Hình ảnh tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ |
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát địa chính trị quốc tế vẫn hoài nghi về cách tiếp cận của ông Trump trước Trung Quốc trong vấn đề này.
Áp sát đảo nhân tạo
Ngày 25/5, hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Mỹ giấu tên cho biết, Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Dewey di chuyển gần khu vực 12 hải lý cách đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV) nơi Trung Quốc đang chiếm giữ cải tạo, biến đổi hiện trạng trái phép.
Đây là lần đầu tiên hoạt động này được thực hiện kể từ hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) gần đây nhất vào tháng 10 năm ngoái (khi ông Donald Trump vẫn còn là ứng viên Tổng thống). Như vậy, đây là hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải biển Đông đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trung Quốc phản ứng ra sao? Ngày 25/5, phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Mỹ đang liều lĩnh một cách nghiêm trọng khi phá đám thỏa thuận giữa các bên tranh chấp trên biển Đông”. Ông Lục Khảng tuyên bố, Trung Quốc thúc giục Mỹ “sửa sai” và tránh các cuộc tuần tra sắp tới. Bắc Kinh còn nói rằng, “các hành động của Mỹ rất dễ gây ra tai nạn trên biển và trên không”. |
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cuộc tuần tra lần này có vẻ không mang tính thách thức cao. Một nguồn tin quan chức Mỹ cho biết, đây là hoạt động đầu tiên gần khu vực đá có tên trong phán quyết của Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Quốc tế về Luật Biển. Phán quyết đã vô hiệu hoá cái gọi là “đường chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông”.
Phân tích về nhận định trên, chuyên gia biển Đông tại Mỹ ông Greg Poling đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nói rõ, theo phán quyết của tòa và Luật Biển quốc tế, đá Vành Khăn được cho là kết cấu mực triều thấp, có nghĩa là chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng đảo có chủ quyền 12 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục bồi đắp một diện tích tới hơn 5 triệu m2 trên đá Vành Khăn, để xây dựng đường băng và cảng biển với tham vọng khẳng định đây là vùng biển có chủ quyền 12 hải lý.
Chuyên gia này cho rằng, nếu tàu Mỹ chỉ đi qua bình thường thì hoạt động lần này có thể coi là “vô thưởng, vô phạt” và chỉ mang tính tăng cường chứ không mang tính thách thức tuyên bố của Trung Quốc. Nó chỉ thực sự mang tính thách thức nếu tàu chiến Mỹ bật radar hỗ trợ hỏa lực hoặc triển khai tàu, trực thăng từ tàu chiến trong khu vực đó để thể hiện không chấp nhận tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc.
Cách tiếp cận giao dịch
Nhận định về cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, nhiều nhà phân tích và quan chức Mỹ quan tâm tới vấn đề này cho rằng đó là cách tiếp cận không rõ ràng.
Kể từ khi còn là ứng viên Tổng thống đến khi nhậm chức, ông Trump nhiều lần thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Khi còn là ứng viên, ông Trump cho rằng, Mỹ phải “tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai lực lượng của Mỹ một cách thích hợp đến biển Đông và biển Hoa Đông” để có thể buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động phiêu lưu trên biển. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng từng bày tỏ quan điểm cứng rắn khẳng định, Mỹ cần mạnh mẽ trước Trung Quốc trong vấn đề biển Đông thông qua hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại khu vực này.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng có lúc lại đưa ra quan điểm cho rằng, cần tập trung sử dụng kênh ngoại giao để giải quyết vấn đề biển Đông.
Sự thay đổi chính sách về biển Đông cũng bao gồm việc chính quyền Tổng thống Mỹ bác bỏ 3 yêu cầu của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương (CINCPAC) để thực hiện các hành động FONOP nhằm thách thức Trung Quốc trên biển Đông, theo Japan Times.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang thực hiện cách tiếp cận kiểu đổi chác trong chính sách ngoại giao, rút lại hành động cũng như các tuyên bố chỉ trích Trung Quốc về biển Đông để đổi lấy sự hỗ trợ của nước này trong việc kiềm chế Triều Tiên. Giáo sư về biển Đông đến từ Học viện Quốc phòng Australia, ông Carl Thayer cho rằng: Trong đối phó với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump không thể vừa “nhai kẹo cao su và bước đi cùng lúc”. Ông cho rằng, mối đe doạ Triều Tiên và việc Trung Quốc quân sự hoá, tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cần phải được “giải quyết đồng thời” và đó không phải là những vấn đề có thể dùng để thỏa hiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận