Khám phá

Đồng bào dân tộc cúng Rằm tháng Bảy như thế nào?

19/08/2018, 15:27

Mỗi địa phương, dân tộc trên cả nước đều có tập tục cúng "tháng cô hồn" với những phong tục, nghi thức riêng.

f6

Làm bánh gai Tết rằm tháng Bảy. Ảnh: báo Cao Bằng

Từ bao đời nay, mỗi dịp Rằm tháng Bảy hàng năm, người dân trên cả nước đều tổ chức Tết Rằm tháng Bảy với nhiều ý nghĩa tương đồng và khác biệt. Đó là Tết lớn thứ hai sau Tết Nguyên đán, đồng thời là một trong những phong tục tập quán thể hiện những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo với nhiều sắc thái khác nhau.

Phong tục “Pây tái” của người Tày, Nùng Cao Bằng trong ngày Rằm tháng bảy

Theo phong tục truyền thống của người Tày, Nùng lễ tết “Pây Tái hoặc Pây chường Tái, ta gọi tắt là “Pây Tái” vào ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy hằng năm.

Lễ tết “Pây Tái” vào ngày rằm tháng Bảy là bổn phận của những người phụ nữ Tày, Nùng sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Trong năm duy nhất chỉ có ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy mới có dịp được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Rằm tháng Bảy người Tày, Nùng cũng có tín ngưỡng cúng “Xá tội vong nhân”, mọi thủ tục và nghi thức cúng bái cũng giống như người Kinh. Người Tày, Nùng cũng có lễ báo hiếu cho cha mẹ, ông bà và những người đã khuất giống như lễ Vu Lan trong Phật giáo.

Vào ngày rằm tháng Bảy, con gái, con rể, các cháu ngoại thường “Pây Tái” rất sớm với gánh đồ lễ, trong đó không thể thiếu đôi vịt béo, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên bên ngoại. Khi về tới nhà bên ngoại, các con gái, cháu gái mới tập trung làm thịt vịt, cả nhà vui vẻ cùng chung tay chế biến các món ăn truyền thống từ thịt vịt.

Độc đáo Lễ Tết Rằm tháng Bảy của người Dao đỏ Văn Yên

Tết Rằm tháng Bảy của người Dao đỏ là một trong ba Tết lớn nhất trong năm bên cạnh Tết thanh minh và Tết tạ ơn. Người Dao đỏ có quan niệm “vạn vật hữu linh”, do họ tin vào sự tồn tại của “cõi thiêng”, nơi mà ở đó các linh hồn tổ tiên, thần linh vẫn đang dõi theo cuộc sống của họ ở trần thế.

f7

Thầy cúng đang làm lễ cúng Rằm tháng Bảy. Ảnh: Báo Yên Bái

Người Dao đỏ lấy ngày 14 (Âm lịch) là ngày chính Rằm. Tuy nhiên, bà con không ăn Rằm vào mỗi ngày 14, mà rải ra cả tháng. Bắt đầu từ ngày 1/7, khắp xóm trên bản dưới nhà nhà đều chuẩn bị gạo nếp ngon, lợn gà, rượu để chuẩn bị đón Rằm. Người Dao quan niệm ăn Rằm càng đông đủ con cháu, hàng xóm thì càng đông vui. Cỗ Rằm tháng Bảy được tổ chức theo từng gia đình. Mỗi gia đình chuẩn bị 5 - 7 mâm cỗ để mời anh em, hàng xóm. Tổ chức ở nhà này thì các nhà khác góp sức, góp nguyên vật liệu (góp lễ), xong nhà này thì lại đến nhà khác.

Mâm cơm cúng bao gồm: Một con heo, một con gà trống, bánh chưng người Dao, rượu và 5 cái chén, 1 chén nước và bát nhang, giấy bản của người Dao.

Trong dịp này, gia đình người Dao đỏ nào cũng đi nhờ thầy cúng về làm nghi lễ khấn cầu. Sau khi đã hoàn tất thủ tục trong nhà, mọi thành viên sẽ tề tựu dưới mái nhà thờ họ. Tất cả ngồi quây quanh ban thờ và mâm lễ để thể hiện lòng thành. Trưởng họ và hai thầy phụ lễ sẽ đứng ra làm lễ cho cả họ.

Tết Rằm tháng Bảy của đồng bào Dao đỏ còn đặc biệt ở chỗ chỉ đến rằm này các bà, các mẹ mới gói những chiếc bánh gù đen - một loại bánh đặc trưng của đồng bào Dao. Loại bánh này được làm từ gạo, giã với tro, thân cây vừng tạo thành bánh có màu đen, khi luộc chín có mùi vị rất lạ. Ngoài ra, còn bánh dày, bánh mật là những loại bánh không thể thiếu vào ngày Tết và Rằm tháng Bảy. 

Tết Xíp xỉ của dân tộc Giáy

Rằm tháng Bảy trong quan niệm của người Giáy ở tỉnh Lào Cai là một lễ tết lớn. Trong tiếng Giáy, Rằm tháng Bảy có cách  gọi “tết Xíp xỉ”. Tết này thường được tổ chức vào chiều 14/7 Âm lịch.

Theo tục lệ, người Giáy tổ chức lễ dâng cúng lên tổ tiên với ý nguyện cầu xin sức khỏe, an lành, thịnh vượng cho gia đình. Lễ vật cỗ cúng được sắm chu đáo như: Gà luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc, canh... Đặc biệt là các gia đình đều tổ chức gói bánh rợm để dâng cúng tổ tiên.

Một điều tạo nên sự khác biệt trong lễ Rằm tháng Bảy của người Giáy nữa là họ tự mua giấy màu về để cắt tiền vàng, quần áo, hàng mã theo đúng trang phục truyền thống dân tộc mình.

Bên cạnh đó, lễ cúng chúng sinh được đồng bào cúng vào thời điểm 21 - 22 giờ đêm. Thủ tục lễ cúng đơn giản là cắm 7 nén hương thành hàng trước ngõ, sau đó trộn xôi, cháo, thịt lợn, nước canh, rắc dọc theo chân hương rồi làm lễ.

Sắc thái văn hóa trong Tết Rằm tháng Bảy của các dân tộc thiểu số Lào Cai

Vào Tết Rằm tháng Bảy hàng năm, các dân tộc ở đây đều chuẩn bị mâm cúng tổ tiên với nhiều lễ vật như thịt gà, thịt lợn, xôi, … và các nghi lễ thờ cúng khác nhau tùy theo phong tục từng dân tộc. Ngoài ra, cũng trong ngày này cùng với mâm cúng tổ tiên, một số dân tộc như Dao tuyển, Dao đỏ (Bảo Thắng), Tày (Nghĩa Đô, Văn Bàn), Phù Lá (Bảo Yên)… đều làm thêm lễ cúng chúng sinh, cô hồn với nhiều lễ vật như vàng mã, bánh kẹo, cơm xôi, cháo, bỏng, rượu…ở ngoài trời với ý nghĩa “xá tội vong linh” như lễ Vu Lan của người Kinh. Người Dao tuyển, Dao đỏ thường làm thêm một mâm cúng ngoài trời để cúng chúng sinh, trong khi đó người Phù Lá lại mời các loại ma dại đến cùng ăn cơm trong nhà sau khi mời tổ tiên.

Đối với người Nùng Dín, ngoài mâm lễ thờ cúng gia tiên với các lễ vật rượu, thịt, hoa quả, xôi màu các loại thì cắt nhiều áo quần biểu trương bằng giấy màu các loại, trong đó có 3 màu chủ yếu là vàng, tím, đen; gấp nhiều giấy vàng mã hình bạc thỏi, vàng thỏi phúng cho các cụ và linh hồn cả loại ma dữ để khỏi quấy nhiễu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.