Những phạm nhân tại Phân trại số 2, Trại giam Quyết Tiến sau giờ lao động |
Tết ở trong trại giam, các phạm nhân đều có thịt gà, có bánh chưng và rất nhiều bánh kẹo. Vào thời khắc Giao thừa, các cán bộ vào từng buồng giam chúc Tết. Sau đó, các phạm nhân cùng bày mâm ngũ quả, cùng liên hoan trong phòng, ai có đồ gì được gia đình gửi cho đều mang ra góp với mọi người, vừa ăn vừa hát hò rất vui vẻ.
Chúng tôi đến thăm Trại giam Tân Lập (Phú Thọ) vào một ngày mưa rét buốt dịp cuối năm. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là nơi này dường như bị cô lập hẳn với thế giới bên ngoài. Đường vào gập ghềnh, khó khăn, heo hút, có rất ít người dân hay các hoạt động buôn bán, sản xuất ở xung quanh. Trại giam Tân Lập quản lý trên 4 nghìn phạm nhân, trong đó chia thành 5 phân trại, có riêng một phân trại quản lý phạm nhân nữ.
Trung úy Phùng Thị Hiền, cán bộ quản giáo tại Phân trại số 2, Trại giam Quyết Tiến, gần 10 năm chưa được về quê đón Tết |
Những mùa xuân khép kín
Tâm sự với chúng tôi, Thiếu tá Kiều Kim Hoàng cho biết, anh đã 22 năm công tác ở đây, trong đó có đến gần 20 năm phải ở lại trực Tết, đón Giao thừa cùng đồng đội và các phạm nhân. Tết luôn là một thời khắc thiêng liêng nhất, ai cũng muốn thời khắc ấy được sum vầy quây quần bên tổ ấm, thế nhưng, những cán bộ giám thị, quản giáo thường phải hy sinh niềm hạnh phúc lớn lao ấy để hoàn thành nhiệm vụ.
“Năm đầu tiên đón Tết ở trại, khi ấy tôi vẫn còn là một chàng lính trẻ, dù mạnh mẽ và quyết tâm lắm, nhưng đến thời khắc Giao thừa vẫn không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng, nhớ nhà, nhớ quê da diết. Có thiệt thòi, có nhớ nhung hay vương vấn với những cảm xúc rất đời thường, nhưng chúng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”, Thiếu tá Hoàng tâm sự.
Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang) cũng là một trại giam thuộc Bộ Công an được đặt trên địa bàn của huyện miền núi Sơn Dương. Có một điều rất đặc biệt, ở đây hầu hết các cán bộ giám thị và quản giáo đều lấy chồng, lấy vợ cùng đơn vị. Lý do duy nhất họ đưa ra khi chúng tôi hỏi là để “dễ thông cảm cho công việc của nhau”.
Trung úy Phùng Thị Hiền - cán bộ quản giáo tại Phân trại số 2 cũng không là ngoại lệ. Là phụ nữ, lại đảm nhận một công việc đặc thù, chị không dễ tìm được ý trung nhân có thể hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Và rồi khi vào đây nhận công tác, xuất phát từ những khó khăn, nhọc nhằn ấy, chị đã tìm được hạnh phúc với một chiến sĩ làm cùng đơn vị.
Từ khi nhận công tác tại đây được 10 năm, nhưng gần như trong 10 năm ấy, chị Hiền không được về quê đón Tết. Với người bình thường, Tết là dịp con cái về thăm và chúc Tết bố mẹ, nhưng với những cán bộ như chị Hiền, nhiều khi bố mẹ phải lặn lội từ quê xa lên thăm con ngày Tết, bởi hiểu rằng con không thể về vì nhiệm vụ.
“Ở ngoài kia có rộn ràng không khí Tết đến đâu, chúng tôi cũng không thể cảm nhận được, bởi công việc đặc thù không có điều kiện ra khỏi khu vực trại giam này. Chúng tôi đón những cái Tết của dân tộc, nhưng theo một cách khác, lặng lẽ và khép kín hơn so với thế giới bên ngoài”, chị Hiền tâm sự.
Chị chia sẻ, cứ mỗi năm ở lại trực Tết là lại thêm quý những phút giây đoàn tụ bên gia đình. Tuy bản thân mình cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng những cán bộ ở đây vẫn luôn quan tâm đến cái Tết của từng phạm nhân, luôn chia sẻ, động viên từng phạm nhân để họ yên tâm cải tạo, sớm trở lại hòa nhập cộng đồng. “Chúng tôi thường đùa với nhau, chúng tôi là những chiến sĩ “mang án chung thân” rồi, nên chúng tôi vẫn luôn tự hào và vui về điều đó”, chị Hiền cười và chia sẻ.
Đại úy Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng Phân trại số 2, Trại giam Quyết Tiến là người chuyên được giao “thuần” những phạm nhân “có số má” |
Cảm hóa những phạm nhân “cứng đầu”
Một người đặc biệt được nhắc đến rất nhiều ở Phân trại số 2, Trại giam Quyết Tiến là Đại úy Đinh Trọng Tuấn, Trưởng phân trại K2. Là trưởng phân trại nhưng Đại úy Tuấn luôn sát sao và nắm rõ tính cách của từng phạm nhân. Bởi vậy, anh luôn nhận nhiệm vụ cảm hóa những phạm nhân “có số má” trong trại.
Kể lại trường hợp phạm nhân “cứng đầu” nhất, Đại úy Tuấn nhớ ngay đến Huỳnh Hoài Phương (SN 1984, ở Tây Ninh) vào trại vì tội giết người, cướp tài sản: “Khi vừa về trại, dù đã đọc kỹ lý lịch phạm nhân này rất kỹ nhưng chúng tôi vẫn vô cùng bất ngờ trước thái độ hung hăng, bất mãn của phạm nhân. Chỉ sau vài ngày nhập trại, Phương chống phá đủ các kiểu. Không chấp hành mệnh lệnh, chửi bới cán bộ và các phạm nhân khác, lôi kéo, kích động phạm nhân chống đối cán bộ... "Chính tôi đã từng bị Phương dùng gạch ném vào đầu".
Hôm ấy, Phương gây sự đánh nhau với một phạm nhân khác. Cán bộ gọi ra nhắc nhở nhưng Phương nhất quyết không ra, lại đi nhặt gạch ném cả cán bộ. Khi vào buồng giam, không biết nhặt ở đâu được mảnh sắt nhỏ, Phương dùng để cứa tay và đe dọa sẽ “chơi” lại những ai dám xông vào.
Phải mất một thời gian dài thuyết phục, Phương mới chịu buông hung khí ra ngoài nói chuyện với cán bộ. Lúc ấy tôi khuyên Phương hãy suy nghĩ cho kĩ, vì nếu chết thì chỉ thiệt cho gia đình, nhưng cậu ta nói làm gì có gia đình mà thiệt. Tôi cũng có hỏi Phương có tâm nguyện gì thì cứ nói ra, nhưng với thái độ bất mãn, Phương trả lời: “Đi tù thì làm gì có tâm nguyện gì...”.
Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, Đại úy Tuấn đã tìm ra điểm yếu của phạm nhân. Qua tìm hiểu, biết được Phương đã từng vài lần viết thư và gọi điện về cho gia đình nhưng không nhận được hồi âm, cũng không nhận được bất cứ bưu phẩm gì từ gia đình gửi ra nên có lẽ Phương bất mãn.
Vì thế, Đại úy Tuấn đã chủ động gặp và động viên Phương viết thư về xin lỗi gia đình, sau đó sẽ đi gửi thư đảm bảo và trả chi phí cho Phương. “Hôm sau, Phương viết thư xong nhưng cứ gãi đầu, gãi tai không dám nhờ gửi vì nói không có tiền, nhưng tôi bảo tôi sẽ cho, vì tôi coi Phương như đứa em.
Sau đợt đó, gia đình nhận được thư xin lỗi nên đã viết thư hồi âm lại và có gọi điện cho Phương, rồi mỗi tháng gửi ra một gói bưu phẩm. Từ ấy, Phương mới bớt hung hăng, cải tạo tốt và nghe lời cán bộ hơn”, Đại úy Tuấn kể.
Với vẻ bề ngoài nam tính, nhưng phạm nhân Nguyễn Thị Nga cho biết đã không ít lần khóc ướt gối vì nhớ nhà, nhất là vào những dịp Tết |
Quyết tâm làm lại cuộc đời
Phạm nhân Nguyễn Trường Bình (SN 1962, ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) hiện đang thụ án tại Trại giam Tân Lập vì giết người.Trải qua 12 năm cải tạo, 12 cái Tết không có gia đình bên cạnh, Bình mới thấm thía về tội lỗi mà mình gây ra.
Trước đó, do những mâu thuẫn và xích mích với một người trong làng, Bình đã ra tay dùng dao chém chết người này. Bình cho biết, đó chỉ là những hành động bột phát do tâm lý bị dồn nén đã lâu, chứ trong thâm tâm, Bình không muốn giết hại ai bao giờ.
“Vào tù rồi, tôi mới cảm thấy hụt hẫng vì thiếu vắng tình cảm gia đình. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là tôi nhớ vợ, thương con vô cùng. Án của tôi là án chung thân, nhưng tôi luôn khát khao sẽ cải tạo tốt để nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Nhớ lại cái Tết đầu tiên trong trại với tư tưởng vô cùng chán nản, gò bó, nhưng rồi cứ nghĩ đến hình ảnh người vợ lam lũ cùng những đứa con thơ dại ở nhà, tôi lại quyết tâm phấn đấu và cải tạo. Tôi đã sai, tôi đã vấp ngã, vì vậy, tôi nhất định phải đứng dậy từ chỗ mình đã ngã”, Bình nói một cách rất quả quyết.
Theo quy định của Nhà nước, trong dịp Tết, mỗi ngày ăn của phạm nhân được hưởng chế độ gấp 5 lần ngày thường, ngoài ra, đối với các phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay ốm đau thì sẽ được trại trích quỹ để hỗ trợ. Theo thông lệ, vào thời điểm giao thừa, Ban Giám thị các trại sẽ tổ chức chúc Tết chung các phạm nhân trên hệ thống phát thanh, sau đó cán bộ chuyên môn và quản giáo sẽ đến chúc Tết từng buồng giam, tổ chức cho phạm nhân đón một cái Tết đúng nghĩa. |
Khác với Bình, phạm nhân Nguyễn Thị Nga (SN 1989) là một cô gái rất trẻ nhưng tỏ ra vô cùng ngang ngạnh khi vào trại. Nga cũng phải nhận mức án chung thân về tội giết người, đã thụ án được một năm ở Trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa) rồi mới được chuyển ra Trại giam Quyết Tiến.
Thời gian đầu đến đây, Nga liên tục đánh nhau với các phạm nhân khác và tỏ ra ương bướng khi các cán bộ giáo dục. Thế nhưng sau một thời gian, nhờ sự động viên từ gia đình, sự giúp đỡ của các cán bộ trại giam, Nga dần “thay tính đổi nết”, trở nên ngoan ngoãn và dễ bảo hơn.
Trước đó, vào một ngày đầu năm 2011, khi vừa thụ xong án trộm cắp được 36 ngày thì Nga lại gây tội giết người. Vì ăn chơi đua đòi cùng đám bạn nên Nga đã bỏ học khi đang học dở lớp 12. Nhóm của Nga thường xuyên tụ tập uống rượu, bia và hát karaoke cùng nhau.
Một hôm, trong lúc uống bia và hát karaoke thì nhóm của Nga có mâu thuẫn với một nhóm khác. Có men trong người, lại lời qua tiếng lại nên Nga cầm dao đâm vào mạng sườn một thanh niên của nhóm đối phương rồi bỏ đi.
“Khi biết tin người đó chết, em định sáng hôm sau tỉnh rượu sẽ đến đầu thú, nhưng ngay 4h sáng hôm đó, em đã bị bắt. Khi ấy em vừa sợ, vừa lo. Thời gian đầu vào trại, vì cuộc sống quá khác biệt nên em buồn và bất mãn, nhưng rồi được gia đình lên khuyên nhủ, được các cán bộ động viên, sau một năm thì em mới xác định tư tưởng cải tạo. Trải qua những năm đón Tết trong trại, em càng nhận ra mình đã sai lầm. Rất nhiều đêm em nằm khóc ướt gối, nhất là những cái Tết đầu tiên ở trong này.
Nhưng thời gian qua cũng dần nguôi ngoai. Giờ em thực sự hối hận về tội lỗi của mình, em chỉ mong có cơ hội trở về để tìm đến người nhà nạn nhân mà mình đâm chết thắp cho họ nén nhang, xin lỗi gia đình họ. Thời gian đầu em nghĩ mang án chung thân nên không còn cơ hội ra ngoài, nhưng giờ em biết mình vẫn còn cơ hội nên em tin và cố gắng. Em lạc quan hơn rất nhiều rồi” - mắt Nga ánh lên một tia hy vọng về tương lai.
Khi được hỏi về những cái Tết trong trại giam, nữ phạm nhân này lại tỏ ra rất phấn chấn: “Tết ở trong này chúng em cũng được tạo điều kiện lắm. Có thịt gà, có bánh chưng, có rất nhiều bánh kẹo. Vào thời khắc Giao thừa, các cán bộ vào từng buồng giam chúc Tết, sau đó chúng em cùng bày mâm ngũ quả liên hoan trong phòng, ai có đồ gì được gia đình gửi cho đều bỏ xuống đóng góp cùng mọi người, vừa ăn vừa hát hò rất vui vẻ, có khi hát hò đến sáng".
Khi chúng tôi rời trại giam, các cán bộ trại giam đang gấp rút chuẩn bị lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, tổ chức tập văn nghệ, tập trung dọn dẹp vệ sinh và trang trí theo văn hóa truyền thống của dân tộc, chuẩn bị các nhu yếu phẩm khác cho phạm nhân, chuẩn bị chu đáo nơi gặp gỡ giữa phạm nhân và gia đình...
Ngoài kia, một mùa xuân nữa đã lại về...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận