Doanh nghiệp

“Đồng” chứ đừng “hành” doanh nghiệp

12/04/2016, 08:24

Được giao quản lý vốn Nhà nước tại gần 200 doanh nghiệp (DN) với giá trị thị trường cả trăm nghìn tỷ đồng...

5
Dù không được SCIC đề cử, bà Vũ Thị Thuận và 3 đại diện người nước ngoàivẫn được bầu vào HĐQT khóa 2016-2020 của Traphaco

Được giao quản lý vốn Nhà nước tại gần 200 doanh nghiệp (DN) với giá trị thị trường cả trăm nghìn tỷ đồng, song dấu ấn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại những đơn vị này lại đang khá mờ nhạt, chưa phát huy được hiệu quả đồng vốn của Nhà nước.

Các nhà đầu tư ở các DN có SCIC đại diện vốn Nhà nước không ít lần bức xúc với cách hành xử của “ông lớn” này. Đơn cử bà Phạm Thị Việt Nga - người góp phần chèo lái CTCP Dược Hậu Giang trở thành một thương hiệu lớn mạnh đã phải “nhường” ghế Chủ tịch HĐQT cho người đại diện của SCIC. Đáng nói là, kể từ sau sự thay đổi nhân sự chủ chốt ấy, tốc độ tăng trưởng của DN này đã chậm lại thấy rõ.

Thực tế cho thấy, thay vì hỗ trợ, đồng hành cùng DN, sự xuất hiện của nhiều đại diện vốn của SCIC lại gây xung đột lợi ích với các cổ đông còn lại, ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu, sự phát triển chung. Đơn cử như CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang đã từng kiến nghị chuyển giao phần vốn do SCIC quản lý về UBND tỉnh An Giang bởi không tìm được tiếng nói chung với cổ đông lớn SCIC…

Đáng chú ý, sự quan tâm của SCIC tập trung chủ yếu vào những thương hiệu mạnh, qua những ví dụ kể trên. Trong khi đó, với những DN khó khăn, SCIC lại bỏ mặc hoặc không thể hiện được vai trò cần thiết để vực những đơn vị này phát triển như mục tiêu đặt ra. Đơn cử như Công ty Gang thép Thái Nguyên, dự án mở rộng nhà máy hơn 8.000 tỷ đồng bằng vốn hà nước khởi công năm 2007 đến nay gần chục năm vẫn nằm “đắp chiếu”. Và việc SCIC thể hiện vai trò đến nay chỉ là kiến nghị miễn thuế, giãn nợ cho DN này…

Để thực hiện được mục tiêu nâng cao hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước, SCIC rõ ràng phải đồng hành cùng sự phát triển DN, thông qua sự đóng góp thiết thực vào chiến lược phát triển, giám sát quản lý, điều hành. Nhưng những gì đại diện vốn Nhà nước lâu nay thể hiện qua một loạt dẫn chứng, phần nhiều thể hiện, thậm chí đòi hỏi về quyền lợi hơn là trách nhiệm.

Để đồng hành cùng DN, những người đại diện phần vốn, không chỉ cần chung mục tiêu, tâm huyết với DN mà còn đòi hỏi năng lực quản trị, điều hành. Song thực tế cho thấy, nhiều “người” của SCIC khi tham gia vào những lĩnh vực đặc thù như bảo hiểm, dược phẩm, y tế… không chỉ thiếu chuyên môn, kinh nghiệm, mà một vị còn kiêm nhiệm đại diện vốn ở tại 2-3 đơn vị khác nhau. Chẳng hạn, ông Hoàng Nguyên Học - người “nhường” vị trí Chủ tịch HĐQT tại Vinaconex từng đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Hậu Giang, thành viên HĐTV kiêm Phó tổng giám đốc Thường trực SCIC. Ông Lê Song Lai, giữ vị trí thành viên HĐQT tại Vinamilk, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia, thành viên HĐQT FPT… đều là những DN “khủng”.

Kết quả kinh doanh của SCIC cho thấy, lợi nhuận từ khi thành lập đến nay, phần lớn từ những DN lớn như: FPT, Vinamilk, Traphaco… hoặc từ hoạt động gửi tiết kiệm hay bán vốn. Điều này đòi hỏi, đã đến lúc phải rà soát, đánh giá lại mô hình, cách thức, hiệu quả hoạt động của SCIC. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.