Đối mặt với cảnh đìu hiu, doanh thu lao dốc, nhiều siêu thị đã đẩy mạnh kênh bán hàng online và tạo được “cú huých” tăng trưởng doanh thu giữa mùa dịch Covid-19.
Thay đổi thói quen người mua lẫn người bán
Tình trạng chen chúc, xếp hàng dài tại các quầy tính tiền ở những siêu thị lớn đã trở thành nỗi lo sợ của cả người mua và người bán vì rủi ro dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã gấp rút đưa bán hàng online thành kênh phân phối chính thức trong mùa dịch.
Đại diện chuỗi hệ thống siêu thị BigC cho biết, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng hạn chế ra ngoài, đồng thời tính đến trường hợp nhiều người phải cách ly cần huy động nguồn lực đưa hàng đến tận nhà cho khách, DN đã lần đầu tiên mở dịch vụ mua sắm online qua điện thoại trên toàn quốc từ tháng 2/2020.
“Khách hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng qua số hotline, ngoại trừ các mặt hàng tươi sống, sản phẩm đông lạnh và sản phẩm từ sữa, sẽ được BigC giao tận nhà miễn phí. Tuy nhiên, điều kiện là khách hàng phải mua hàng với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, đồng thời địa chỉ giao hàng trong phạm vi 10km”, vị này nói.
Bán hàng online từ trước, song thời dịch bệnh là bàn đạp để BRG rốt ráo chuẩn bị lại một cách chặt chẽ các kênh để phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG (BRG Retail), thuộc Tập đoàn BRG cho biết: Hệ thống siêu thị BRG Mart bao gồm các chuỗi siêu thị: Intimex, Hapromart, Seikamart, Haprofood đang bán hàng online thông qua kênh Fanpage, email, điện thoại... và giao hàng miễn phí trong bán kính 5km cho những đơn hàng tối thiểu 500.000 đồng. Khách mua hàng chỉ cần để lại thông tin, số lượng hàng cần mua và sau vài tiếng hàng đã được chuyển đến nhà. “Thói quen đi chợ của người Việt vẫn là nhìn được, thấy được, sờ được mới mua hàng, do đó, thời điểm bắt buộc phải hạn chế đi lại chính là lúc thị trường đòi hỏi phải thay đổi để thích nghi”, ông Dũng bày tỏ.
Manh nha từ năm 2015, song phải tới mùa dịch này, kênh bán lẻ thực phẩm tươi trên App online Ubofood mới khởi động mạnh. Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại An Việt, nhà cung ứng thực phẩm trên ứng dụng nhận định, thời điểm này là cơ hội hiếm có cho bán hàng online bởi đây chính là lựa chọn hợp lý nhất của khách hàng và cũng chính là cơ hội thay đổi thói quen của người dân.
Dù mới xuất hiện trên thị trường vài tháng, chỉ với 17 nhân sự và 10 điểm giao dịch nhưng Ubofood đã phục vụ 5.000 khách hàng tại các quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Số lượng người mua hàng trên ứng dụng tăng nhanh và có thể dẫn đến tình trạng quá tải.
Sẽ tiếp tục tăng trưởng cả khi hết dịch
Sự thay đổi mô hình mua sắm online đã tạo thành đòn bẩy đưa DN tăng tưởng trong bối cảnh dịch bệnh.
Đại diện hệ thống siêu thị BigC bày tỏ, nếu không vì tình thế cấp bách, chưa chắc đã tạo được kết quả như hiện tại với doanh số bán hàng qua điện thoại rất khả quan sau hơn 2 tháng áp dụng. Tại các siêu thị BigC ở khu vực miền Nam, trong tháng 3/2020 ước đạt khoảng 3.000 đơn hàng, tăng trưởng trên 200% so với tháng 2/2020.
Tương tự, mức tăng trưởng này cũng được ghi nhận tại các siêu thị BigC khu vực miền Bắc. Lượng khách đặt hàng tăng từng tuần, giá trị đơn hàng bình quân tăng 80 - 120% so với các tuần trước đó.
“Hình thức đặt hàng qua điện thoại sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng kể cả sau mùa dịch”, vị này nhận định.
Tương tự, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết: BRG đã cung ứng đầy đủ sản phẩm thiết yếu tới người dân với mức giá không đổi, đồng thời, tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 300 - 500% tại từng siêu thị và tăng gấp 10 lần tại kho trung tâm, đặc biệt với 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội gồm gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, nước uống, dầu ăn, gia vị, rau củ quả... Số lượng đơn online ngày càng tăng mạnh, đạt mức tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Công thương cho biết, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2020 vẫn tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%). Điều này cho thấy, ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang chịu tác động mạnh mẽ vào tháng 3 và chiến lược rất quan trọng cho tăng trưởng của từng DN.
Bàn về cơ hội và chiến lược cho ngành bán lẻ, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, thời gian tới đây các DN bán lẻ cần tiếp cận mạnh mẽ với công nghệ như bán hàng online dưới nhiều hình thức và cần thiết phải sáng tạo.
“Cũng có thể nói dịch bệnh Covid-19 là một thời cơ để bứt phá khi lựa chọn của khách hàng đã định sẵn con đường cần đi cho DN. Khi vượt qua được “bão dịch Covid-19”, các DN bán lẻ cần nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, hướng tới những nhu cầu của người tiêu dùng trong xu thế mới như thực phẩm sạch, các đồ gia dụng thân thiện môi trường, những sản phẩm có giá tốt… để đáp ứng tốt những nhu cầu đó”, bà Loan nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận