đón Tết trên tàu buồn hơn rất nhiều bởi ở một nơi tách biệt với đất liền, anh không cảm nhận được không khí Xuân lan tỏa tới từng ngõ ngách, từng gia đình.
Những giây phút ấy, nỗi nhớ nhà xâm chiếm trong tâm trạng của các thuyền viên. Không chịu được cảnh xa nhà, anh quyết định về bờ làm việc và cái duyên đưa anh tới công việc bên bến cảng.
“Công việc tại cảng không vất vả nhiều bằng đi tàu, cũng không phải xa nhà. Tuy phải trực Tết nhưng giờ phút Giao thừa, anh em được nghỉ ngơi và gọi điện về cho gia đình, vẫn có thể cảm nhận được không khí ở nhà”, anh Đức nói và khẳng định, dù không ở nhà nhưng anh em tại cảng cũng giống như người trong một nhà.
Thế nhưng, dù đã quen với guồng quay công việc và những lần đón Tết xuyên đêm bên cầu tàu, song những người công nhân thừa nhận có lúc cảm thấy chạnh lòng khi dịp Giao thừa không thể quây quần bên người thân yêu như những gia đình khác.
Nhắc đến gia đình, mắt anh Cải sáng lên. Anh thổ lộ, may mắn có được hậu phương hiểu và thông cảm với công việc của chồng. Vợ con cũng dần quen với những thời khắc bước sang năm mới không có chồng, có cha ở bên cạnh.
Tuy nhiên, cũng có năm anh được hết ca vào đêm 30 Tết. Lập tức, anh sẽ nhanh chóng chạy về nhà để kịp đón khoảnh khắc Giao thừa bên người thân.
Anh bảo, bản thân biết bà xã chịu nhiều thiệt thòi nhưng cũng thường động viên vợ: “Sau Tết Nguyên đán chính là ngày Valentine”.
Xa nhưng vẫn gần
Với anh Nguyễn Trọng Khang, bến cảng quê hương là nguồn sống của nhiều gia đình
Cũng như anh Cải, anh Tạ Duy Hoàng, Trưởng phòng khai thác của Công ty CP Cảng Xanh VIP tiết lộ cũng thường bù đắp cho bà xã bằng những chuyến đi chơi trong những dịp lễ khác. Hơn 20 năm làm việc tại cảng là 20 năm anh Hoàng không đón Giao thừa ở nhà.
Tới nỗi, anh thú nhận mình đã quên cảm giác “đếm ngược” cùng người thân trong thời khắc đặc biệt đó ra sao.
Năm nào anh cũng ở cảng, chúc mừng năm mới từng người rồi mới về nhà vào lúc 2 giờ sáng. Mọi công việc ở nhà, anh phó mặc cho bà xã và bố mẹ.
“Vợ tôi cũng trách nhiều năm qua, rằng mọi người được cùng chồng con đi đón Giao thừa, xem bắn pháo hoa bên nhau nhưng cô ấy chưa bao giờ được như vậy. Tôi chỉ biết khuyên nhủ và động viên vợ”, anh Hoàng cười.
Trong khi đó, mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi ngồi bên anh em giữa bến cảng quê hương, dưới đất trời đang vào Xuân, anh Nguyễn Trọng Khang, công nhân bộ phận điều động tàu của cảng Hải An cũng đều tranh thủ gọi điện về nhà để chúc mừng năm mới gia đình.
Sự phát triển của công nghệ đã giúp mọi người trong khoảnh khắc đặc biệt được kết nối gần hơn với những người thân yêu dù không ở bên nhau.
Anh Khang thổ lộ, nhiều lúc Giao thừa gọi video cho vợ con, anh hay khoe hôm nay mình đón được một chuyến tàu lớn.
“Các con hào hứng lắm, ríu rít bảo ước gì được ra cảng chơi với bố và xem tàu to. Chúng cũng bảo sau này lớn, có thể nối nghiệp cha”, anh Khang cười hiền.
Theo nghề hơn 10 năm, hầu như năm nào anh cũng có ca trực vào dịp Tết Nguyên đán và như lời anh thì “bến cảng quê hương là nguồn sống của các gia đình”.
Tuy vậy, anh kể, khi bước vào công việc, mọi người đều quên không khí Tết bởi lúc này, mọi sự tập trung được dồn cao độ để đảm bảo mọi việc hoàn thành an toàn và tàu ra, vào bến ổn định.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của ca làm việc, họ sẽ trở về đoàn tụ bên gia đình và chính thức đón Tết.
Gác câu chuyện, những người công nhân lại tiếp tục hăng say với công việc. Không khí lao động trên cầu tàu khẩn trương, tất bật.
Những chuyến tàu chở đầy ắp hàng lại đang chuẩn bị cập cảng. Đâu đó ngoài kia, không khí mùa Xuân lại đang đến thật gần trên mọi con đường và mọi nhà...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận