Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt tặng quà cho các đơn vị thực hiện Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông |
Ra quân là làm việc ngay
Sáng 2/2, Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4) đồng loạt ra quân tại các công trình, dự án: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, gói thầu 1A dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, sân bay Phú Quốc, cầu Sông Hốt, cầu Bình Hương… Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CIENCO4 cho hay: “Ngay từ sáng mùng 5 Tết Đinh Dậu, chúng tôi đã thuê hàng chục xe ô tô chất lượng cao chở anh em công nhân từ các địa phương trở lại công trường để bắt đầu làm việc từ mùng 6 Tết với tinh thần ra quân là phải làm ngay nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”.
Theo ông Huỳnh, trong năm 2017, CIENCO4 sẽ tập trung thi công để hoàn thành hàng loạt dự án giao thông như: Cầu Bình Hương, cầu Sông Hốt (trước 31/3), gói 4 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trước 30/4), đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (quý I/2017)… “Riêng hai công trình trọng điểm do CIENCO4 đảm nhiệm thi công là gói thầu J3 cao tốc Bến Lức - Long Thành và gói thầu CP1A dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên thời gian thực hiện hợp đồng lần lượt là 48 tháng và 42 tháng sẽ được hoàn thành sau năm 2017”, ông Huỳnh chia sẻ.
"Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai rất nhiều dự án, tuy nhiên, sẽ lựa chọn những công trình trọng điểm. Trước mắt là nút giao An Dương, sau đó sẽ xem xét triển khai tiếp cầu vượt ở Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Chí Thanh - Láng Hạ. Song song với đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3, chúng tôi sẽ chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục khởi công đoạn cuối đường Vành đai 1 và đoạn đầu của Vành đai 2." Ông Nguyễn Thế Hùng |
Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 được mở rộng thành 6 làn xe, công trình giao thông trọng điểm án ngữ cửa ngõ Thủ đô do Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ làm nhà đầu tư theo hình thức BOT cũng chính thức phát lệnh ra quân sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu vào sáng 2/2. Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành khẳng định: “Ngay khi ra quân, chúng tôi sẽ chỉ đạo các mũi thi công bắt tay ngay vào công việc để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo dự án hoàn thành vào quý II/2018”.
Ông Khôi cho biết thêm, trong ngày, đơn vị cũng đồng loạt ra quân, triển khai thi công để hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm khác trong năm 2017 như: Gói thầu số 7, số 8 cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (trước ngày 31/12), gói thầu số 5 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tháng 5/2017), cầu Bạch Đằng (tháng 7/2017) và gói thầu CW2C dự án đường kết nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống (tháng 8/2017).
Tại khu vực miền Trung, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang vào giai đoạn nước rút. Ghi nhận của PV, ngay sau thời gian nghỉ Tết, sáng 2/2, các mũi thi công đã đồng loạt triển khai trên toàn dự án. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC - chủ đầu tư), dự án đang vào cao điểm hoàn thiện nền, tăng khối lượng thảm bê tông nhựa khi thời tiết thuận lợi. Hiện tại, tiến độ dự án đạt hơn 65%. Trong quý II/2017, dự án sẽ thông xe đoạn tuyến phần vốn JICA (từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ, Quảng Nam), đoạn tuyến còn lại (phần vốn WB) sẽ cán đích vào cuối năm 2017.
Biểu dương nỗ lực của các đơn vị tham gia triển khai dự án tại lễ ra quân, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu VEC, các đơn vị thi công, tư vấn giám sát tiếp tục kiểm soát chặt chất lượng, tiến độ dự án. “Dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thiện nên cần đảm bảo tối đa chất lượng vật liệu, quy trình trộn, thảm, kiểm soát mặt đường bê tông nhựa. Việc xong sớm dự án rất quan trọng, góp phần kết nối hạ tầng giao thông, phát triển thông thương, liên kết vùng”, Thứ trưởng Thọ chỉ đạo.
Một dự án cao tốc khác trên dải đất miền Trung là tuyến La Sơn - Túy Loan cũng đã được triển khai thi công đồng loạt. Ông Nguyễn Vũ Quý, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM cho biết, dự án đang chờ phê duyệt thiết kế giai đoạn 2. Tuy nhiên, những gói thầu đã được phê duyệt phần mở rộng, các nhà thầu bắt tay triển khai thi công nền móng. “Hiện, giai đoạn 1 hoàn thành hơn 60%. Những tháng tới, ban phấn đấu hoàn thành thiết kế toàn tuyến mở rộng. Dự kiến, cuối năm nay, dự án vào cao điểm thảm bê tông nhựa”, ông Quý nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường động viên đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công khu Depot Hà Đông - Ảnh: Huy Lộc |
Nhiều dự án giao thông đô thị kéo giảm ùn tắc
Ngày 2/2, tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều dự án giao thông đô thị cũng tổ chức lễ ra quân đầu năm để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Trên công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, đến nay, dự án đã đạt 90% khối lượng công việc, tuy nhiên, 10% còn lại vẫn rất lớn và cần sự chủ động, tăng tốc hơn nữa để dự án hoàn thành đúng tiến độ. “Lãnh đạo Bộ GTVT sẽ thường xuyên kiểm tra và phối hợp với lãnh đạo TP Hà Nội để tháo gỡ kịp thời nhằm đưa dự án vào vận hành đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tổng thầu, các nhà thầu cần chủ động, nỗ lực để đáp ứng các khối lượng công việc theo kế hoạch”, Thứ trưởng Trường yêu cầu.
Tháng 10/2017, vận hành thử tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông Ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, hiện nay, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành lắp đặt 13,05km đường ray chính tuyến và đường thử tàu. Các hạng mục kết cấu các nhà ga, kiến trúc trong khu Depot đã cơ bản hoàn thành... “Ngày 23/1, đoàn tàu đầu tiên đã đóng gói và được vận chuyển về Việt Nam. Ngày 4/2, đoàn tàu này sẽ về đến cảng. Đây là đoàn tàu đô thị chính thức đầu tiên được đưa về để phục vụ dự án”, ông Thành nói và cho biết, theo kế hoạch, ngày 1/10, dự án sẽ được vận hành thử liên động toàn hệ thống trong thời gian 3-6 tháng. |
Đối với các công trình khác trên địa bàn Thủ đô, trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 6/2, cầu vượt nút giao Cổ Linh sẽ tiếp tục thi công trở lại sau Tết, phấn đấu khánh thành và đưa vào khai thác từ ngày 15/3. “Trong năm 2017, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên một loạt công trình giao thông cấp bách. Ngay cuối quý I, đầu quý II, Hà Nội sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng nút giao An Dương - đê Yên Phụ. Sau đó, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầu tư công trình mở rộng đường Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc và nghiên cứu triển khai cầu vượt tại đây”, ông Tuấn nói và cho biết, hiện tại, TP Hà Nội đang tích cực triển khai công trình mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đồng thời phối hợp với Bộ GTVT triển khai tiếp đường Vành đai 3 trên cao, phấn đấu kết thúc dự án trong năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Trên địa bàn TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, trong năm 2017 sẽ triển khai tới 80 dự án. Trong đó, 50 dự án đầu tư bằng ngân sách TP.HCM (khoảng 8.417 tỷ đồng); 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương (9.253 tỷ đồng), 3 dự án sử dụng vốn ODA (9.440 tỷ đồng) và 24 dự án đầu tư bằng hình thức PPP (12.153 tỷ đồng). Theo kế hoạch đầu năm 2017, TP HCM sẽ đầu tư dự án đường Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - QL1 (Q.Thủ Đức) dài 2,7km; Cầu vượt thép trước cổng sân bay từ đường Trường Sơn vào ga quốc tế, quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất; Cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp); mở rộng đường Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận), mở rộng đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay; Mở rộng đường Phan Thúc Duyện (Q.Tân Bình)...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận