Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ cao tốc Bắc - Nam |
Tháng 4/2019, bàn giao cọc GPMB cho địa phương
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ cao tốc Bắc - Nam cuối tuần qua, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, theo kế hoạch, tiến độ khảo sát thiết kế cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng (GPMB), mốc lộ giới các dự án cao tốc Bắc - Nam dự kiến hoàn thành trước 30/4. Riêng hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn sẽ bàn giao trước 15/3.
Theo ông Thành, về công tác thiết kế kỹ thuật, dự án Cao Bồ - Mai Sơn dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2019, Cam Lộ - La Sơn hoàn thành tháng 5/2019, các dự án còn lại hoàn thành trong tháng 8 - 9/2019. “Đối với cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất đặc biệt nên thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến tháng 11/2019 sẽ hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật”, ông Thành nói.
Đề cập đến công tác GPMB của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Thành cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các tỉnh có dự án đi qua về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các ban QLDA làm việc với địa phương. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh đã có các quyết định, văn bản triển khai công tác GPMB gửi các sở, ban, ngành của địa phương cho 11 dự án. Đồng thời, các ban QLDA đã thành lập tổ chuyên trách về công tác GPMB cho từng dự án.
Theo ông Thành, hiện 9/11 dự án đã được các địa phương thành lập hội đồng GPMB, còn lại 2 dự án Phan Thiết - Dầu Giây (qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai), tỉnh Đồng Nai chưa thành lập hội đồng GPMB và dự án cầu Mỹ Thuận 2 (qua hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long chưa thành lập hội đồng GPMB.
Liên quan đến công tác lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, dự kiến ngày 10/2/2019, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự tuyển trong vòng 60 ngày, dự kiến thời điểm đóng thầu ngày 10/4.
“Công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự kiến thực hiện từ tháng 10/2019 - tháng 3/2020”, ông Huy cho biết.
Đánh giá các ban QLDA thời gian qua đã tích cực làm việc với chính quyền địa phương nơi các dự án đi qua về công tác GPMB, tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, Cục QLXD&CLCTGT cần tổng hợp lại ý kiến của 13 địa phương về công tác GPMB, chậm nhất hoàn thành vào ngày 10/1 để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ làm việc các địa phương trong thời gian tới. “Trong năm 2019, chúng ta không tập trung quyết liệt triển khai công tác GPMB sẽ không có cơ sở để triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc - Nam vào năm 2020. Chỉ khi mặt bằng của các dự án được giải phóng sạch, dự án khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư tham gia, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Nhật nói và đề nghị Cục QLXD&CLCTGT cần tổ chức hội thảo về đầu tư xây dựng chất lượng đường cao tốc để rút ra những kinh nghiệm, áp dụng triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đạt hiệu quả tốt nhất.
Dự án chậm GPMB xử lý trách nhiệm giám đốc ban QLDA
Thống nhất với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, việc quan trọng nhất của các dự án cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới là triển khai công tác GPMB. “Nếu không có mặt bằng, chúng ta sẽ chẳng thể triển khai được gì cả. GPMB là công việc có nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ lấy chủ đề năm 2019 đối với cao tốc Bắc - Nam là năm tập trung công tác GPMB”, Bộ trưởng nói.
Để thực hiện tốt công tác GPMB, Bộ trưởng yêu cầu Cục QLXD&CLCTGT thành lập ngay một số đoàn kiểm tra tổng thể công tác chuẩn bị của các ban QLDA ở hiện trường các dự án cao tốc Bắc - Nam và báo cáo về Bộ GTVT. “Dự án của ban nào chậm GPMB, giám đốc ban đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT”, Bộ trưởng nói rõ và yêu cầu giám đốc các ban QLDA phải trực tiếp kiểm tra hiện trường, bố trí, sắp xếp những cán bộ tốt nhất, giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ để phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Đặc biệt, giám đốc các ban QLDA phải trực tiếp làm việc với từng địa phương nơi dự án đi qua để thống nhất bằng văn bản về kế hoạch, thời điểm và số lượng giải ngân nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ được cấp cho công tác GPMB của các dự án cao tốc Bắc - Nam trong năm 2019”, Bộ trưởng chỉ đạo và lưu ý, Vụ Kế hoạch - Đầu tư phải theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân nguồn vốn GPMB của các dự án đúng theo kế hoạch được giao, không được để xảy ra tình trạng giải ngân chậm trễ nguồn vốn này.
Liên quan đến công tác lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, chậm nhất đến 20/2, toàn bộ các dự án sẽ phải hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, ban QLDA nào chậm phải chịu trách nhiệm.
“Khi đã lựa chọn được tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự toán, các nhà thầu sẽ thực hiện ngay công tác cắm cọc GPMB để trong tháng 4/2019 bàn giao cho các ban QLDA làm việc với địa phương thực hiện công tác đền bù GPMB. Các đơn vị phải cố gắng trong tháng 9/2019 hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán để hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Dứt khoát không lùi tiến độ hoàn thành sửa chữa cầu Vàm Cống Liên quan đến tiến độ sửa chữa cầu Vàm Cống, tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục QLXD&CLCTGT và Tổng công ty Cửu Long chỉ đạo các đơn vị liên quan đến 20/1 phải hàn xong toàn bộ phần kết cấu thép. Sau đó, tiến hành các công việc tiếp theo như: Lắp đặt khe co giãn, bê tông nhựa, hoàn thiện đường vào cầu để hoàn thành toàn bộ công tác sửa chữa cầu Vàm Cống trước ngày 31/3. “Tiến độ dự án dứt khoát không được lùi vì yếu tố chủ quan. Tới ngày 31/3, công tác sửa chữa cầu Vàm Cống không xong, cá nhân, đơn vị liên quan đến dự án phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT”, Bộ trưởng chỉ đạo. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong tháng 4/2019, tư vấn kiểm định dự án phải thực hiện xong nhiệm vụ đối với cầu Vàm Cống để có kết quả cuối cùng. “Từ tháng 4 - 5/2019, Cục QLXD&CLCTGT phối hợp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước hoàn thiện các thủ tục, nghiệm thu công trình. Nếu Chính phủ đồng ý, cuối tháng 6/2019, chúng ta sẽ nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng”, Bộ trưởng chỉ đạo. Trước đó, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, từ ngày 18/12/2018, các đơn vị thi công đã tiến hành hàn liên kết các đốt dầm mới - dầm cũ tại trụ P28 và P29. Đến nay, tại trụ P28 đã hàn được khoảng 81% khối lượng, dự kiến hoàn thành toàn bộ công tác hàn vào ngày 17/1. Trong khi đó, tại trụ P29 đã hàn được khoảng 70%, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 20/1. “Tiến độ công tác sửa chữa cầu Vàm Cống đã triển khai đến bước 26 trong tổng số 38 bước, đảm bảo theo đúng trình tự và bám sát theo yêu cầu. Đặc biệt, công tác an toàn, chất lượng luôn được đảm bảo tốt và phù hợp theo quy định”, ông Thi nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận