Trong khi đó, Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ 100% hãng hàng không và ông quyết ngay gói hỗ trợ 50 tỷ USD, cùng với đó là 50 tỷ USD cho riêng hãng sản xuất máy bay Boeing.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), số tiền mà các chính phủ trên thế giới cần hỗ trợ cho ngành hàng không đối phó với dịch bệnh lần này có thể lên tới trên 200 tỷ USD. Đây là nguồn tài chính có thể giúp các hãng vượt qua tình trạng doanh thu bị thụt giảm do tình trạng bế quan tỏa cảng trên khắp thế giới khiến hầu hết các đội bay lớn phải giảm hoặc dừng khai thác toàn bộ.
Giới chuyên gia cũng dự đoán nếu không được hỗ trợ khẩn cấp thì hầu hết các hãng hàng không, nhất là khu vực Mỹ và châu Âu sẽ phá sản vào cuối tháng 5 tới. Trước tình trạng này, nhiều chính phủ đã có những quyết định cụ thể để trợ giúp ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nhất của đại dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “ủng hộ 100% các hàng không đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19” vì những thiệt hại kinh doanh lần này không phải là lỗi của họ”. Theo đó, các hãng hàng không được hỗ trợ 50 tỷ USD bao gồm tiền trợ cấp và các khoản vay ưu đãi. Riêng hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing cũng được hỗ trợ gói trị giá 50 tỷ USD.
Ngoài gói hỗ trợ 50 tỷ USD nói trên, hiện các hãng hàng không cũng mong muốn có thêm gói miễn giảm thuế trị giá 10 tỷ USD để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ cho ngành hàng không Mỹ có thể lên tới 110 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 15 tỷ USD mà ngành này nhận được sau vụ khủng bố 11/9 năm 2001.
Lãnh đạo một số hãng hàng không hàng đầu nước Mỹ như American Airlines, Delta Airlines và United Airlines hôm qua đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Donald Trump để thảo luận về gói hỗ trợ tài chính của chính phủ.
Trong khi đó, Hạ viện Mỹ cũng họp xuyên đêm đề bàn về các biện pháp giải cứu nền kinh tế, trong đó có ngành hàng không nước này. Các quốc gia đều đánh giá vai trò quan trọng của ngành hàng không trong phát triển kinh tế, trách nhiệm vận chuyển hành khách và trang thiết bị y tế thời kỳ dịch bệnh và nhân tố tích cực trong giai đoạn phục hồi kinh tế, xã hội sau dịch
Trước mối họa đại dịch covid chưa có dấu hiệu suy giảm, chính phủ nhiều nước đã cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không nước mình. Chính quyền Australia hôm qua cho biết họ sẽ hoàn tiền và miễn nhiều khoản phí có tổng trị giá 430 triệu USD cho các hãng hàng không nước này, trong đó có phí kiểm soát không lưu nội địa.
Tại châu Âu, các bộ trưởng giao thông vận tải EU đang nhóm họp để thảo luận chi tiết về những gói cứu trợ, sau lời kêu gọi của giới hàng không trong khối như đề nghị cắt giảm thuế mạnh, không cắt slot của hãng bay… để giúp họ tránh bị phá sản hàng loạt.
Hai nước Đan Mạch và Thụy Điển hôm 17/3 công bố biện pháp hỗ trợ cụ thể là khoản đảm bảo vay ưu đãi trị giá 300 triệu USD cho hãng hàng không chung khu vực Bắc Âu Scandinavian Airlines (SAS). Động thái này trở thành niềm hy vọng để hãng hàng không Na Uy Norwegian Air hôm qua có cuộc họp với chính phủ Na Uy để đề đạt nguyện vọng được cứu trợ tài chính tương tự như SAS đã nhận được.
Chính phủ Italy cũng một lần nữa ra tay giải cứu hãng hàng không quốc gia Alitalia khi Rome tuần này quyết định nắm quyền kiểm soát và bắt đầu tiến trình rao bán hãng hàng không vốn thua lỗ triền miên này.
Tại châu Á, cơ quan quản lý hàng không của chính quyền Đài Loan hôm qua cho biết, các hãng hàng không tại đây có thể nộp hồ sơ xin trợ cấp tài chính và các khoản vay ưu đãi nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.
Mặc dù nhiều chính phủ đã kịp thời tung ra gói cứ trợ hàng không nhưng 3 liên minh hàng không lớn nhất toàn cầu là Oneworld, SkyTeam và Star Alliance đại diện cho gần 60 hãng hàng không lớn của thế giới vẫn đang hối thúc các chính phủ “phải tính toán tất cả những biện pháp có thể” nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không.
Tại Việt Nam, Bộ GTVT đề nghị Bộ KHĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.
Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa, dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.
Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng.
Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận