Thời gian qua, với sự vận động, tuyên truyền của các cấp, các ngành về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã thay đổi rõ rệt, nhà cửa khang trang hơn, nhiều tuyến đường giao thông đã được bê tông hóa, nhựa hóa.
Anh Danh Chanh Đ. (người dân tộc Khmer, ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ, từ khi bà con hiểu và chung tay với chính quyền xây dựng Nông thôn mới, có nhiều con đường lộ mới được xây dựng khang trang, làm cho vùng quê trở nên thay đổi hẳn, nhà tường thay cho căn nhà lá.
Đường về trung tâm huyện Mỹ Xuyên đã được nhựa hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.
“Ngày trước khu vực chúng tôi ở không được sung túc như bây giờ, những năm qua có đường sá thuận lợi, giao thương thông thoáng, kéo theo điện nước phát triển, bà con chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, biết học nghề, đi làm việc trong công ty, xí nghiệp…
Nhờ vậy mà nhiều bà con ở đây đã thoát nghèo, vươn lên cuộc sống khá giả. Ngoài ra, bà con Khmer còn đóng góp công sức để làm đường, trồng hoa kiểng hai bên đường làm cho bức tranh vùng quê tươi sáng hơn”, anh Đ. phấn khởi nói.
Ông Châu Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) thông tin, so với khoảng 10 năm về trước đường sá ngày nay thuận lợi hơn rất nhiều, những còn đường đất mòn ngày trước giờ đây đã trở thành đường bê tông hóa, ấp liền ấp, xã liền xã, người dân đi lại rất an toàn, nhất là vào mùa mưa, đường đến trung tâm xã cũng đã có ô tô đi tới, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với Ban ATGT huyện đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho con em vùng đồng bào dân tộc, vận động bà con hiến đất làm đường, đóng góp để lắp đèn chiếu sáng đường phố, huyện cũng đã có kế hoạch khắc phục, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thông bị hư hỏng để cho bà con đi lại an toàn trong dịp Tết Nguyên đán 2022”, ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, hiện nay, trên địa bàn xã Đại Tâm có khoảng 1.000 con bò sữa, trung bình bà con bán cho đơn vị thu mua với giá khoảng 14.000 đồng/kg. Với sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi bò sữa. Từ đó, cho hiệu quả kinh tế ổn định, giúp nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống gia đình được tốt hơn so với trước đây rất nhiều", ông Kiên thông tin thêm.
Theo Ủy ban MTTQVN huyện Mỹ Xuyên, những năm qua, các xã, thị trấn trong huyện đã vận động đồng bào dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt các phong trào do ngành và địa phương phát động như: đóng góp quỹ vì người nghèo, tham gia xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, phòng, chống dịch Covid-19 và các phong trào thi đua yêu nước.
Trong năm 2021, Ủy ban MTTQVN huyện và các thành viên đã giúp đỡ 57 hộ thoát nghèo; xây dựng và sửa chữa 16 căn nhà Đại đoàn kết; vận động nhân dân mắc mới 238 bóng đèn thắp sáng đường quê; xây dựng 3 tuyến lộ nông thôn; bắc mới 4 cây cầu; trồng và chăm sóc hoa kiểng trên các tuyến lộ nông thôn với chiều dài hàng chục km. Đến nay, nhiều xã trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên đã có tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận