Từ giữa tháng 4, nhiều chuyến bay đi các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã không còn vé. Hầu như toàn bộ các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên cả nước cũng được đặt kín chỗ từ lâu.
Tại các khu công nghiệp, chế xuất, các doanh nghiệp ồ ạt tuyển lao động với mức đãi ngộ hấp dẫn, nỗ lực phục hồi sản xuất. Các hoạt động giao thương, đi lại, học tập, làm việc…. diễn ra như trước dịch.
Trang bìa Báo Giao thông số đặc biệt chủ đề "Động lực phát triển mới"
Đó là những biểu hiện cho thấy cuộc sống thực sự đã trở lại trạng thái bình thường trên khắp đất nước ta. Đây là điều mà chỉ cách đây 2 tháng, có lẽ ít người dám nghĩ tới!
Việc sớm kiểm soát được dịch bệnh, nỗ lực phục hồi kinh tế khiến tình hình quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%).
Kết quả này có được nhờ các quyết sách kịp thời, điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tinh thần vượt khó của mỗi người dân, doanh nghiệp.
Kinh nghiệm quý giá trong ứng phó dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh suốt hơn 2 năm qua chắc chắn sẽ là một động lực to lớn cho chúng ta trong hành trình sắp tới.
Trong nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, một trong những ưu tiên hàng đầu được Chính phủ xác định là tạo đột phá về hạ tầng giao thông. Đây là động lực phát triển không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà cả về lâu dài.
Mặc dù ngân sách còn khó khăn, song Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ưu tiên dành nhiều nguồn lực, cơ chế chính sách để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, cân đối giữa các vùng miền.
Chỉ tính riêng đường bộ cao tốc, cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng hơn 1.900 km cao tốc, với nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng. Chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như vậy cho các dự án cao tốc- dự kiến hoàn thành trong các năm 2025-2026.
Để giải quyết vấn đề mất cân đối trong đầu tư hạ tầng giao thông giữa 2 khu vực kinh tế phía Bắc và phía Nam, thời gian qua, Chính phủ cũng đã tháo gỡ nhiều nút thắt, có nhiều cơ chế, ưu tiên nguồn lực để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng. Điều này được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy tạo cú hích phát triển mới cho đầu tàu kinh tế phía Nam.
Nhân kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022) và ngày Quốc tế Lao động 1/5, Báo Giao thông xuất bản số đặc biệt với chủ đề “Động lực phát triển mới”, chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.
Báo Giao thông trân trọng gửi tới bạn đọc, quý doanh nghiệp và đối tác ấn phẩm đặc biệt này!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận