Quản lý

Dồn quân từ cao tốc Bắc - Nam ứng cứu sự cố thủy điện Rào Trăng 3

13/10/2020, 16:04

Máy móc, thiết bị thi công từ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn được huy động lên để ứng cứu sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3.

img
Một máy ủi và 9 máy đào khổ lớn thi công tại công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đã được huy động lên để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn người mắc kẹt tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 gặp sự cố do mưa lũ gây ra.

Chiều nay (13/10), trao đổi với Báo Giao thông, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Lê Đình Thọ, ngay từ đêm qua (12/10), đơn vị đã yêu cầu cán bộ tại hiện trường và các nhà thầu đang thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn qua Thừa Thiên - Huế huy động máy móc, thiết bị, nhân lực phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn người mắc kẹt tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 gặp sự cố do mưa lũ gây sạt lở.

Thông tin với Báo Giao thông từ hiện trường, ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, công trường ở cách xa khu vực thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sự cố sạt lở hàng chục km nên việc đưa máy móc, thiết bị khổ lớn lên gặp nhiều khó khăn, trở ngại do mưa lũ chia cắt giao thông.

“Chúng tôi đã huy động 1 máy ủi và 9 máy đào khổ lớn từ công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên phối hợp cùng lực lượng chức năng để triển khai công tác ứng cứu. Đến nay, đã có 3 chiếc tiếp cận đến nơi xảy ra sự cố sạt lở, số lượng xe ủi, máy xúc còn lại đang tiếp tục được đưa vào nơi xảy ra sự cố bằng phương tiện vận chuyển chuyên dụng”, ông Quý thông tin.

img
Trong những ngày qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cán bộ tại hiện trường, nhà thầu đang thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn huy động máy móc, thiết bị san gạt các tuyến đường bị sạt lở ở hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế để người dân đi lại thuận tiện

Ông Lâm Văn Hoàng cho biết thêm, trong những ngày qua, mưa lũ đã ảnh hưởng nặng nề và gây thiệt hại lớn cho hai tỉnh khu vực miền Trung là Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đối với dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư) đi qua địa phận hai tỉnh này cũng chịu tác động lớn từ mưa lớn và lũ lụt.

Để chia sẻ khó khăn với chính quyền và đồng bào trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong những ngày qua, ngoài việc ứng trực đảm bảo an toàn cho dự án, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cán bộ tại hiện trường, nhà thầu đang thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn huy động máy móc, thiết bị san gạt các tuyến đường xung quanh khu vực bị sạt lở để người dân đi lại thuận tiện. Đồng thời, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công cũng đã tổ chức ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào trong khu vực để sớm ổn định cuộc sống.

img
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công cũng đã tổ chức ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào trong khu vực bị lụt để sớm ổn định cuộc sống.

“Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã cử một phó giám đốc ban trực tiếp vào công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn để chỉ đạo và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Chúng tôi đã chỉ đạo các cán bộ tại hiện trường cùng với các đơn vị thi công phải tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng lũ trong lúc khó khăn. Khu vực nào lũ rút, các đơn vị phải huy động ngay máy móc, thiết bị và nhân lực để hỗ trợ giúp đồng bào, nhất là việc đảm bảo an toàn cho bà con đi lại trên các tuyến đường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và sớm ổn định đời sống”, ông Hoàng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.