Ai cho xây dựng trái phép trong khu di tích?
Động Hồ Công là danh thắng nổi tiếng của huyện Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Động có nhiều giá trị nghiên cứu, lịch sử, văn hóa và được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2009.
Di tích danh thắng động Hồ Công được xếp hạng di tích quốc gia năm 2009
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong khu vực di tích quốc gia động Hồ Công có nhiều hạng mục, công trình xây dựng trái phép gồm 6 bệ bằng gạch và xi măng và xuất hiện 9 pho tượng. Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Vĩnh Lộc, xã Ninh Khang sớm vào cuộc xử lý. Cũng trong sáng 16/3, các ngành chức năng gồm Ban tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa; Sở VHTT&DL cùng chính quyền huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lộc đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Tại hiện trường, ông Đào Xuân Yên - Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo Sở VHTT&DL chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép trong khu vực động Hồ Công. Hiện toàn bộ các hạng mục xây dựng đã được phá bỏ, đưa ra bên ngoài trả lại hiện trạng ban đầu cho di tích.
Động Hồ Công tọa lạc trên dãy núi Xuân Đài
Theo một số nguồn thông tin, việc xây dựng các hạng mục này là do sư trụ trì chùa Thông (hay còn gọi chùa Du Anh) chỉ đạo cho xây dựng. Tuy nhiên, tại cuộc họp ở UBND xã Ninh Khang, ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND huyện Vĩnh Lộc cần nghiêm túc kiểm tra, xử lý người thực hiện việc xây dựng các hạng mục công trình trái phép trong di tích.
"Với khối lượng xi măng, sắt thép lớn để phục vụ xây dựng như vậy thì không thể nói xây trộm được. Chắc chắn phải có vấn đề gì ở đây", ông Đào Xuân Yên nhấn mạnh và đề nghị sư trụ trì Thích Đàm Hải rút kinh nghiệm sâu sắc, không thể tùy tiện đưa các pho tượng lên để thờ làm mất đi giá trị gốc của di tích. Nhà chùa phối hợp với các ngành liên quan sớm khắc phục và cam kết không tái diễn tình trạng này.
Các hạng mục xây dựng trái phép trong động Hồ Công (Ảnh: NDCC)
Địa phương nhận trách nhiệm
Ông Lữ Minh Thư - Bí thư huyện ủy huyện Vĩnh Lộc cho rằng: Sự việc này may mắn được phát hiện sớm để có hướng xử lý sớm. Nếu để kéo dài, không biết sẽ như thế nào. Đây là một bài học sâu sắc và tôi xin nhận trách nhiệm.
Ông Đào Xuân Yên - Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã có chỉ đạo kịp thời cho địa phương. Việc xâm hại di tích xảy ra nhiều nơi, ở Thanh Hóa cũng thỉnh thoảng đã xảy ra tình trạng tương tự (như trường hợp chùa Quán Thánh, ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa; Giếng ngọc ở huyện Thiệu Hóa... xảy ra trong năm 2022) và cũng đã nhiều lần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý. Qua đây, tôi mong muốn đây là lần rút kinh nghiệm cuối cùng cho các cấp, ngành trong công tác quản lý, bảo tồn giá trị văn hóa, di tích, kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các di tích.
Trong ngày 16/3, các lực lượng chức năng cho tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép trong khu di tích
"Huyện Vĩnh Lộc nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm này. Đối với Sở VHTT&DL cần quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra tại các khu vực di tích để sớm phát hiện và ngăn ngừa các vi phạm. Bên cạnh đó phải trang bị kỹ năng, kiến thức cho cán bộ quản lý di tích", Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa đề nghị.
Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa - Đào Xuân Yên yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm
Di tích thắng cảnh động Hồ Công là một quần thể bao gồm: động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong và chùa Thông, thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc. Nơi đây nổi tiếng là một “bầu ngọc”, “bầu trời”, bởi có cảnh sắc tựa thiên bồng. Động có chiều dài 45m, rộng khoảng 23m, đường lên động có phiến đá lớn khắc bốn chữ hán "Thanh Kỳ Khả Ái" do Nhật Nam nguyên chủ Trịnh Sâm cho khắc vào tháng 10 năm canh dần 1770.
Trên vách động còn lưu lại rất nhiều bài thơ chữ Hán, trong đó có thơ của vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Nhiễm, Ngô Thì Sỹ.... thể hiện sự ngưỡng mộ trước cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ của Động Hồ Công. Với những giá trị to lớn về phương diện nghiên cứu, lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo, năm 2003 khu di tích danh thắng động Hồ Công đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, năm 2009 được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
>>> Video tháo dỡ các công trình sai phạm ở Động Hồ Công
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận