Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi kiểm tra hiện trường một số dự án trọng điểm do Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận làm chủ đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, trong các ngày 16 và 17/11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì kiểm tra hiện trường các dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau và dự án cầu Rạch Miễu 2.
Sau khi kiểm tra hiện trường, nghe Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị liên quan báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được các địa phương quyết liệt thực hiện.
Tuy nhiên đến nay ngoài dự án Mỹ Thuận – Cần Thơ, các dự án còn lại vẫn chưa nhận được 100% mặt bằng sạch. Công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các gói thầu xây lắp.
Bộ GTVT ghi nhận các nhà thầu đã nỗ lực huy động máy móc, thiết bị, nhân vật lực để triển khai thi công với điều kiện GPMB, nguồn vật liệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ chung của một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu do nguyên nhân chủ quan của nhà thầu.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công và đáp ứng kế hoạch giải ngân, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác đền bù, di dời hạ tầng, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trong tháng 12/2023.
Đối với dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, căn cứ nguồn cung cát thực tế, Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết, ưu tiên triển khai hoàn thành đường công vụ trong tháng 12/2023; chủ trì điều phối nguồn cung vật liệu từ các mỏ cho các gói thầu.
Yêu cầu nhà thầu khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị, vật liệu, nguồn lực tài chính để thi công ngay các cầu và đường đầu cầu, phấn đấu đạt 50% sản lượng công trình cầu trong năm 2023, hoàn thành toàn bộ trước khi dỡ tải các đoạn tuyến.
Đối với các nhà thầu chậm trễ trong việc huy động triển khai các cầu (Công ty VNCN E&C, Tổng công ty 36, Công ty 620, Công ty CC1, Công ty Vạn Cường), Ban QLDA Mỹ Thuận cần có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ thay thế nếu đến hết tháng 11/2023 không có chuyển biến.
Tăng cường nhân sự để thực hiện các thủ tục nghiệm thu thanh toán, khẩn trương giải ngân sản lượng đã thi công; báo cáo Bộ GTVT kết quả trước ngày 10/12/2023.
Với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận tiếp tục thường trực tại hiện trường để chỉ đạo các nhà thầu dồn toàn lực, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tài chính, vật liệu, huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công 3 ca 4 kíp liên tục, bảo đảm hoàn thành các hạng mục, hoàn thiện các thủ tục đưa công trình vào khai thác sử dụng trước 31/12/2023.
Đối với dự án Cầu Rạch Miễu 2, Ban QLDA Mỹ Thuận căn cứ mặt bằng thực tế được bàn giao, chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch triển khai thi công chi tiết, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ hợp đồng; phấn đấu thông xe trước ngày 31/12/2025.
Đồng thời, làm việc với UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đề nghị hỗ trợ vật liệu cát đắp nền đường còn thiếu cho dự án (khoảng 250.000 m3) để hoàn thành đắp gia tải xử lý đất yếu.
Về phía các nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức thi công; nhà thầu đứng đầu Liên danh cần phát huy vai trò điều hành, điều phối giữa các thành viên. Các đơn vị tham gia dự án phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tổ chức thi công.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.523 tỷ đồng.
Dự án được chia làm 2 dự án thành phần, trong đó đoạn Cần Thơ – Hậu Giang chiều dài hơn 37km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng có một gói thầu xây lắp.
Đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng, gồm ba gói thầu xây lắp.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Long hơn 12km, tỉnh Đồng Tháp hơn 10km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.826 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận