Một cảnh phim “Đông Dương” |
Trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 4, bộ phim Indochine (Đông Dương), một tác phẩm đoạt giải Oscar năm 1993, đã chính thức được khởi chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàn quốc từ 4/11 dưới định dạng phim Ultra HD 4K. Dù đã trải qua 25 năm, nhưng với khán giả Việt, bộ phim vẫn còn mới với nguyên giá trị lịch sử to lớn.
Bộ phim quay ở Việt Nam giành giải Oscar, Quả cầu vàng
Tờ New York Times đánh giá, Đông Dương không đưa vào phim góc nhìn chính trị hay tôn giáo mà bộ phim cung cấp cho khán giả nhiều hơn về lịch sử và con người, đất nước Việt Nam. Lấy bối cảnh Đông Dương thập niên 1930-1950, phim Đông Dương ngay khi ra mắt năm 1992 đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới phê bình, gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Năm 1993, bộ phim của đạo diễn Régis Wargnier đã đoạt giải Oscar lần thứ 65 cho phim nước ngoài hay nhất. Catherine Deneuve đoạt giải César cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, đồng thời được đề cử giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Trở lại Việt Nam lần này, nữ diễn viên Catherine Deneuve chia sẻ, mọi kí ức trong bà vẫn sống động như ngày hôm qua. Đặc biệt, Đông Dương là phim có ý nghĩa quan trọng đối với bà, có kịch bản rất hay, câu chuyện thú vị và nhân vật rất đặc biệt. “Tôi càng cảm thấy vui thích hơn khi bộ phim được thực hiện khá lâu rồi nhưng nó vẫn có sức sống lâu bền, được nhìn thấy phim ra rạp sau khi phục dựng cũng là sự ấn tượng mạnh với tôi rồi”, bà cho biết.
Trong khi đó, đạo diễn Régis Wargnier cũng rất xúc động khi quay lại Việt Nam giới thiệu Đông Dương tại LHP quốc tế Hà Nội lần 4. Ông nói: “Có một kỷ niệm sau khi đóng máy có cảnh quay các nghệ sĩ Việt Nam, đó là khi tôi nói mọi người có thể đi về. Nhưng sáng hôm sau vẫn thấy mọi người tới hỗ trợ đoàn làm phim. Tôi xin gửi lời cảm ơn mọi người sau 25 năm”.
Đông Dương khiến người Việt không còn bị lầm tưởng
Qua gần ba tiếng thưởng thức, khán giả hài lòng vì sao Đông Dương đoạt giải Oscar năm 1993. Người xem có thế thấy một bộ phim trí tuệ, tuyệt vời với tính lịch sử và triết lý sâu sắc về số phận những con người đã trải qua chiến tranh tại Việt Nam. Khán giả đã phải thổn thức về tình mẫu tử giữa Éliane Devries (Catherine Deneuve) cùng cô con gái Camille (Phạm Linh Đan) và tình yêu tay ba ngang trái giữa họ và viên sĩ quan điển trai Jean - Baptiste Le Guen (Vincent Pérez). Cuộc tình tay ba khiến cuộc sống của cả ba người bị xáo trộn, kèm theo đó là những diễn biến bất ngờ của thời cuộc khiến mỗi người phải đi theo những ngã rẽ cuộc đời khác nhau. Từ đó, bộ phim truyền tải cho người xem về những nỗi trăn trở của hai tầng lớp chính, người Pháp - trong vai trò là những người đô hộ và những người dân bản địa, những con người vốn được coi là tầm thường, là dân đen, nhưng thực chất lại kiên cường, quả cảm đến không ngờ trong tình trạng nửa thuộc địa.
Sự đầu tư cho phần nội dung lẫn bối cảnh trong Đông Dương, có thể thấy được cái nhìn công bằng về Việt Nam của ekip làm phim nước Pháp. Họ thực sự thấu hiểu, trân trọng lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam. Và để trở thành một trong những bộ phim kinh điển khiến cả thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam và cuộc chiến đã đi qua. Đạo diễn Régis Wargnier đưa vị trí người Việt trong phim lên cao hơn và giúp khán giả không “lầm tưởng” rằng ở xứ thuộc địa, người Pháp mới là chủ nhân thực sự.
Không chỉ xuất sắc về phần nội dung, Đông Dương còn là tuyệt phẩm về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Phim vừa mở màn, khán giả đã ồ lên khi nhìn thấy hình ảnh Hạ Long rất đẹp hiện lên trên màn hình. Với những góc máy ấn tượng và đặc biệt, hầu hết các cảnh đẹp của Việt Nam đều hiện lên trong phim, từ vịnh Hạ Long tới Tam Điệp, Ninh Bình, Phát Diệm, Đình Bảng, Huế,… đều nên thơ. Và dù chiến tranh, Việt Nam vẫn đẹp nên thơ, khiến người xem nao lòng. Những trang phục và nét văn hóa truyền thống của Việt Nam tại các lễ hội cổ truyền, nếp sống trong cung đình, Sài Gòn đã phần nào được tái hiện một cách chân thực và sống động trên phim.
Với khán giả đã xem bộ phim này, đây là cơ hội để thưởng thức lại một kiệt tác điện ảnh sau 25 năm với tâm thế mới. Còn với khán giả trẻ, đây là cơ hội để họ thấy được đất nước và con người Việt Nam trong chiến tranh như thế nào để thêm yêu đất nước.
Phim còn giành được giải Quả cầu vàng ở hạng mục dành cho phim tiếng nước ngoài xuất sắc. Bộ phim được quay tại ba nước Malaysia, Thụy Sĩ, Việt Nam. Bên cạnh dàn diễn viên nổi tiếng của Pháp như: Catherine Deneuve, Vincent Perez, Jean Yanne, phim còn có sự xuất hiện của dàn diễn viên Việt Nam như: Phạm Linh Đan, NSND Như Quỳnh, NSND Trịnh Thịnh... Đây là đoàn phim nước ngoài đầu tiên được phép vào quay trong cung điện, lăng tẩm ở Hoàng thành Huế. Thậm chí, chính quyền địa phương còn cho phép đoàn làm phim tiến hành dàn dựng cảnh quay trong điện của vua Bảo Đại. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận