Bị cáo Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa |
Có chỉ đạo miệng mua bằng được ụ nổi
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ 22 - 24/4. Chủ tọa phiên phúc thẩm là thẩm phán Nguyễn Văn Sơn. Có 16 luật sư tham gia bào chữa cho 9 bị cáo. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư là Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đại Thắng (cùng thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội).
Trước đó, tại phiên sơ thẩm diễn ra tháng 12/2013, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Cùng chung hình phạt giống bị cáo Dương Chí Dũng là bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines)...
Tại phiên tòa, bị cáo Dũng thừa nhận đã phạm một số sai lầm trong quá trình điều hành, quản lý dẫn đến việc làm trái quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo Dũng cho rằng, mọi quyết định của bị cáo trong thời gian còn làm Chủ tịch HĐQT Vinalines đều không phải do một mình bị cáo quyết mà có sự thống nhất của cả HĐQT. Do đó, theo bị cáo Dũng, mức án mà tòa sơ thẩm tuyên phạt đối với mình là chưa phù hợp và muốn tòa phúc thẩm xem xét để giảm án cho bị cáo.
Bị cáo Dũng cũng phủ nhận cáo buộc của Viện KSND tham ô 10 tỷ đồng thông qua việc ký quyết định phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.
Tương tự, bị cáo Mai Văn Phúc cũng không thừa nhận các tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về lời khai trước tòa của hai bị cáo Dũng và Phúc, bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng, Dũng và Phúc có nói cố gắng mua bằng được ụ nổi 83M. Bị cáo Sơn cho rằng, mình chỉ vi phạm ở việc ký nháy vào văn bản mua ụ nổi 83M rồi trình lãnh đạo ký...
Vợ bị cáo Dũng, Phúc đề nghị hủy kê biên nhà
Diễn biến phiên xét xử ngày 22/4 có một số thông tin đáng chú ý. Vợ bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đề nghị HĐXX xem xét hủy kê biên tài sản đối với một số bất động sản. Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) kiến nghị hủy kê biên ba căn hộ, trong đó có hai căn hộ cao cấp tại Hà Nội. Bà Phương cho rằng, hai căn hộ do “bạn gái” của Dũng đứng tên được mua bằng tiền vay mượn. Về căn hộ gia đình đang ở, hiện chưa sang tên, tiền mua căn hộ từ 3 nguồn mẹ vợ, mẹ chồng và bà Phương tự kinh doanh.
Bà Ngô Thị Vân (vợ bị cáo Mai Văn Phúc) kiến nghị hủy kê biên nhà ở Hạ Long, vì đó là căn nhà duy nhất có sổ đỏ, là nơi dùng để thờ cúng tổ tiên. “Mảnh đất đó do tôi đổi một cái tủ lạnh và dùng tiền nuôi lợn, nuôi gà mua năm 1983”, bà Vân nói.
Trong một diễn biến khác, sáng 22/4, luật sư của bị cáo Dương Chí Dũng cung cấp chứng cứ thu thập từ công ty Addpower Pte Ltd của Singapore (môi giới ụ nổi 83M). Tại một bản khai, giám đốc điều hành của Công ty Addpower Pte Ltd và đại diện cho công ty trong việc mua bán ụ nổi 83M cho biết: Chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Trước khi thỏa thuận được ký, Công ty Addpower Pte Ltd không hề biết Công ty Phú Hà (công ty của em gái bị cáo Sơn) nhưng đã chuyển tiền vào tài khoản của công ty này theo yêu cầu của Sơn.
Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng khẳng định đã thu thập chứng cứ trên đúng trình tự của Công ước quốc tế và đã cung cấp cho HĐXX tại phiên tòa. Theo luật sư Triển, đây là vấn đề mấu chốt để xác định ai là người thương thảo, ai là người được hưởng lợi từ việc mua ụ nổi 83M...
Phủ nhận tội tham ô, nộp tiền khắc phục mất “thiêng”
Tối 22/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, rất khó để HĐXX xem đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho Dương Chí Dũng, bởi bị cáo không nhận mình phạm tội tham ô tài sản.
Ông Sang cho biết, theo Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao về việc hướng dẫn xử lý với tội tham ô tài sản: Người phạm tội bị xử phạt tử hình đã bồi thường một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình, tùy vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
“Khung hình phạt cao nhất của tội tham ô tài sản là tử hình, nếu bị cáo nhận tội tham ô tài sản thì số tiền 4,7 tỷ đồng sẽ được HĐXX xem xét là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt, nhưng tại phiên xử phúc thẩm diễn ra ngày 22/4, bị cáo Dũng một mực phủ nhận không phạm tội tham ô tài sản. Do đó, số tiền trên không phải để khắc phục hành vi tham ô tài sản nên rất khó để HĐXX coi đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt”, ông Sang nói. Việc này cũng áp dụng trong tình huống của bị cáo Mai Văn Phúc (không nhận tội tham ô).
Hôm nay (23/4), tòa tiếp tục xét xử vụ án này.
Nguyễn Quý - Đình Quang
Về chứng cứ thu thập từ công ty môi giới ụ nổi có trụ sở tại Singapore, được luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng cung cấp tại tòa, luật sư Nguyễn Duy Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có quy định, trong quá trình xét xử, nếu HĐXX nhận thấy tình tiết mới cần thời gian xem xét và chứng cứ mới này có thể thay đổi một số nội dung, bản chất của vụ án thì HĐXX có thể quyết định hoãn hay tiếp tục xét phiên tòa. “Luật sư chỉ có thẩm quyền cung cấp chứng cứ còn HĐXX là người ra quyết định có cần thiết phải hoãn phiên xét xử hay không”, luật sư Minh nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận